Nặng gánh cho lãi suất
Để kinh tế tăng trưởng, DN “hồng hào” hơn thì điều quan trọng vẫn là phải tăng sức cầu của nền kinh tế. Chúng ta cần có những giải pháp tổng thể cho cả nền kinh tế, trong đó tập trung vào những chính sách nhằm kích cầu nhiều hơn như: tăng cường các điểm bán hàng bình ổn giá; phát triển các hệ thống an sinh xã hội tốt hơn; giảm thuế, tăng lương…
Không nên sử dụng nhiều biện pháp hành chính
Theo TS.Lê Thẩm Dương – Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh hiện lãi suất đang gánh quá nhiều nhiệm vụ: Vừa đảm bảo lãi suất VND đủ hấp dẫn để hút tiền trong dân cư, góp phần chống vàng hóa, đô la hóa cũng như duy trì thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Nhưng lãi suất cho vay lại phải hạ thấp để giúp DN tiếp cận vốn tốt hơn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế... Với những nhiệm vụ trên, có thể nói lãi suất đã chịu sức ép lớn từ nền kinh tế. Ông Dương cho rằng đề xuất áp trần lãi suất cho vay thời điểm này không khả thi đối với ngân hàng.
Một chuyên gia ngân hàng khác phân tích: trên thực tế ngoài chi phí lãi suất các DN còn chịu 3 loại chi phí nữa là nguyên nhiên vật liệu, tài sản cố định, lương; Phí ngoài phân xưởng (như chi phí quản lý và bán hàng. Nếu quản trị kém thì các phí này tăng); Và thuế. Theo thống kê của Tổng cục Thống kê giữa năm 2012 thì hơn 60% DN thua lỗ do quản trị, chỉ có 20% DN phá sản do lãi suất ngân hàng. Rõ ràng, không thể đổ lỗi do lãi suất làm DN bị phá sản.
Một vấn đề nữa: mức trần lãi suất nào sẽ phù hợp, cân bằng được giữa hiệu quả và rủi ro khi mức độ rủi ro của các món cho vay khác nhau. Lãnh đạo một NHTMCP nhìn nhận: đúng là về kỹ thuật các ngân hàng phải chia cấp độ rủi ro tín dụng, dự trù mức lãi biên… để đưa mức lãi suất áp dụng cho từng nhóm khách hàng, thậm chí từng khách hàng cụ thể.
Thời điểm này, rủi ro các món vay ngày càng lớn, khiến cho việc đưa ra mức lãi suất trần áp dụng chung sẽ là bài toán không đơn giản đối với ngân hàng. Khi trần lãi suất cho vay được đưa ra ở mức thấp, trong khi mặt bằng lãi suất huy động thực không giảm thì đương nhiên các ngân hàng sẽ đẩy lãi suất cho vay lên sát trần đối với tất cả mọi khoản vay. Thậm chí sẽ có trường hợp DN muốn tiếp cận được vốn phải trả thêm một số loại phí. “Như vậy, chi phí lãi suất thực mà DN phải trả có khi còn cao hơn so với hiện tại”, một chuyên gia ngân hàng cảnh báo. Chưa kể, trong trường hợp không “lách” được, các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay ra. Và như vậy, tín dụng vẫn tăng chậm, và nguồn vốn tiếp tục bị ứ đọng.
Đó cũng là những lý do nhóm công tác ngân hàng tại VBF lo ngại: Chúng tôi cũng lo ngại rằng biện pháp hành chính này sẽ dẫn tới tình trạng các ngân hàng cho vay ít hơn đối với những lĩnh vực ưu tiên so với trước, vì ngân hàng sẽ ít khả năng thu được đủ mức lợi nhuận tương ứng với mức rủi ro phải gánh chịu hơn. “Hơn thế, việc áp trần lãi suất cho vay khiến các ngân hàng không thực hiện được việc định giá khoản vay theo mức rủi ro tương ứng”- báo cáo của nhóm công tác ngân hàng phân tích.
Phải giải cho được bài toán tồn kho
Trên thực tế, hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay đã nỗ lực giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với nền kinh tế. Nếu như cuối năm 2011 lãi suất cho vay lên tới trên 20%/năm, các DN chỉ “mơ” lãi suất giảm còn 15 – 16%/năm, nhưng hiện giờ mức lãi suất cho vay mà các NHTM đưa ra còn hơn cả mong đợi của DN: chỉ dao động 12% – 13%/năm, thậm chí còn thấp hơn. Điều đó cho thấy không cần NHNN phải ép hạ lãi suất, mà bản thân các NHTM đã tự cân đối chi phí để đẩy vốn ra cứu DN và cũng là tự cứu mình.
Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho rằng, các ngân hàng đã cố gắng đưa các gói tín dụng ưu đãi chào mời khách hàng, nhưng trên thực tế triển khai rất khó tìm được khách hàng đủ điều kiện. Vì chi phí rủi ro cho các món vay ngày càng cao, nên buộc các ngân hàng phải thận trọng với các khách hàng có tình hình tài chính chưa tốt.
Theo ông Trung, nếu việc áp trần lãi suất cho vay được thực hiện thì cũng chỉ nên áp dụng với các lĩnh vực mà Chính phủ khuyến khích chứ không nên áp dụng tất cả lĩnh vực để giảm thiểu rủi ro, cũng như không phát sinh thêm nợ xấu. Bản thân các DN cũng cho rằng, việc áp trần lãi suất cho vay là biện pháp hành chính, mà như quan điểm của NHNN các biện pháp hành chính chỉ áp dụng tạm thời. Trong khi điều mà cả NHTM và DN cần là chính sách ổn định để họ yên tâm lên kế hoạch kinh doanh.
Ông Vũ Mạnh Trường - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Phát bày tỏ, có thể việc áp trần lãi suất cho vay phù hợp với các DN đầu tư thương mại, còn với DN đầu tư sản xuất thì phải rất thận trọng khi vay vốn, vì sẽ ít có ngân hàng nào cam kết một mức lãi suất cố định trong nhiều năm. Còn nếu áp trần lãi suất cho vay, dù kéo dài 6 tháng thậm chí đến 1 năm, rồi sau đó ngân hàng lại nâng lãi suất... thì sẽ là lợi bất cập hại, đẩy DN vào thế khó khăn hơn. Vì, thông thường đầu tư nhà máy, nhà xưởng các DN phải mất 5 năm thậm chí 10 năm mới thu hồi vốn…
Ông Vũ Mạnh Trường chia sẻ thêm, lãi suất chỉ là một phần, điều mà các DN mong đợi là các giải pháp kích cầu giúp họ có đầu ra, giải phóng được hàng tồn kho. Nên, thời điểm này dù lãi suất giảm một vài phần trăm cũng chỉ như muối bỏ bể, khi mà tổng cầu nền kinh tế chưa hồi phục. Do đó, lãi suất không phải là liều thuốc tiên giúp hồi phục sức khỏe của nền kinh tế.
Để kinh tế tăng trưởng, DN “hồng hào” hơn thì điều quan trọng vẫn là phải tăng sức cầu của nền kinh tế. Chúng ta cần có những giải pháp tổng thể cho cả nền kinh tế, trong đó tập trung vào những chính sách nhằm kích cầu nhiều hơn như: tăng cường các điểm bán hàng bình ổn giá; phát triển các hệ thống an sinh xã hội tốt hơn; giảm thuế, tăng lương… “Và nếu thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, DN bán được hàng, thu tiền về, lúc đó chắc chắn họ sẽ nghĩ đến việc vay thêm vốn để đầu tư sản xuất tiếp”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Huyền Thanh
thời báo ngân hàng
|