Mỹ vẫn giữ vàng nhiều nhất thế giới
Hội đồng Vàng thế giới ước tính các ngân hàng trung các nước sẽ mua tổng cộng 500 tấn vàng đến hết năm 2012, tăng so với tổng khối lượng 465 tấn vào năm ngoái.
Giá vàng cũng được hỗ trợ nhờ những cuộc mua bán này.
Hiện tổng trữ lượng vàng trên thế giới là 31.491 tấn theo thống kê vào tháng 12-2012.
Sau đây là 10 quốc gia có trữ lượng vàng chính thức nhiều nhất thế giới, trong đó Mỹ đứng đầu danh sách.
1. Mỹ
Trữ lượng vàng: 8.133,5 tấn
Tỉ lệ phần trăm dự trữ ngoại tệ bằng vàng: 76,1%
Vào năm 1952, Mỹ có trữ lượng vàng lớn nhất thế giới với khối lượng tổng cộng lên đến 20.663 tấn. Sau đó, số vàng nước này nắm giữ xuống dưới mức 10.000 tấn vào năm 1968.
2. Đức
Trữ lượng vàng: 3.391,3 tấn
Tỉ lệ phần trăm dự trữ ngoại tệ bằng vàng: 73,2%
Đức đã bán vàng ra vào giai đoạn 1 và 2 Hiệp định vàng của các ngân hàng trung ương với mục đích đúc tiền xu bằng vàng làm kỷ niệm. Trong năm đầu của giai đoạn 3, Ngân hàng Bundesbank bán ra xấp xỉ 6 tấn và sau đó là 4,7 tấn kể từ tháng 9-2011. Đức từ chối dùng lượng vàng đang nắm giữ nhằm thúc đẩy Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).
3. Ý
Trữ lượng vàng: 2.451,8 tấn
Tỉ lệ phần trăm dự trữ ngoại tệ bằng vàng: 72,5%
Ý đã không bán vàng ra vào giai đoạn 1 và 2 Hiệp định vàng của các ngân hàng trung ương. Nhưng vào năm 2011, các ngân hàng Ý đã tìm đến ngân hàng trung ương nước này để mua vàng.
4. Pháp
Trữ lượng vàng: 2.435,4 tấn
Tỉ lệ phần trăm dự trữ ngoại tệ bằng vàng: 72%
Pháp bán ra 572 tấn vàng vào giai đoạn 2 Hiệp định vàng của các ngân hàng trung ương. Bên ngoài thỏa thuận, Pháp chuyển 17 tấn vào Ngân hàng Thanh toán quốc tế cuối năm 2004 như là cách mua một phần cổ phần của ngân hàng này. Pháp cũng thông báo không có kế hoạch bán ra vàng trong giai đoạn 3.
5. Trung Quốc
Trữ lượng vàng: 1.054,1 tấn
Tỉ lệ phần trăm dự trữ ngoại tệ bằng vàng: 1,7%
Vàng vẫn chiếm lượng rất nhỏ trong dự trữ ngoại tệ trị giá 3,2 ngàn tỉ USD ở Trung Quốc, so với mức trung bình quốc tế là 10%. Xây dựng trữ lượng vàng sẽ trở nên quan trọng đối với Trung Quốc khi nước này chuẩn bị quốc tế hóa tiền tệ quốc gia và biến đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ.
6. Thụy Sĩ
Trữ lượng vàng: 1.040,1 tấn
Tỉ lệ phần trăm dự trữ ngoại tệ bằng vàng: 11%
Theo Hội đồng Vàng thế giới, năm 1997, nhiều đề án đưa ra nhằm bán một phần trữ lượng vàng quốc gia bởi chúng không còn được xem là cần thiết để phục vụ cho mục đích chính sách tiền tệ. Tháng 5-2000, nước này bán ra 1.300 tấn vàng dư, trong đó 1.170 tấn bán vào giai đoạn 1 của Hiệp định vàng của các ngân hàng trung ương và 130 tấn còn lại vào giai đoạn 2. Thụy Sĩ vừa thông báo không có kế hoạch bán vàng trong giai đoạn 3.
7. Nga
Trữ lượng vàng: 934,9 tấn
Tỉ lệ phần trăm dự trữ ngoại tệ bằng vàng: 9,8%
Nga đã xây dựng trữ lượng vàng từ năm 2006 để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối và giúp phát triển đồng rúp trở thành đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế. Ngân hàng Trung ương mua vàng từ thị trường nội địa và bán vàng ra vào tháng 10.
8. Nhật Bản
Trữ lượng vàng: 765,2 tấn
Tỉ lệ phần trăm dự trữ ngoại tệ bằng vàng: 3,3%
Vào năm 1950, trữ lượng vàng của Nhật chỉ ở mức 6 tấn. Đến năm 1959, Ngân hàng Trung ương nước này đã gia tăng lượng vàng nắm giữ bằng cách mua thêm 169 tấn vào năm trước đó. Năm 2011, Ngân hàng Nhật Bản đã bán vàng để bơm 20.000 tỉ yen vào nền kinh tế quốc gia nhằm xoa dịu các nhà đầu tư sau thảm họa kép động đất và sóng thần.
9. Hà Lan
Trữ lượng vàng: 612,5 tấn
Tỉ lệ phần trăm dự trữ ngoại tệ bằng vàng: 60,3%
Vào năm 1999, theo Hiệp định vàng của các ngân hàng trung ương, Hà Lan thông báo bán 300 tấn vàng trong vòng 5 năm, nhưng sau đó chỉ bán được 235 tấn. Trong giai đoạn 2 của hiệp định từ tháng 9-2004, nước này cho biết sẽ bán 165 tấn, bao gồm 65 tấn còn dư từ trước. Đến giai đoạn 3 từ tháng 9-2009, nước này thông báo không bán vàng ra nữa.
10. Ấn Độ
Trữ lượng vàng: 557,7 tấn
Tỉ lệ phần trăm dự trữ ngoại tệ bằng vàng: 10,3%
Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ thường mua vàng từ Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) và xem vàng là phương thức đầu tư an toàn nhưng ít khi bình luận về kế hoạch mua vàng quốc gia.
P.THÙY (Theo Business Insider)
tuổi trẻ
|