Thứ Sáu, 07/12/2012 11:15

Ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng: Không dễ kiếm lời

Đến thời điểm này, hơn chục ngân hàng đã nộp đơn lên Ngân hàng Nhà nước đề nghị được kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, với những quy định ngặt nghèo, việc kinh doanh vàng với ngân hàng không hề ngon ăn.

Đua nhau xin giấy phép

Chỉ còn hai tháng nữa (từ ngày 10/2/2013) là khoảng 12.000 cửa hàng nhỏ lẻ trên cả nước phải ngừng kinh doanh vàng miếng. Chỉ những ngân hàng, doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép mới được kinh doanh vàng miếng. Hiện tại, NHNN đang tiến hành nhận hồ sơ và kiểm tra năng lực của các ngân hàng, doanh nghiệp trước khi cấp phép đợt đầu tiên, dự kiến vào cuối tháng 12 này.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) khẳng định, sau khi độc quyền vàng miếng, bước tiếp theo là NHNN sẽ tổ chức lại mạng lưới mua, bán vàng miếng. Trên cơ sở mạng lưới mới được cấp phép, NHNN sẽ giữ vai trò kiến tạo thị trường, là người mua bán cuối cùng.

Hiện nhiều ngân hàng đang nộp hồ sơ xin được cấp phép kinh doanh vàng miếng lên NHNN. Tại Hà Nội, danh tính cụ thể của các ngân hàng chưa được công bố, song theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, có ít nhất 5 ngân hàng cho biết sẽ xin NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng đợt này, trong đó có cả ngân hàng TMCP nhà nước. Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, muốn kinh doanh vàng miếng, các tổ chức tín dụng phải đáp ứng đủ 3 điều kiện: có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên; có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng; có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Chiểu theo quy định trên, đa phần các ngân hàng hiện nay đều đủ điều kiện kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, trong đợt đầu này, có thể NHNN chỉ cấp phép cho một số ngân hàng. Số còn lại, NHNN sẽ tiếp tục xem xét và cấp phép trong năm 2013.

Nhiều điều kiện ràng buộc

Thời gian qua, đã có không ít ngân hàng lỗ hàng ngàn tỷ đồng vì huy động và cho vay vàng miếng. Tuy nhiên, một số ngân hàng cũng thu lãi “khủng” từ vàng. Trong điều kiện tín dụng tăng trưởng chậm, kinh doanh vàng là một lĩnh vực hấp dẫn được nhiều ngân hàng nhắm tới. Tuy nhiên, để kinh doanh vàng hiệu quả là điều không hề dễ dàng, nhất là khi NHNN yêu cầu ngân hàng phải cân bằng trạng thái vàng.

Phó thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, khi được cấp phép, các ngân hàng sẽ được kinh doanh vàng miếng như các doanh nghiệp vàng, nhưng phải giữ trạng thái kinh doanh vàng theo ngày giống như trạng thái ngoại tệ. Điều khác biệt là ngoại tệ có thể giữ trạng thái âm (+/- 20%), nhưng vàng thì luôn phải giữ trạng thái dương ở một tỷ lệ nhất định so với vốn tự có. Có nghĩa là, chỉ khi mua được vàng, thì các ngân hàng mới được phép bán vàng ra.

“Nếu tỷ lệ này là 10%, với vốn tự có là 3.000 tỷ đồng thì mỗi ngày, tổ chức tín dụng đó chỉ được phép mua tối đa 300 tỷ đồng vàng quy đổi. Nếu ngày hôm đó, tổ chức tín dụng không bán được vàng, thì hôm sau không được tiếp tục mua vàng”, ông Hưng nêu ví dụ.

Hiện tại, tỷ lệ cân bằng trạng thái vàng chưa được NHNN ban hành, song theo một số nguồn tin, tỷ lệ này có thể chỉ là 1%.

“Một ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng mà chỉ được kinh doanh vàng ở mức 1% (tức 30 tỷ đồng, tương đương 600 cây vàng) thì quá ít, không bõ để kinh doanh. Hơn nữa, với tỷ lệ nhỏ như vậy, thì lượng vàng mà ngân hàng kinh doanh cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, không thể thay thế được 12.000 cửa hàng nhỏ lẻ. Do đó, theo tôi, trạng thái vàng của ngân hàng nên giữ ở mức 10%”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần kiến nghị.

Ngoài duy trì trạng thái vàng, chi phí vận chuyển vàng cũng rất tốn kém (thuê máy bay, thuê xe, thuê bảo vệ vận chuyển…). Trong khi đó, biến động giá vàng mỗi ngày cao nhất cũng chỉ 5-7%. Ngoài ra, giờ hoạt động của thị trường vàng Việt Nam lại ngược với thị trường thế giới. Vì vậy, nếu có chênh lệch giá, ngân hàng muốn bán để chốt lời cũng khó, vì trước đó đã phải cân bằng trạng thái. Do đó, sau khi trừ chi phí, khoản lãi từ kinh doanh vàng miếng mà các ngân hàng thu được sẽ không nhiều, thậm chí có thể là lỗ.

Thêm vào đó, trừ một số ngân hàng ở phía Nam, hiện có rất ít ngân hàng có kinh nghiệm kinh doanh vàng, các rủi ro trong quá trình kinh doanh vàng là khó tránh khỏi.

Theo nhận định của các chuyên gia, tuy chưa tham gia kinh doanh vàng, song TienPhong Bank sẽ là đối thủ đáng nể trong lĩnh vực này. Với sự hậu thuẫn của cổ đông lớn là Tập đoàn Vàng bạc Doji, Ngân hàng này có lợi thế hơn hẳn các ngân hàng khác là dễ dàng cân bằng trạng thái vàng và giao nhận, vận chuyển dễ dàng, do có mạng lưới khắp toàn quốc.

Hà Tâm

đầu tư

Các tin tức khác

>   Ngân hàng giải chấp, nhà phố rớt giá thảm hại (07/12/2012)

>   NHNN yêu cầu TCTD chấm dứt hoạt động huy động vốn bằng vàng (07/12/2012)

>   Đà Nẵng công khai tên ngân hàng chậm hạ lãi suất (06/12/2012)

>   Áp trần lãi suất cho vay: Xuất chiêu “lách” phí? (06/12/2012)

>   Tại sao nợ xấu của Việt Nam ở mức cao? (06/12/2012)

>   TGĐ Eximbank: Áp trần lãi suất cho vay, bỏ trần huy động (06/12/2012)

>   Trả giá vì chậm phản ứng nợ xấu, bài học từ Nhật Bản (06/12/2012)

>   Ì xèo “chơi” tỉ giá (05/12/2012)

>   “Người thứ ba” trong thương vụ SeABank - VVF (05/12/2012)

>   Quốc tế tin Việt Nam giải quyết tốt nợ xấu (05/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật