Thứ Năm, 20/12/2012 08:32

Nhiều ông chủ đang ngầm bán CTCK

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, hoạt động mua bán CTCK đang diễn ra âm thầm. Tuy nhiên, không vì thế mà khó cảm nhận được sức nóng của động thái này.

Thông tin về những cuộc đổi chủ này đang được giữ kín vì nhiều lý do.

Sợ “nói trước…”

TTCK khó khăn kéo dài, khiến cơ hội kiếm tiền từ dịch vụ kinh doanh chứng khoán đang ngày càng ít đi, nhất là với các CTCK quy mô nhỏ, dịch vụ đơn điệu, kém sức cạnh tranh. Trong bối cảnh tiền khó đẻ ra tiền, thậm chí tiền vốn đang bị tình trạng thua lỗ “ăn mòn”, các ông chủ CTCK đang mất kiên nhẫn. Ghi nhận từ thị trường cho thấy, họ đang đứng trước hai lựa chọn phổ biến: tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng CTCK, hoặc đóng cửa từ giã cuộc chơi. Họ đang thấm thía hơn bao giờ hết trạng thái “thực vật” của CTCK hiện tại, trạng thái này càng kéo dài, thì càng mất tiền để duy trì hoạt động của công ty.

Lãnh đạo một CTCK đang niêm yết chia sẻ, tuy năm nay công ty làm ăn có lãi, nhưng do các cổ đông nắm cổ phần chi phối không nhìn thấy triển vọng kiếm tiền trên TTCK, nên họ muốn thoái vốn. Họ liên tục gây sức ép lên Ban điều hành, để sớm đưa ra kịch bản khả dĩ nhất cho cuộc thoái lui. Trong hoàn cảnh hiện tại, các ông chủ muốn bán CTCK hơn là giải thể. Lý do là bởi bán có cơ hội ít thua thiệt hơn, đồng thời cũng diễn ra nhanh hơn, vì thủ tục pháp lý không phức tạp như giải thể, phá sản.

TTCK khó khăn kéo dài, nhiều CTCK đang chào bán cổ phần với giá “mềm”

“Tuy nhiên, một khi phương án chuyển nhượng chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, thì cả chủ cũ lẫn chủ mới sẽ còn giữ kín thông tin. Họ rất sợ nói trước bước không qua…”, vị lãnh đạo CTCK trên nói và cho biết, thông tin từ các cổ đông nắm cổ phần chi phối tại công ty mà ông đang điều hành cho thấy, sau nhiều lần thương thảo với bên mua, hai bên đã đạt được hầu hết các thỏa thuận. Vấn đề còn lại duy nhất là mức giá chuyển nhượng đang bước vào giai đoạn đàm phán cuối cùng. Tuy đây là trở ngại lớn nhất, nhưng bên bán chỉ cần bên mua ra giá hời thêm một chút là thương vụ thành công trong tầm tay. Trong trường hợp chuyển nhượng bất thành, phương án giải thể công ty sẽ được thực hiện. Với tình hình tài chính lành mạnh: không nợ khách hàng và ngân hàng, lượng tiền mặt lớn, phương án giải thể là khả thi. Khi đóng cửa, công ty có thể thanh toán cho cổ đông khoảng 4.000 đồng/CP so với thị giá đang ở quanh mức 2.000 đồng/CP.

Gần đây, thị trường liên tục có những đồn đoán về CTCK Việt Quốc (VQS) đã bước đầu thành công trong việc đàm phán giá chuyển nhượng cổ phần cho các đối tác, trong đó có một đơn vị đến từ Nhật Bản. Để làm rõ những thông tin này, ĐTCK đã liên lạc với ông Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc VQS, nhưng bất thành.

Hết quý III/2012, VQS có vốn chủ sở hữu 20,6 tỷ đồng/45 tỷ đồng vốn điều lệ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối -24,3 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng 155%... Với mức vốn điều lệ nhỏ, cộng với bức tranh tài chính và hiệu quả kinh doanh không mấy khả quan, VQS khó có thể đưa ra giá chào bán ở mức cao.

Trào lưu đổi chủ?

Còn quá sớm để khẳng định một trào lưu đổi chủ CTCK. Tuy nhiên, chia sẻ từ những người trong cuộc cho thấy, khá nhiều ông chủ tại các CTCK đang muốn từ giã cuộc chơi, nhưng cách họ rời bỏ thị trường thế nào và có như mong muốn của họ không, thì vẫn là một ẩn số.

Ở phía bên mua, họ đang nhìn thấy cơ hội sở hữu CTCK với giá “mềm” hơn bao giờ hết. Điều này xuất phát từ tình trạng thua lỗ triền miên, khiến không ít CTCK gần như mất hết vốn, thậm chí vốn chủ sở hữu âm. Thêm nữa, việc Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước siết chặt các điều kiện kinh doanh chứng khoán, mới nhất là các quy định tại Thông tư 210/2012/TT-BTC thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK, cửa “sống” của CTCK yếu kém đang hẹp hơn bao giờ hết. Ông chủ tại nhiều CTCK đang ở vào tình thế bán được công ty là may.

Tuy nhiên, giá cả lúc này chỉ là một yếu tố, bởi bài học CTCK Tràng An (TAS) đang khiến các tay săn mua CTCK thận trọng trong tìm kiếm nguồn hàng, để tránh vớ phải “cục nợ” như trường hợp TAS, mặc dù giá mua khá hời. Nhiều ông chủ đang săn tìm các CTCK có vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng, tài chính minh bạch, không nợ… với nhiều loại mục tiêu, trong đó không loại trừ mục tiêu tạo thêm “cánh tay” để điều phối dòng chảy của tiền trong hệ thống. Từ năm 2013, rất có thể ngoài việc chứng kiến những cái tên CTCK biến mất, thị trường sẽ ghi nhận sự xuất hiện của một lớp ông chủ CTCK mới.

Tân Văn

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Công ty đại chúng khó tìm đường lui (20/12/2012)

>   20/12: Bản tin 20 giờ qua (20/12/2012)

>   Chứng khoán MaritimeBank: Tỷ lệ an toàn tài chính tại tháng 6/2012 đạt 167.79% (19/12/2012)

>   CK Viễn Đông: Tỷ lệ an toàn tài chính tại tháng 6/2012 đạt 205% (19/12/2012)

>   Qua thời chụp giật! (19/12/2012)

>   VNM, SSI, DPR, TRC và TCM dẫn đầu về công tác quan hệ nhà đầu tư 2012 (19/12/2012)

>   19/12: Bản tin 20 giờ qua (19/12/2012)

>   Quản lý quỹ Đầu tư FPT bị phạt 125 triệu đồng do sử dụng tài sản ủy thác để cho vay (18/12/2012)

>   Lương thực Bình Định bị phạt 210 triệu đồng do vi phạm CBTT (18/12/2012)

>   Giáng sinh lạnh trên các sàn chứng khoán (18/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật