Thực hư chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc
Dù hình ảnh xuất hiện khá nhiều nhưng chiến đấu cơ thế hệ 5 được cho có tên J-31 của Trung Quốc vẫn là ẩn số mơ hồ.
Sau hai tháng kể từ khi truyền thông thế giới đua nhau đưa tin về J-31 thì dòng máy bay này vẫn là một bí ẩn giống như nhiều loại chiến đấu cơ mà Trung Quốc chế tạo lâu nay. Thỉnh thoảng, báo chí Trung Quốc chỉ úp mở thông tin rất giới hạn về J-31. Cuối tháng trước, tờ China Daily dẫn lời một lãnh đạo của Tập đoàn công nghiệp hàng không nước này khẳng định mẫu chiến đấu cơ tàng hình thứ 2 của Trung Quốc sẽ chẳng thua loại F-35 do Mỹ chế tạo. Theo đó, loại máy bay này sẽ được triển khai trên tàu sân bay nhằm tăng cường sức mạnh cho hải quân Trung Quốc. Hồi đầu năm nay, Tân Hoa xã từng đưa tin Bắc Kinh vừa tiến hành thử nghiệm loại máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên mang tên J-20.
Nghi án sao chép
Trong khi đó, sự tự tin của giới chức Trung Quốc về thực lực công nghệ chế tạo chiến đấu cơ tàng hình vẫn chưa đủ sức thuyết phục giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Mới đây, chuyên trang công nghệ quốc phòng Defense Tech nhận định: “Các quan chức Trung Quốc nói rằng họ không ăn cắp mẫu thiết kế chiến đấu cơ tàng hình Mỹ, nhưng sự giống nhau giữa J-31 và F-22 cũng như F-35 là rất đáng kể”.
Đây không chỉ là nhận định của Defense Tech. Thời gian qua, báo chí quốc tế không ngừng đặt ra nghi vấn về việc Bắc Kinh đã sao chép, đánh cắp công nghệ của Washington để chế tạo nên chiến đấu cơ thế hệ 5. Báo The Diplomat cũng đăng bài bình luận như sau: “Nó (J-31 - NV) giống F-22 ở một số góc độ và giống cả F-35 trong một số đặc điểm khác. Thế nhưng, chẳng hề nhầm lẫn khi cho rằng thực chất nó là một máy bay tàng hình Mỹ được Trung Quốc đổi màu sơn”. Tương tự, CNN dẫn lời một số chuyên gia nhận định: “J-31 giống F-22 đến 75% từ phần thân dưới, còn phần đầu thì rất giống F-35”.
Quả thực, thông qua các hình ảnh xuất hiện gần đây thì J-31 có thiết kế rất giống F-35 dù kích thước có phần khác biệt. Sự giống nhau xuất hiện trong các đường nét khí động học, khoang hút gió hai bên thân máy bay cũng như các thiết kế bộ phận chứa vũ khí giữa “bụng”.
Kèo dưới
Thời gian qua, giới chuyên gia quân sự quốc tế vẫn chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại trong công nghệ chế tạo chiến đấu cơ của Trung Quốc. Mới đây, tạp chí Flight International phát hành báo cáo Không quân thế giới 2013, đánh giá thực lực không quân của các cường quốc. Trong đó, báo cáo này nhận định các loại chiến đấu cơ thế hệ 4 như Boeing F/A - 18 Super Hornet Dassault Rafale, Eurofighter Typhoon và Saab Gripen E vẫn vượt trội hơn về công nghệ so với máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Trung Quốc là J-20 và J-31. Thực tế, Bắc Kinh hiện nay vẫn đang thử nghiệm loại chiến đấu cơ thế hệ 4 J-15 dành cho tàu sân bay. Trong khi đó, những loại máy bay trên của phương Tây đã được vận hành tác chiến suốt nhiều năm qua. RIA-Novosti dẫn lời quan chức cấp cao Igor Korotchenko của Bộ Quốc phòng Nga nhận định Trung Quốc không đủ sức giải quyết các vấn đề về việc gấp cánh của J-15. Vì thế, theo ông Korotchenko, Bắc Kinh rồi cũng phải mua Su-33 của Moscow để trang bị cho tàu sân bay.
Mặt khác, dù tích cực đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí thông qua chính sách giá rẻ suốt nhiều năm qua nhưng Trung Quốc vẫn chưa thể chứng minh được chất lượng của nền công nghiệp quốc phòng nước này. CNN dẫn lời chuyên gia John Pike, Giám đốc trang mạng an ninh Global Security, đánh giá: “Họ bắt đầu phát triển động cơ máy bay vào thập niên 1960. Đến thập niên 1970 họ bắt đầu thương mại hóa. Sau đó, họ làm chủ công nghệ này từ cách đây 20 năm nhưng chất lượng vẫn không tốt. Một thiết kế ra đời cách đây nửa thế kỷ và họ tiếp tục phát triển thêm 20 năm nhưng chẳng tới đâu”.
Rõ ràng, với một thực tế như thế, việc Trung Quốc tự lực cánh sinh phát triển chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình rất đáng hoài nghi.
Ba loại chiến đấu cơ F-35
Là một trong những dự án vũ khí tốn kém nhất lịch sử nước Mỹ, chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 được Washington kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ lực đối với cả không quân lẫn hải quân. Vì thế, dòng máy bay này bao gồm 3 chủng loại.
Đầu tiên là F-35A với đặc tính cất và hạ cánh theo cách thức truyền thống, chủ yếu được trang bị cho không quân.
Loại thứ hai là F-35B có khoảng cách cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng nên rất phù hợp trong những điều kiện sân bay bị giới hạn về diện tích.
Thứ ba là F-35C chuyên dụng cho tàu sân bay. Loại này tương thích với hệ thống phóng máy bay và hệ thống cáp hãm khi hạ cánh trên hàng không mẫu hạm. Ưu điểm khác của loại F-35C là tầm bay và bán kính tác chiến xa.
|
Ngô Minh Trí
thanh niên
|