Những yếu tố chi phối TTCK Việt Nam 2012
Thị trường chứng khoán đang trải qua tuần giao dịch cuối cùng của năm 2012. Một năm đầy khó khăn trên nhiều phương diện. Hãy cùng nhìn lại những yếu tố chi phối “chứng trường” trong năm nay.
Toàn cầu… cùng khó
Thị trường 2012 chịu chi phối từ khó khăn kinh tế toàn cầu. Điều này được thể hiện ở tình trạng đình đốn sâu sắc, thậm chí khủng hoảng ở những đơn vị vận tải biển, kinh doanh khu công nghiệp, tình trạng sụt giảm của các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu (LAF, cao su, thủy sản, khoáng sản, than đá…).
Nếu nhiều người hy vọng rằng “vách đá tài khóa” tại nền kinh tế Mỹ có thể không xảy ra nhờ vào sự thỏa hiệp phút chót của Hành pháp và Lập pháp Mỹ thì viễn cảnh Eurozone thoát khỏi khủng hoảng vẫn còn khá xa khi Đức vẫn chủ trương siết tài khóa nhằm ổn định giá cả hàng hóa. Điều này giúp công nghiệp Đức có lợi, Pháp cũng ủng hộ Đức nhằm bảo vệ giá trị khi thu hồi các khoản cho vay.
Tuy nhiên, vào cuối năm đã lóe lên niềm hy vọng vào một trục tiền tệ lớn là Nhật, khi chính phủ mới của Shinzo Abe chủ trương nới lỏng tiền tệ bằng cách phát hành rộng rãi đồng Yen ra thế giới.
Vừa qua, trên TTCK Việt Nam các nhà đầu tư Nhật Bản cũng xuất hiện tại những doanh nghiệp lớn. Đã có hai nhà đầu tư Nhật làm cổ đông chiến lược với CTG cũng như thay chân HSBC tại BVH. Ngoài ra, STB cũng có kế hoạch bán 15% cổ phần cho đối tác ngoại và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Môi trường “sống” khắc nghiệt
Doanh nghiệp “sống” trong môi trường thắt chặt tiền tệ kéo dài hai năm. Đây là sự chi phối lớn nhất đối với TTCK, việc siết chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng đình đốn, thậm chí khủng hoảng đến nền kinh tế. Thị trường chịu sự chi phối của siết chặt tiền tệ trên cả hai lĩnh vực: mặt bằng lãi suất và siết tài khóa.
Chính phủ đã có những bước nới lỏng dần tiền tệ thông qua hạ mặt bằng lãi suất, tăng chi đầu tư công nhưng vẫn chưa chuyển biến được tình hình vì chưa đủ về lượng. Sẽ khó kỳ vọng việc nới lỏng tiền tệ rõ nét lúc này khi siết tiền tệ đã mang lại những "thành tựu kinh tế vĩ mô" như hạ thấp CPI, thay đổi cán cân thanh toán quốc tế (từ nhập siêu hàng chục tỷ USD sang gần cân đối), tăng ngoại tệ dự trữ quốc gia hàng chục tỷ USD và quan trọng nhất là thống kê vẫn xác nhận GDP tăng khoảng 5%.
Những doanh nghiệp vay nợ lớn nhưng không ẩn được chi phí trả lãi vay ngân hàng, điển hình là ngành vận tải biển, đã thua lỗ lớn trên báo cáo tài chính. Dạng doanh nghiệp này bế tắt trong việc tìm lợi nhuận, thua lỗ ngày càng sâu, dẫn đến sẽ rời sàn và sau đó một thời gian sẽ phá sản. Năm 2012 đã chứng kiến làn sóng hủy niêm yết lớn nhất từ trước đến nay với hàng chục đơn vị. Với thực trạng ngày càng khó khăn hơn, chưa có lối thoát ở những doanh nghiệp dạng này, thị trường 2013 sẽ chứng kiến cuộc rời sàn của gấp bội số doanh nghiệp rời sàn 2012. Thực trạng này kéo theo nhiều nhà đầu tư thua lỗ lớn, là tổn thương của thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh xấu đi, thị trường cũng nhận ra những doanh nghiệp, ngành ít chịu ảnh hưởng của môi trường thắt chặt tiền tệ. Đó là những doanh nghiệp không hoặc vay nợ ngân hàng ít, sản xuất kinh doanh ngành nghề cơ bản, truyền thống là chính như các đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, dịch vụ dầu khí, cao su, mía đường, sách, dược ... Những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu trên tuy không thanh khoản lớn nhưng đã không thiệt hại lớn vì cổ phiếu không giảm sâu.
“Giông bão” ngành ngân hàng
Ngân hàng, kênh luân chuyển vốn quan trọng và là tấm gương phản ánh nền kinh tế đã chứng kiến những biến động lớn trong năm 2012. Hai ngân hàng niêm yết đã tái cơ cấu theo hướng thâu tóm như SHB và HBB. Tái cơ cấu đã mang lại cho ngân hàng SHB vốn điều lệ vượt hẳn mức tối thiểu để duy trì hoạt động là 3,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ tái cơ cấu vẫn còn phía trước vì sáp nhập không triệt tiêu được nợ xấu.
2012 cũng chứng kiến sự chuyển giao quản trị và điều hành tại Sacombank (STB), chứng kiến sự kiện ACB đầy bất ngờ, và ở toàn hệ thống ngân hàng thương mại thì có đến 18 tổng giám đốc được thay thế. Những sự kiện lớn lao này là bề nổi phản ánh khó khăn lớn hiện nay - tình trạng nợ xấu.
Đình đốn kinh tế đã gây phình to nợ xấu ngân hàng. Giải quyết nợ xấu đang là vấn đề thời sự của tương lai ngân hàng và cả nền kinh tế. Vấn đề công ty mua bán nợ xấu đã được đưa lên bàn nghiên cứu nhưng sẽ giải quyết mâu thuẫn thế nào đây khi công ty là doanh nghiệp phải đủ thu bù chi trong khi nợ xấu có tỷ trọng đối ứng vốn đa phần là lỗ.
Xử lý dần nợ xấu nhanh và gọn nhất là tích cực thanh lý tài sản đảm bảo để thu nợ, số không thu được thì bù đắp bằng lợi nhuận, thậm chí vốn chủ sở hữu ngân hàng. Đây là chủ trương đang được Ngân hàng Nhà Nước đôn đốc các ngân hàng thương mại thực hiện. Chủ trương này sẽ làm giảm lợi nhuận ngân hàng và khó khăn cho ngành bất động sản vì nguồn cung thanh lý lớn.
Bất động sản đóng băng
“Băng” bất động sản ngày càng dày và chắc trong suốt 2012. Thị trường chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp bất động sản bế tắc trong doanh thu. Hiệu quả tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn còn là ẩn số vì chi phí trả lãi ngân hàng vẫn còn treo đâu đó trong giá trị sản phẩm dở dang, chờ thu tại ngân hàng.
Dù nhiều doanh nghiệp lâm vào "hôn mê sâu" nhưng bất động sản đã thể hiện khả năng sinh tồn kỳ diệu trong suốt 2 năm đóng băng với khó khăn kép: giá sản phẩm hạ và lãi suất cao. Một số nỗ lực trong năm nhằm phá băng bất động sản như giảm, ân hạn thuế, không khống chế tín dụng bất động sản chưa mang lại kết quả. Cho đến cuối 2012, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm lớn nhằm phá băng bất động sản, trong đó nổi lên chủ trương hỗ trợ tín dụng với người mua nhà thu nhập thấp. Kết quả của những nổ lực này đang nằm phía trước của năm 2013 cùng với kỳ vọng của thị trường.
Đâu rồi… niềm tin
Niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường suy giảm, thể hiện ở động thái "lướt sóng" là chủ yếu, đầu tư lâu dài và cơ bản gần như vắng bóng đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Với ý niệm nắm giữ cổ phiếu vài ngày rồi bán ra, thị trường đã có sôi động, thanh khoản lớn với một số mã chứng khoán, bất chấp cả những cổ phiếu của doanh nghiệp có tương lai bất định.
Nhà đầu tư chưa an tâm đầu tư lâu dài vì rủi ro đến với nhiều nhà đầu tư quá bất ngờ. Rủi ro thường đến khi doanh nghiệp vay nợ lớn, kinh doanh phiêu lưu. Khi thua lỗ lớn, những nhà quản trị, điều hành đã thoái vốn trước khi công khai, dành trọn rủi ro cho nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Đã đến lúc luật lệ cần chi tiết hơn nhằm đảm bảo rằng những rủi ro trên hạn chế xảy ra.
Hiếm hoi hai đợt sóng tăng
Năm 2012 đã có hai đợt sóng tăng trên thị trường chứng khoán: Một đợt sóng đáng kể trong mùa hè và một đợt sóng nhỏ vào tháng cuối năm.
Đợt sóng mùa hè đã không thể duy trì và phát triển khi kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012 được công bố cũng như những giải pháp nới lỏng tiền tệ đã không mang lại hiệu quả thực tiễn.
Trong khoảng trống của thông tin hiệu quả kinh doanh năm, những giải pháp nới lỏng tiền tệ về lãi suất, phá băng bất động sản được đề cập vào cuối năm, thị trường đã có đợt sóng nhỏ của dự đoán và kỳ vọng. Sức bền bỉ cũng như phát triển đi lên của thị trường sau đợt sóng này trước kết quả kinh doanh năm được công bố cũng như hiệu quả thực tế từ chủ trương hổ trợ thị trường của Chính phủ vẫn đang phía trước.
|
Nguyễn Đình Dũng (Vietstock)
FFN
|