Thứ Năm, 20/12/2012 22:28

Ngành sữa Mỹ rơi vào khủng hoảng

Mức tiêu thụ sữa bình quân trên đầu người ở Mỹ hiện nay giảm gần 30% so với năm 1975, gây khủng hoảng dây chuyền từ trang trại nuôi bò sữa đến nhà máy chế biến sữa. Người nuôi bò ở Mỹ khẩn thiết kêu gọi chính phủ hỗ trợ nhưng với tình hình ngân sách thâm hụt nghiêm trọng, xem ra họ phải tự cứu lấy mình.

Khi người dân quay lưng với sản phẩm sữa, ngành sữa ở Mỹ rơi vào khủng hoảng.

Theo số liệu mới công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm ngoái trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ 20,2 gallon (76,5 lít) sữa, giảm 3,3% so với năm trước. Đây là mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1975. Ông Tom Gallagher, Giám đốc điều hành Dairy Management, tổ chức vận động tiêu dùng các sản phẩm sữa ở Mỹ chua xót nhận định: “Ngành sữa đang dần nhận ra đây là cuộc khủng hoảng”.

Bù lỗ như thế nào?

Ngày 10-12 vừa qua, 200 tổ chức và doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi bò sữa đã gửi đến Quốc hội Mỹ một bức thư kêu gọi các nhà làm luật đưa ra các chính sách hiệu quả, thiết thực để cứu ngành sữa. Thư có đoạn: “Các chính sách ngành sữa của liên bang đã và đang gây hại cho nông dân chăn nuôi bò sữa trong hơn 30 năm qua. Năm 1976, có 600.000 trang trại bò sữa ở Mỹ nhưng năm 1992, con số này chỉ còn 131.509 trang trại và đến năm 2012, tiếp tục tụt xuống còn 51.481 trang trại. Không thể tưởng tượng được rằng Quốc hội tiếp tục xây dựng các chính sách có thể khiến số trang trại bò sữa tiếp tục suy giảm…. Cuộc khủng hoảng này không chỉ ảnh hưởng đến các nông dân chăn nuôi bò sữa và gia đình của họ mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế nông thôn”.

Để hỗ trợ người chăn nuôi bò sữa, năm 2002, USDA đã đưa ra chương trình bù lỗ cho ngành sữa. Theo đó, khi giá sữa giảm xuống một mức sàn cụ thể do USDA đặt ra, nông dân chăn nuôi bò sữa sẽ được nhận tiền bù lỗ. Chương trình này đã hết hạn vào cuối tháng 9-2012. Các doanh nghiệp và các tổ chức đại diện cho nông dân chăn nuôi bò sữa chỉ trích công thức tính giá sàn sữa của USDA để bù lỗ chưa tính đến các chi phí đầu vào và chi phí hoạt động của nông dân, vậy nên, nhiều nông dân vẫn bế tắc và chưa thoát ra được tình cảnh khó khăn. Hiện lưỡng viện Quốc hội Mỹ đang thảo luận Dự luật Nông trại 2012, trong đó có điều khoản về bù lỗ cho ngành sữa nhưng các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa đang lo ngại các nhà làm luật có thể một lần làm họ thất vọng.

Vì sao người ta “chê” sữa?

Trong thời đại mà các loại nước uống tăng lực và bổ sung vitamin lên ngôi, xu hướng giảm tiêu thụ sữa (vốn đã kéo dài trong mấy chục năm qua) càng diễn ra mạnh hơn, khiến nhiều nông dân chăn nuôi bò sữa, các công ty chế biến sữa và các cửa hàng thực phẩm lâm vào tình cảnh khốn khó.

Mặc dù sữa là thức uống có mức tiêu thụ lớn thứ 4 ở Mỹ - sau nước giải khát có gas, nước tinh khiết đóng chai và bia - nhưng thị phần đang gia tăng của các loại đồ uống khác, đặc biệt là nước tăng lực, đã làm mức tiêu thụ sữa ngày một suy giảm. Mức tiêu thụ nước uống tăng lực bình quân đầu người ở Mỹ đã tăng từ 1,9 lít/năm vào năm 2005 lên 4,5 lít/năm vào năm 2010. Trong khi đó, tính 11 tháng đầu năm nay, doanh số tiêu thụ các loại sữa nước của tất cả các công ty bán lẻ ở Mỹ giảm 2,9% so với năm ngoái. Riêng doanh số của phân khúc sữa ít béo và sữa gầy giảm mạnh 4%.

