TPHCM bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp Nhật
Ngày 19/12, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phối
hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức hội nghị bàn tròn giữa lãnh đạo
thành phố và cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tổng
số vốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản đạt 2,7 tỷ USD và năm 2012, Nhật Bản vẫn
giữ vị trí dẫn đầu trong các nhà đầu tư nước ngoài vào thành phố. Kết quả này
cho thấy hiệu quả của việc tổ chức và duy trì các Hội nghị bàn tròn đối thoại
giữa lãnh đạo thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản từ năm 2006 đến nay.
Các kiến nghị tại hội nghị đã góp phần cải thiện tình hình đầu tư cho doanh
nghiệp, gắn kết hợp tác giữa các công ty trong và ngoài nước, tạo quan hệ tốt
giữa nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài và cơ quan quản lý Nhà nước...
Hội nghị tập trung trao đổi các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu
tư, kinh doanh thuận lợi hơn nữa để tạo lợi ích cho các bên.
Đại diện của các sở, ngành đã trao đổi trực tiếp các vấn đề thiết thực và quan
tâm của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
Theo ông Phạm Quốc Chương, đại diện Sở Giao thông Vận tải, nhằm giải quyết các
nút giao thông ùn tắc trên lộ trình vận chuyển hàng hóa vào cảng Cát Lái, thành
phố đã mở rộng các nút giao thông tại ngã ba vào đại lộ Đông Tây, dự án cầu Suối
Cái, cầu vượt Thủ Đức... và sẽ được hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2013.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan cho rằng doanh nghiệp cần
phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để hạn chế những trường hợp tiêu cực, ảnh
hưởng đến quyền lợi và hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Cục hải quan đã thành lập đường dây nóng, trang thông tin điện tử tư vấn... nên
doanh nghiệp có thể báo cáo cơ quan quản lý về các hành vi vi phạm pháp luật của
lực lượng thi hành công vụ kịp thời và nhanh chóng khi xảy ra vấn đề trong giao
dịch.
Về lĩnh vực an ninh trật tự xã hội, Trung tá Nguyễn Văn Dũng, Văn phòng Công an
Thành phố Hồ Chí Minh cho biết năm 2012 trên địa bàn có 136 vụ xâm phạm tài sản
người nước ngoài (giảm so với năm 2011), trong đó có 9 vụ liên quan đến công dân
Nhật Bản.
Thành phố đã tăng cường triển khai nhiều chương trình khuyến cáo và hướng dẫn
người nước ngoài đến làm ăn, sinh sống và du lịch tại thành phố như các thủ tục
cần thiết khi xảy ra các vụ việc cướp giật. Đặc biệt, người nước ngoài không nên
chỉ báo cáo các vụ việc đến Đại sứ quán, Tổng lãnh sự mà nên khai báo với cơ
quan chức năng địa phương để được hỗ trợ kịp thời.
Ông Mitsuhiro Mori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết hiện tại có
khoảng 600 doanh nghiệp Nhật Bản là thành viên của hiệp hội và họ mong muốn Việt
Nam ngày càng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, để giúp các nhà đầu tư
hoạt động tốt hơn và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới./.
Mỹ Phương
Vietnam+
|