Khuyến khích mô hình kinh doanh vì người thu nhập thấp
Quỹ Thách thức doanh nghiệp (DN) Việt Nam (VBCF) sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn và tài trợ không hoàn lại 49% tổng mức đầu tư cho các dự án kinh doanh cùng người thu nhập thấp.
Bên lề Hội thảo Giới thiệu và kêu gọi nộp đề xuất kinh doanh VBCF ngày 12-12, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi thêm với ông Vũ Tuấn Anh, quản lý VBCF, về vấn đề này.
Ông có thể nói rõ hơn thông tin về VBCF cũng như mục đích, đối tượng mà quỹ nhắm đến?
Ông Vũ Tuấn Anh, quản lý VBCF: VBCF do Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID) tài trợ nhằm hỗ trợ các DN tư nhân tại Việt Nam xây dựng mô hình kinh doanh sáng tạo cùng người thu nhập thấp. Người thu nhập thấp sẽ tham gia vào hoạt động của DN với tư cách người lao động, người sản xuất, người phân phối hoặc người tiêu dùng. Lợi nhuận của DN được cải thiện nhờ tăng hiệu quả kinh doanh hoặc tạo ra thị trường mới. Trong khi đó, người thu nhập thấp có cơ hội làm việc, cải thiện thu nhập.
Tổng vốn đầu tư của VBCF khoảng 7 triệu bảng Anh. VBCF sẽ tài trợ không hoàn lại tới 49% tổng vốn đầu tư của dự án được lựa chọn. Cụ thể, dự án nhỏ được hỗ trợ 100.000-300.000 USD, dự án vừa 301.000-500.000 USD và dự án lớn 501.000-800.000 USD.
DN phải có mô hình kinh doanh như thế nào mới được hỗ trợ, thưa ông?
Ba lĩnh vực kinh doanh mà VBCF sẽ hỗ trợ là nông nghiệp (mặt hàng đặc sản, hàng hóa có giá trị gia tăng), tăng trưởng xanh (tái chế chất thải) và cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ - dịch vụ cơ bản (hệ thống nước sạch, xây dựng nhà ở bằng vật liệu thân thiện môi trường, chi phí thấp). Mô hình kinh doanh được lựa chọn hỗ trợ phải có đầy đủ các yếu tố: Sáng tạo, mới, tính thương mại bền vững, chưa DN nào ở Việt Nam làm và có sự tham gia của người thu nhập thấp.
Có gì khác biệt giữa VBCF với các quỹ tài trợ khác?
Có nhiều quỹ tài trợ vốn không hoàn lại cho các dự án tại Việt Nam nhưng khi hoạt động của quỹ kết thúc thì dự án cũng kết thúc, DN “tịt ngòi”. Riêng VBCF sẽ sàng lọc kỹ, chọn những dự án hướng đến lợi ích bền vững lâu dài để khi hết được tài trợ, DN vẫn phát triển kinh doanh, nông dân thu nhập ổn định.
Vậy DN cần làm gì để được nhận tài trợ từ VBCF?
Để nhận tài trợ của VBCF, DN phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau: Trong đề xuất nêu rõ vai trò tham gia của người thu nhập thấp theo hướng có lợi cho cả DN và người thu nhập thấp. Đề xuất đầu tư phải liên quan đến một trong các ngành thuộc ba lĩnh vực nêu trên. Các DN phải chứng minh kinh nghiệm hoạt động của mình, ít nhất là hai năm, trong lĩnh vực liên quan đến dự án đề xuất.
Thời hạn nộp “Đề xuất tóm tắt” là ngày 28-1-2013. Các DN nộp đề xuất có khả năng đầu tư tối thiểu 51% ngân sách cho dự án và phải có tư cách pháp nhân (công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tư nhân, công ty cổ phần, hợp tác xã) đang hoạt động tại Việt Nam.
Q.Huy
Pháp Luật
|