Mức tiêu thụ sữa suy giảm chủ yếu là do người tiêu dùng chọn các sản phẩm đồ uống khác vì e ngại sữa có hàm lượng calorie quá cao. Ngoài ra, theo USDA, ngày nay, tỷ lệ trẻ em (đối tượng có xu hướng uống sữa nhiều) trong tổng dân số thấp hơn so với trước đây và trong những năm vừa qua, giá sữa nhiều lần tăng do chi phí thức ăn cho bò sữa tăng vọt.

Các thông tin trái ngược về lợi ích của sữa cũng làm người tiêu dùng nghi ngại. USDA khẳng định “uống sữa mang lại các lợi ích sức khỏe. Người có chế độ ăn giàu sữa và các sản phẩm sữa có thể giảm nguy cơ loãng xương trong suốt cuộc đời. Thực phẩm trong nhóm sữa cung cấp các chất bổ dưỡng rất cần thiết cho sức khỏe của cơ thể như calcium, potassium, vitamin D…” Trong khi đó, tổ chức phi lợi nhuận Ủy ban thầy thuốc vì nền y khoa trách nhiệm (PCRM) ở Washington, D.C. cho rằng “các sản phẩm sữa gây ra các rủi ro sức khỏe cho trẻ em và khuyến khích sự phát triển bệnh béo phì, đái đường và bệnh tim…Sữa và các sản phẩm bơ sữa không cần thiết trong khẩu phần ăn”.

Tự cứu mình trước

Trước tình hình kinh doanh ảm đạm, ngành sữa Mỹ phải định vị lại phương thức tiếp thị, tập trung nhấn mạnh tính chính thống của sữa bò và phản bác những loại sữa “nhái” (imitation milk) có nguồn gốc thực vật như sữa hạnh nhân, sữa đậu nành, sữa gạo, sữa bắp…

Hiệp hội các nhà sản xuất sữa quốc gia Mỹ (NMPF) cho biết bắt đầu từ năm sau, họ sẽ mở rộng việc sử dụng dấu chứng thực có chữ “Real” (đích thực) lên các hộp sữa và các sản phẩm sữa khác được chế biến từ sữa bò.

Để khôi phục doanh số, các công ty sữa và các nhà bán lẻ đang tung ra thị trường các sản phẩm sữa có kích cỡ đóng gói nhỏ hơn và tiện dụng hơn đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm sữa theo hướng có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như giới thiệu các sản phẩm sữa tăng cường protein, giúp phát triển cơ bắp.

Ông David Dillon, Giám đốc điều hành công ty bán lẻ thực phẩm lớn thứ hai của Mỹ Kroger cho biết người tiêu dùng không còn xem sữa là thức uống bổ dưỡng như trước đây. Tháng sau, công ty Kroger sẽ tung ra sản phẩm sữa CARBMaster có hàm lượng đường thấp và hàm lượng vitamin cao hơn 20% so với sữa bò thông thường.

Công ty sữa Shamrock Farms ở bang Arizona đã bắt đầu bán ra thị trường sản phẩm sữa giúp phát triển cơ bắp có tên gọi Rockin' Refuel. Trong khi đó, năm ngoái, công ty sữa lớn nhất nước Mỹ Dean Foods đã tung ra sản phẩm sữa chocolate TruMoo có hàm lượng đường thấp dành cho trẻ em.

Ngành sữa cũng đang tìm cách nhắm vào các gia đình bận rộn bằng các sản phẩm có kiểu dáng mới và kích cỡ dung tích nhỏ hơn, tiện sử dụng. Gần đây, công ty Shamrock Farms đã giới thiệu ra thị trường các chai sữa có dung tích 350 ml và 200ml chuyên bán ở các nhà hàng thức ăn nhanh nhắm đến các đối tượng khách hàng trẻ em.

Chánh Tài (Theo Wall Street Journal, Western Farm Press)

TBKTSG Online

Các tin tức khác

>   OPEC phải tính toán lại chiến lược khai thác dầu (19/12/2012)

>   Síp cận kề nguy cơ vỡ nợ (19/12/2012)

>   Mở thêm 3.000 cửa hàng, Starbucks sẽ thắng hay thua? (19/12/2012)

>   Trung Quốc: FDI giảm trong tháng thứ 6 liên tiếp (18/12/2012)

>   'Ngày tận thế' thành mỏ vàng marketing (17/12/2012)

>   Anh có thể tránh được nguy cơ suy thoái lần thứ ba (16/12/2012)

>   Khu vực chế tạo khởi sắc, kinh tế thế giới vẫn rủi ro (16/12/2012)

>   IATA: Hàng không toàn cầu đạt lợi nhuận 6,7 tỷ USD (16/12/2012)

>   Chuyển giá: Vấn nạn toàn cầu (16/12/2012)

>   Moody's dành cho Thụy Điển mức tín nhiệm vàng (15/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật