Thứ Bảy, 22/12/2012 09:28

Bộ Nội vụ muốn làm rõ việc “chạy” công chức

Trả lời phỏng vấn Báo Lao Động, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết: Ngày 21.12, Bộ Nội vụ có công văn số 4635 đề nghị UBND TP.Hà Nội rà soát, báo cáo việc tuyển dụng công chức của TP; thời hạn đến ngày 25.12 có báo cáo trả lời.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn

Ông Tuấn nói:

Sau khi nghe thông tin “chạy” công chức không dưới 100 triệu đồng do Chủ nhiệm UBKT Thành ủy Hà Nội Trần Trọng Dực phát biểu tại HĐND TP.Hà Nội, chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn của bộ gọi điện trực tiếp xuống Sở Nội vụ (NV), yêu cầu báo cáo công tác tuyển dụng của TP.Hà Nội tại các quận, huyện để kiểm tra tính chính xác thông tin trên cụ thể đúng-sai như thế nào.

Ngày 21.12 tôi đã ký công văn số 4635 đề nghị UBND TP rà soát, báo cáo việc tuyển dụng công chức của TP, thời hạn là ngày 25.12 có báo cáo trả lời. Đồng thời, ngay từ ngày 14.12 khi nghe thông tin về vấn đề này do báo chí nêu, Bộ Nội vụ cũng khẩn trương chỉ đạo Vụ Công chức, viên chức chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và Thanh tra Bộ Nội vụ tổ chức ngay việc kiểm tra công tác tuyển dụng công chức ở Hà Nội. Việc này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình rất quan tâm và chỉ đạo phải về kiểm tra, làm rõ.

Trong khi chờ đợi Hà Nội báo cáo, tôi đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra xác minh làm rõ sự việc về thẩm quyền, quy trình tuyển dụng công chức, thậm chí kiểm tra cả bài thi, đáp án, kết quả chấm các bài thi. Kiểm tra nội dung hướng dẫn ôn thi, câu hỏi thi, thang điểm như thế nào, thông báo tiêu chuẩn và điều kiện dự thi có đúng quy định của pháp luật không?

Vậy Bộ Nội vụ có phát hiện ra nhiều sai phạm không và ở ngành, lĩnh vực nào là nhiều nhất?

- Các sai phạm chủ yếu là phát hiện từ hồ sơ như: Thông báo tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển có tình trạng tự quy định ngoài các quy định của pháp luật, tự quy định các đối tượng ưu tiên không đúng quy định, thiếu công khai, minh bạch; chất lượng đề thi và nội dung thi chưa đúng với yêu cầu tuyển dụng… Còn ở ngành, lĩnh vực nào nhiều nhất, hiện chúng tôi cũng chưa đánh giá được.

Bộ có đánh giá được các dạng chạy “tuyển dụng” phổ biến hiện nay không, thưa ông?

- Như trên tôi đã nói, việc kiểm tra của chúng tôi đối với công tác tuyển dụng chỉ thực hiện dưới góc độ quản lý nhà nước về công tác tuyển dụng. Kiểm tra xem việc tuyển dụng có thực hiện đúng các quy định của nhà nước hay không. Ví dụ như về quy định tiêu chuẩn, điều kiện dự tuyển, quy trình tổ chức tuyển công chức đã đúng hay chưa, thẩm quyền có đúng không, sự phối hợp, kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức có liên quan như thế nào...

Còn việc “chạy” bằng tiền như ông Dực nói thì có thể có nhưng chưa phát hiện được, vì nếu có, nó diễn ra trước quá trình tuyển dụng và thật là rất khó phát hiện.

Để hạn chế các hiện tượng tiêu cực trên, Bộ Nội vụ đã đề ra giải pháp gì, khi mà việc thi tuyển công chức đã bị một số người cố tình làm sai?

- Chúng tôi thấy có trách nhiệm rất lớn trong việc nghiên cứu đề xuất và tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản quy định quy trình, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm thật chặt chẽ, không để có chỗ “hở” để khi thực hiện có thể “lách” được. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đang chỉ đạo nghiên cứu đưa giải pháp ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển: Các câu hỏi, đáp án, quản lý thời gian thi và việc chấm thi sẽ do máy tính tự động thực hiện, sẽ hoàn toàn công bằng, khách quan. Ai có đủ trình độ, năng lực sẽ được tuyển, cơ hội trúng tuyển là công bằng và như nhau đối với mọi người, không phân biệt tại chức hay chính quy, không phân biệt công lập hay ngoài công lập. Bộ Nội vụ đã và sẽ là cơ quan ứng dụng công nghệ thông tin đầu tiên vào công tác tuyển dụng.

Bộ Nội vụ có bao giờ tổng kết, rút kinh nghiệm để tìm giải pháp hạn chế hiện tượng tiêu cực trên?

- Bộ Nội vụ vẫn thường xuyên hằng năm tổ chức đánh giá, nghiên cứu để tìm giải pháp hạn chế tiêu cực. Các giải pháp phòng ngừa: Hoàn thiện các quy định, điều kiện đăng ký dự tuyển, các chế độ ưu tiên, hồ sơ, quy trình tổ chức kỳ thi, thành lập Hội đồng giám sát việc tổ chức thi tuyển này. Nếu có dư luận hoặc đơn thư khiếu nại, tố cáo, sẽ kiểm tra lại cả quy trình thi tuyển.

Bộ có nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo kiểu “chạy” này không, thưa ông?

- Về các đơn thư thường là nặc danh, nhưng chúng tôi cũng sẽ giao cho các vụ chuyên môn, thanh tra của bộ xác minh hoặc giao các cơ quan liên quan giải quyết ngay. Nhưng các tố cáo này chủ yếu về các diện ưu tiên, tiêu chuẩn và điều kiện đăng ký dự thi, việc tổ chức thiếu công khai, minh bạch…

Xin cảm ơn ông.

Vương Hà thực hiện

lao động

Các tin tức khác

>   Big C nói gì về “nghi ngờ chuyển giá”? (21/12/2012)

>   Giàu, nghèo đều khóc (21/12/2012)

>   38.218 tỉ đồng để nuôi cá tra đi đâu? (21/12/2012)

>   Công bố một loạt tiết lộ gây sửng sốt vụ Bạc Hy Lai (21/12/2012)

>   Thứ trưởng Bộ Công thương: “Xin lỗi anh Bảo” (21/12/2012)

>   Hồ sơ đập thủy điện Đăk Mek 3 có dấu hiệu gian dối (21/12/2012)

>   Tiền nhà nước biếu không hàng trăm triệu đồng/tháng (21/12/2012)

>   Người tiêu dùng ở TPHCM chi tiền cho bia rượu nhiều nhất (20/12/2012)

>   Sếp Techcombank viết tâm thư cắt thưởng Tết (20/12/2012)

>   Sếp nữ vòi 'phong bì' hơn 4 tỷ đồng (20/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật