Quản lý thị trường vàng: “Túm” chỗ nọ, “bùng” chỗ kia
Hoạt động kinh doanh vàng miếng tại các DN kinh doanh vàng bạc quy mô nhỏ bị cấm kể từ khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực (25/5/2012). Tuy nhiên, các DN lại tìm được “cửa” khác cho kinh doanh vàng 9999, vốn đem lại nguồn lợi chủ yếu lâu nay.
Quy mô thị trường vàng miếng bị thu hẹp đến 90%
Theo Nghị định 24/2012, DN muốn kinh doanh vàng miếng, phải đáp ứng điều kiện: có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua bán vàng từ 2 năm trở lên; có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất; có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên… Với điều kiện này, chỉ có những DN kinh doanh vàng có quy mô lớn và các ngân hàng mới được phép mua - bán vàng miếng.
Theo một nguồn tin từ NHNN, hiện đã có 36 đơn vị, gồm 15 tổ chức tín dụng và 21 DN nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo cấp vụ của NHNN, hiện cơ quan này chưa phê duyệt giấy phép của bất kỳ một đơn vị nào, mà đang yêu cầu các DN bổ sung hồ sơ cũng như giao cho
chi nhánh tỉnh/thành phố cuả NHNN tiến hành thẩm định tình hình thực tế của các DN về mạng lưới phân phối, nhân lực, cơ sở vật chất…
“Dự kiến, tuần sau, NHNN sẽ có báo cáo kết quả từ các chi nhánh”, vị lãnh đạo trên nói.
Như vậy, những cửa hàng vàng của các hộ tư nhân, với quy mô vốn không lớn, địa bàn kinh doanh hạn hẹp chắc chắn sẽ không được tham gia kinh doanh vàng miếng, mà phải chuyển sang kinh doanh vàng nữ trang. Điều này sẽ khiến quy mô hoạt động của thị trường vàng miếng bị thu hẹp đáng kể mà như nhận định của ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty Kinh doanh vàng Agribank thì dự kiến, thị trường vàng sẽ bị thu hẹp đến 90%.
Kinh doanh nhẫn vàng lại nở rộ
Không được phép kinh doanh vàng miếng, điều đó không đồng nghĩa với việc các DN, tiệm kinh doanh vàng nhỏ lẻ chỉ còn kinh doanh vàng trang sức. Tại một tiệm vàng trên phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa, Hà Nội), khi người viết bài này hỏi mua vàng miếng, chủ cửa hàng cho biết, họ đã không còn mua bán vàng miếng từ lâu. “Thị trường vàng đang tranh tối, tranh sáng chuyện vàng giả, vàng nhái, vàng không đủ tuổi. Bên cạnh đó, sự phân biệt giữa vàng SJC với phi SJC khiến người mua thường có tâm lý e ngại mua vàng miếng ở những cửa hàng nhỏ mà tìm đến cửa hàng lớn”, chủ tiệm này giải thích.
Không bán vàng miếng nhưng chủ cửa hàng lại tư vấn cho khách mua nhẫn tròn trơn, cũng với chất lượng vàng 9999 đủ loại, từ trọng lượng 1 chỉ, 2 chỉ, đến 5 chỉ. Thậm chí, nếu khách có nhu cầu và chịu đặt tiền trước, chủ tiệm vàng có thể cung cấp loại nhẫn 1 lượng
vàng do các thương hiệu lớn sản xuất. Theo vị chủ tiệm vàng, thời gian gần đây, các DN vàng lớn trên thị trường quảng bá khá mạnh cho sản phẩm nhẫn tròn trơn. Các công ty vàng lớn như SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu... còn dập thương hiệu, niêm phong, đóng vỉ và xác nhận đủ tiêu chuẩn vàng 9999 cho loại nhẫn này.
“Hiện loại hàng này bán khá chạy. Việc chế tác nhẫn tròn trơn đương nhiên không tinh xảo, nhưng lại đỡ mất giá hơn khi bán ra và người mua chủ yếu là nhằm mục đích tích trữ”, chủ cửa hàng vàng trên cho biết. Dạo qua một vài cửa hàng vàng nhỏ trên địa bàn các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy (Hà Nội), cũng gặp những tư vấn tương tự.
Trong vai một khách hàng có nhu cầu mua nhẫn tròn trơn SJC loại 1 lượng, phóng viên đã liên hệ với Chi nhánh SJC miền Bắc tại quận Ba Đình, thì được nhân viên tại đây cho biết, Công ty không có sẵn nhẫn vàng 1 lượng, nhưng nếu khách hàng có nhu cầu, Công ty sẽ cung cấp với điều kiện khách chịu phí dập vàng cao.
Việc đưa ra thị trường sản phẩm nhẫn vàng không chỉ giúp các DN sản xuất vàng phi SJC có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh vàng 9999, mà ngay cả các cửa hàng kinh doanh vàng nhỏ cũng tiếp tục hoạt động kinh doanh vàng 9999, vốn đem lại nguồn lợi nhuận chủ yếu cho các DN, cơ sở kinh doanh vàng. Điều này dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế, thực chất là biện pháp lách quy định cấm mua bán vàng miếng của các DN và cửa hàng vàng.
Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 có chủ đề: “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định, việc xây dựng một thị trường vàng hiện đại là nhu cầu cần thiết ở Việt Nam, nhằm huy động số vàng lên tới 300 - 500 tấn trong dân để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và tránh để các hoạt động trên thị trường vàng ảnh hưởng đến tỷ giá. Báo cáo cho rằng, mấu chốt của vấn đề thị trường vàng Việt
Nam
nằm ở việc tách hoạt động kinh doanh vàng vật chất ra khỏi khỏi hoạt động đầu cơ giá vàng.
Hiện tại, phần lớn nhu cầu nắm giữ vàng của người dân Việt Nam là để bảo toàn giá trị tài sản, “phòng cơ tích cốc”, bởi để đầu cơ vàng vật chất đòi hỏi phải có một tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Vì lẽ đó, những đối tượng đầu cơ vàng chỉ là số ít, thậm chí có ý kiến cho rằng, đối tượng đầu cơ vàng chủ yếu là các tổ chức tín dụng. Việc cấm các tổ chức tín dụng huy động, cho vay vàng là một hướng đi đúng nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ vàng. Nhu cầu tích trữ vàng của người dân là có thật và nhu cầu này chỉ giảm đi khi nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp.
Để hạn chế tình trạng vàng hóa, đô-la hóa nền kinh tế, theo một số chuyên gia, giải pháp căn cơ vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chứ không phải là những biện pháp mang nặng tính hành chính. Bởi nếu dùng biện pháp hành chính để hạn chế hoạt động kinh doanh vàng miếng thì các DN, hộ kinh doanh vàng miếng sẽ chuyển sang kinh doanh vàng nhẫn. Nếu vàng nhẫn bị hạn chế, thì có thể khi đó vàng lại xuất hiện dưới một hình thức khác... Bên cạnh đó, NHNN cũng cần có giải pháp huy động được nguồn lực vàng trong dân phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.
Thị trường vàng đang trong tình trạng tranh tối, tranh sáng
TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng
|
Nếu thực chất của việc kinh doanh vàng nhẫn chỉ nhằm lách các quy định của pháp luật có liên quan đến kinh doanh vàng miếng thì việc kinh doanh này có thể xem là bất hợp lệ. Tuy nhiên, các nhà kinh doanh vàng nhẫn có thể dễ dàng biện minh rằng nhẫn vàng là nhẫn, không thể được xem là vàng miếng, do đó, việc kinh doanh và sản xuất vàng nhẫn là hoàn toàn hợp lệ.
Các cơ quan quản lý cần đưa ra những giải pháp xử lý về loại kinh doanh vàng miếng trá hình. Đồng thời, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, tổ chức đại diện cho tiếng nói của các nhà kinh doanh vàng cũng cần đưa ra những nhận định liên quan đến loại hình kinh doanh này để có thể có một cái nhìn toàn diện nhất về thị trường vàng. Đặc biệt, vấn đề này phải được giải quyết mau chóng, nếu không, việc lập lại trật tự cho thị trường vàng sẽ tiếp tục bị cản trở, vì những hành vi kiểu “tranh tối tranh sáng” này.
Nhuệ Mẫn
Đầu tư chứng khoán
|