Thứ Tư, 19/12/2012 20:24

OPEC phải tính toán lại chiến lược khai thác dầu

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn tăng trưởng trì trệ, kéo nhu cầu dầu mỏ chững lại và giá dầu thụt lùi, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã không thể nâng thêm sản lượng trần đang ở mức 30 triệu thùng/ngày hiện nay.

Không những thế, sự cạnh tranh từ nguồn dầu mỏ khai thác từ đá phiến buộc OPEC phải tính toán lại chiến lược khai thác và có thể phải tính tới khả năng cắt giảm sản lượng.

Nguy cơ giảm sản lượng

Theo các nhà phân tích, đối mặt nguy cơ giá dầu sụt giảm, sang năm 2013 OPEC có thể sẽ cắt giảm sản lượng - động thái nhằm phản ứng trước sản lượng tăng cao từ Mỹ, khách hàng tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu của OPEC - và nhu cầu năng lượng tăng chậm.

Tổng thư ký OPEC Abdullah El-Badri cho rằng nếu nhìn vào mức giá hiện nay thì không có gì đáng lo ngại vào thời điểm này. Giá dầu Brent biển Bắc ở mức 110 USD/thùng là có thể chấp nhận được đối với cả người tiêu dùng và nhà sản xuất lúc này.

Tuy nhiên, theo ông, "thách thức lớn nhất mà thị trường dầu mỏ thế giới phải đương đầu trong năm tới là sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, trong đó Khu vực đồng euro vẫn là một lo ngại chính." OPEC dự đoán nhu cầu dầu thô trong năm 2013 sẽ giảm xuống còn 19,7 triệu thùng/ngày.

Trong cuộc họp cuối cùng của năm tại Vienna, thủ đô của Áo trung tuần tháng 12 này, các bộ trưởng OPEC thừa nhận nhu cầu dầu mỏ năm tới giảm một phần vì tăng trưởng kinh tế yếu ở các quốc gia tiêu thụ - thách thức lớn nhất mà thị trường dầu mỏ phải đối mặt.

Ông El-Badri chỉ ra một số rủi ro chính cho tăng trưởng kinh tế và các nhân tố ảnh hưởng tới nhu cầu dầu mỏ là khủng hoảng nợ ở châu Âu, sự trì trệ của kinh tế Nhật Bản và nguy cơ "vách đá tài chính" ở Mỹ.

Dù có dự đoán OPEC sẽ giảm sản lượng trong những tháng tới song các nước thành viên OPEC lo ngại rằng nếu giảm sản lượng quá nhiều sẽ đẩy giá dầu mỏ tăng cao, gây nguy hiểm tới sự phục hồi kinh tế.

Nhà phân tích Andrey Kryuchenkov cho rằng phần lớn các nước thành viên OPEC đều sẽ hài lòng với mức giá hiện nay và sự cân bằng trên thị trường. Tuy nhiên, họ vẫn lo ngại sản lượng giảm có thể làm giá dầu tăng cao và khiến tiêu thụ dầu mỏ của thế giới tăng chậm lại, từ đó gây phương hại sự phục hồi kinh tế trong năm 2013.

Nhưng mặt khác, kể cả khi OPEC duy trì hạn ngạch sản lượng ổn định thì vẫn có những yếu tố khác khiến giá dầu biến động theo chiều hướng đi lên. Đó là những căng thẳng tại Trung Đông, với những điểm nóng là Syria, Israel và Palestine, cùng với chương trình hạt nhân của Iran vốn đang khiến xuất khẩu dầu mỏ của nước này giảm hàng trăm nghìn thùng vì các lệnh trừng phạt quốc tế. Không những thế, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC dự đoán sẽ tăng tới 54,2 triệu thùng/ngày vào năm tới sau khi đạt sản lượng kỷ lục năm 2010.

Giá dầu Brent luôn ở trên ngưỡng 100 USD/thùng gần như trong suốt năm nay và mức giá này là chấp nhận được đối với các nước OPEC và cả các nước tiêu thụ dầu mỏ. Giá dầu nhìn chung vẫn tương đối cao, với mức giá trung bình của các loại dầu mỏ do các nước trong OPEC sản xuất ở mức trên 100 USD/thùng trong 2 năm qua. Mức giá này đảm bảo rằng các nước sản xuất vẫn có lợi nhuận.

Cạnh tranh từ dầu đá phiến

Trong khi đó giới chuyên gia nhận định rằng trong dài hạn mức tăng sản lượng khí đốt và dầu mỏ khai thác từ đá phiến có nguy cơ làm giảm giá dầu thô thông thường. Gần đây, IEA dự đoán Mỹ sẽ trở thành nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới vào năm 2017 nhờ bùng nổ hoạt động khai thác dầu đá phiến tại nước này. Vì vậy, khả năng OPEC sẽ cắt giảm sản lượng dầu trong năm tới để trợ giá là không thể loại trừ.

Sự phát triển bùng nổ lĩnh vực khai thác dầu mỏ và khí đốt từ đá phiến của Bắc Mỹ đã làm thay đổi cán cân trên các thị trường năng lượng toàn cầu, giúp Mỹ và Canada có được những đòn bẩy mới để trở thành các nước xuất khẩu năng lượng, bất chấp "lòng chảo dầu" Trung Đông vẫn giữ một vai trò quan trọng.

