TTCK sẽ “nổi sóng”
Gói tài khóa hỗ trợ nền kinh tế mà Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ hé lộ những bước đi mới trong hỗ trợ doanh nghiệp và TTCK.
Sẽ “dưỡng” doanh nghiệp thực chất hơn
Kể từ khi nền kinh tế cũng như TTCK rơi vào tình trạng khó khăn từ năm 2011 đến nay, đã có không ít gói hỗ trợ đến từ chính sách tài khóa được đưa ra. Tuy nhiên, điều không khó nhận ra là các gói hỗ trợ này mang tính ngắn hạn, giải quyết tình thế nhiều hơn là tạo ra những phương án “tiếp sức” cho DN mang tính chiều sâu và dài hạn. Theo đó, phần nhiều là biện pháp giãn thuế, nghĩa là chỉ giúp DN chậm lại nghĩa vụ nộp ngân sách, chứ về bản chất không giảm gánh nặng nộp thuế. Đây là lý do giải thích tại sao sức lan tỏa của giải pháp này chưa cao, chưa thực sự “dưỡng” DN, điều mà DN rất cần trong bối cảnh vĩ mô khó khăn kéo dài, tác động tiêu cực đến hoạt động của họ.
Tuy nhiên, đã có sự khác biệt trong gói tài khóa thể hiện tại Công văn số 17615/BTC-CLTC mà Bộ Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013. Theo Bộ Tài chính, ngoài các biện pháp mang tính ngắn hạn quen thuộc là giãn thuế thu nhập DN (TNDN) và thuế giá trị gia tăng cho một số đối tượng DN, thì lần đầu tiên sẽ có giải pháp “dưỡng” DN thực chất hơn. Đó là kiến nghị cho phép đồng thời áp dụng sớm 6 tháng (bắt đầu từ 1/7/2013) so với dự kiến ban đầu hai quyết sách quan trọng gồm: áp mức thuế suất 20% thuế TNDN đối với các DN nhỏ và vừa; bổ sung ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng thuộc lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn ưu đãi theo quy định của Luật Thuế TNDN.
Nếu Quốc hội, Chính phủ cho phép, các giải pháp trên sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trên diện rộng tới cộng đồng DN, bởi theo Bộ Tài chính, hiện số DN nhỏ và vừa chiếm tới 87,8% tổng số DN trong cả nước. Việc giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% hiện hành xuống 20% sẽ hỗ trợ trực tiếp tới hầu hết DN đang hoạt động không chỉ trong trước mắt, mà cả dài hạn. Đáng chú ý, khu vực DN nhỏ và vừa chỉ đóng góp trung bình khoảng 39% số thuế TNDN nộp ngân sách mỗi năm. Nói như vậy để thấy, việc giảm 5% thuế suất thuế TNDN cho DN nhỏ và vừa ít tác động đến nguồn thu ngân sách, nhưng lại có ý nghĩa “dưỡng” DN đáng kể.
… và đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi nhóm phi sản xuất
Với bước đi mới trong gói tài khóa mà Bộ Tài chính vừa đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào các nhóm giải pháp: tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường; điều hành chính sách tài khóa; huy động vốn và phát triển thị trường tài chính; tái cấu trúc DNNN…, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho hay, khi được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, gói tài khoá này sẽ phát huy tác dụng đáng kể góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của DN, cũng như hỗ trợ thị trường không chỉ trong năm 2013, mà cả trong những năm tiếp theo. Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc triển khai các giải pháp này đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến dự toán tổng thể thu chi, cân đối ngân sách Nhà nước năm 2013 đã được Quốc hội quyết định.
Để tạo thêm “xung lực”, giúp chính sách tài khóa phát huy hiệu quả cao trong hỗ trợ DN và thị trường, Bộ Tài chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét đưa tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán và bất động sản ra khỏi nhóm phi sản xuất; khoanh nợ một số dự án nhằm tăng cường tiếp cận vốn cho DN…
“Điểm khác biệt của gói tài khóa mà Bộ Tài chính đề xuất lần này là sẽ tạo ra hỗ trợ kép cho TTCK nếu được triển khai hiệu quả. Đó là ngoài hỗ trợ trực diện cho DN vượt qua khó khăn, cải thiện hiệu quả kinh doanh, vốn được coi là yếu tố nền tảng cho sự phục hồi của TTCK, thì còn có những giải pháp hỗ trợ mang tính kỹ thuật cho TTCK”, Tổng giám đốc CTCK An Phát, ông Trần Thiên Hà nhìn nhận, đồng thời cho rằng, chuyển động chính sách trên đang phần nào tác động tích cực đến tâm lý NĐT trên TTCK. Giải pháp hỗ trợ về tài khóa, nếu được triển khai hiệu quả và đồng bộ với chính sách tiền tệ, bao giờ cũng mang lại hiệu ứng lan tỏa lớn và dài hơi hơn cho cải thiện “sức khỏe” của DN, cũng như sự sôi động của TTCK.
Hữu Đạo
đầu tư chứng khoán
|