Trong khi Canada lâu nay vẫn là nước xuất khẩu năng lượng chủ chốt, sự gia tăng hoạt động khai thác dầu mỏ đá phiến nói lên một sự thay đổi quan trọng đối với Mỹ là nước này có thể chuyển từ một nước nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới thành một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ròng vào năm 2017. Chỉ trong vòng năm năm, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng 32%. Riêng năm 2012, sản lượng đã tăng 14% so với năm 2011 lên 6,4 triệu thùng/ngày.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, con số này có thể tăng lên 7,1 triệu thùng/ngày trong năm 2013. Trên cơ sở đó IEA dự đoán Mỹ có thể trở thành nước sản xuất dầu mỏ số 1 thế giới vào năm 2017, vượt qua hai quốc gia hàng đầu hiện nay là Arập Xêút và Nga. Và Mỹ tiến tới trở thành quốc gia tự chủ về năng lượng vào năm 2030.

Trong báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới mới nhất, OPEC lần đầu tiên thừa nhận công nghệ khai thác dầu mỏ và khí đốt từ đá phiến đang làm thay đổi đáng kể bức tranh nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. OPEC dường như "chậm chân" hơn các nước khác trong việc thừa nhận tác động của công nghệ mới "hydraulic fracturing" lên nguồn cung - đây là công nghệ bơm hàng triệu tấn nước sạch trộn lẫn với cát và hóa chất vào trong lòng đất với áp suất lớn để tạo các vết nứt trong đá để khai thác khí tự nhiên.

Theo dự báo mới của OPEC, dầu đá phiến sẽ đóng góp 2 triệu thùng/ngày vào nguồn cung dầu mỏ đến năm 2020 và 3 triệu thùng/ngày vào năm 2035. Mức 2 triệu thùng/ngày này tương đương với sản lượng dầu mỏ hiện nay của Nigeria, thành viên của OPEC và là nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu của châu Phi.

OPEC nhận định, trong trung hạn dầu mỏ đá phiến sẽ tiếp tục đến từ Bắc Mỹ, nhưng các nơi khác trên thế giới có thể dần đóng góp trong dài hạn. Dầu mỏ và khí đốt đá phiến cũng có thể giữ một vị trí trong sản xuất dầu khí của các nước thành viên OPEC - tổ chức hiện chi phối 1/3 sản lượng dầu mỏ của thế giới và nắm giữ khoảng 80% trữ lượng dầu thô thông thường.

Một phần do nguồn dầu đá phiến tăng lên nên nguồn cung dầu mỏ từ các nước ngoài OPEC được dự báo sẽ tăng lên 56,6 triệu thùng/ngày vào năm 2016, tăng 4,2 triệu thùng/ngày so với năm 2011. Bên cạnh đó, dầu chiết xuất từ sa thạch ở Canada và dầu thô từ Kaspi và Brazil cũng sẽ đóng góp vào sự gia tăng nguồn cung dầu mỏ ngoài OPEC.

Tuy vậy, Tổng thư ký OPEC Abdullah El-Badri nói rằng dầu đá phiến vẫn không tạo mối nguy cho OPEC do nhu cầu cao hơn sẽ dễ dàng tiêu thụ mức sản lượng tăng lên. Nhưng dù sao OPEC cũng thừa nhận rằng thế giới sẽ cần ít dầu mỏ của các nước thành viên OPEC hơn, một phần do triển vọng nhu cầu giảm. Điều này phản ánh mối quan ngại trước mắt về thể trạng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở Eurozone.

Các chuyên gia IEA còn cảnh báo than đá sẽ soán ngôi dầu mỏ và trở thành nguồn nhiên liệu được sử dụng nhiều nhất trên thế giới sau một thập kỷ nữa.

Theo đó, vào năm 2017 nhu cầu tiêu thụ than đá toàn cầu sẽ "đuổi kịp" nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ, với tỷ lệ tương ứng là 4,32 tỷ tấn than và 4,4 tỷ tấn dầu do tăng trưởng kinh tế đẩy nhu cầu sử dụng than đá. Như vậy xem ra OPEC khó lòng giữ được giá dầu ở mức cao để tiếp tục tận hưởng nguồn thu khổng lồ mà "vàng đen" mang lại như những năm vừa qua./.

Hoàng Hà

vietnam+

Các tin tức khác

>   Síp cận kề nguy cơ vỡ nợ (19/12/2012)

>   Mở thêm 3.000 cửa hàng, Starbucks sẽ thắng hay thua? (19/12/2012)

>   Trung Quốc: FDI giảm trong tháng thứ 6 liên tiếp (18/12/2012)

>   'Ngày tận thế' thành mỏ vàng marketing (17/12/2012)

>   Anh có thể tránh được nguy cơ suy thoái lần thứ ba (16/12/2012)

>   Khu vực chế tạo khởi sắc, kinh tế thế giới vẫn rủi ro (16/12/2012)

>   IATA: Hàng không toàn cầu đạt lợi nhuận 6,7 tỷ USD (16/12/2012)

>   Chuyển giá: Vấn nạn toàn cầu (16/12/2012)

>   Moody's dành cho Thụy Điển mức tín nhiệm vàng (15/12/2012)

>   Lòng tin DN Nhật giảm mức thấp nhất trong ba năm (14/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật