Không quản được thì đừng độc quyền
Bực tức, bức xúc, thậm chí chửi bới là tâm trạng của không ít người ngồi hàng giờ trên mạng nhưng không thể đặt mua được vé về quê ăn tết. Xem ra, phương án “chỉ đặt vé tàu tết qua mạng, mua tại ga Sài Gòn” mà ngành đường sắt Sài Gòn đặt ra đã bị phá sản.
Vài ba năm trở lại đây, kể từ khi ga Sài Gòn tiến hành bán vé tàu qua mạng, đơn vị này thường xuyên khuyến cáo hành khách coi chừng mua phải vé giả. Theo ga Sài Gòn, vé tàu giả được in rất giống vé thật, khó nhận biết bằng mắt thường, chỉ khi quét vé qua hệ thống kiểm tra mã vạch hoặc đối chiếu với số series, số ghế, số toa thì mới phân biệt được. Vì vậy, hành khách tuyệt đối không nên mua vé chợ đen thông qua “cò”. Tuy nhiên, theo nhiều hành khách, kể từ khi ga Sài Gòn “độc quyền” bán vé tết qua mạng, rất nhiều người chỉ còn trông chờ vào “cò”, bởi mạng nghẽn liên tục.
Mua vé từ “cò” là chắc ăn
Rất nhiều người chỉ còn trông chờ vào “cò”, bởi mạng nghẽn liên tục.
|
“Nếu mua vé tàu qua “cò” ở thị trường chợ đen (ngay trong sân và trước cổng ga Sài Gòn), gần như chưa ai mua phải vé giả, và quan trọng là mua bao nhiêu cũng có. Đó là thực tế mà ai cũng biết nên thật nực cười khi nghe lời khuyên của ga Sài Gòn”, anh Nguyễn Hải Tứ, sinh viên trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP.HCM, bức xúc khi hai ngày qua liên tục lên mạng nhưng không thể đặt được hai tấm vé cho hai anh em về Nghệ An ăn tết. Năm ngoái, sau khi “lăn lộn” trên mạng hai ngày không mua được vé, Tứ cũng phải mất thêm 300.000 đồng tiền chênh lệch cho “cò” mới có hai tấm vé về quê.
Sáng 11.12, chúng tôi nhập vai người tìm mua vé chợ đen. Vừa ra khỏi khu vực mua vé tàu của ga Sài Gòn, chúng tôi nhận được nhiều cái hất hàm của các “cò” kèm theo câu hỏi: “Đi đâu? Vé không? Vé tết không?” Ngay trước cửa ra của bãi giữ xe trong khu vực ga Sài Gòn có hai “cò” đang tíu tít chào mời khách. “Nói trước, tiền công mỗi vé là 250.000 đồng, không bớt. Đồng ý thì đưa số chứng minh thư, đặt cọc 200.000 đồng”, một “cò” chừng 40 tuổi nói với chúng tôi. “Đưa tiền rồi chị không đưa vé thì sao?”, chúng tôi hỏi. “Đồng ý giá đó thì chị đưa về nhà viết biên nhận, khi nào có vé sẽ gọi. An tâm đi, tụi chị làm ăn bao năm ở đây, uy tín hàng đầu. Muốn đi ngày nào cũng có vé. Vé sẽ giao sau ngày 20.12”.
Còn một “cò” khác ở khu vực cổng ra của ga Sài Gòn khẳng định, không cần tới ngày 25.12, mà cứ chọn ngày đi, chọn loại chỗ là ngay ngày mai sẽ có vé. “Vậy có đúng số CMND không?”, chúng tôi hỏi, “Không cần khai CMND. Em nói anh nghe, bạn hàng em đặt vé đi quanh năm cũng đâu cần khai số CMND”. Sau đó, anh ta hướng dẫn tận tình: “Mình chỉ cần mua vé tiễn 2.000 đồng rồi vào ga, lên tàu ngồi đúng số ghế ghi trên vé. Họ không kiểm soát đâu”. Để trấn an chúng tôi, anh ta bảo: “Nói thật với các anh, năm rồi em bán “vé không chính chủ” cho số người ngồi gần đầy hai toa tàu mà có ai bị sao đâu”.
Không quản được, xin đừng độc quyền!
Sinh viên Nguyễn Hải Tứ ngao ngán nói: “Từ khi áp dụng việc đặt vé qua mạng, mua vé tại ga tới nay, “cò” thì không giảm, hành khách không những không thoát khỏi cảnh chen lấn xếp hàng mua vé như trước đây mà còn phải cầu cạnh đến “cò” nhiều hơn. Điều này đồng nghĩa với việc “cò” có cơ hội trục lợi nhiều hơn. Không quản được thì ga Sài Gòn nên bỏ độc quyền bán vé tàu tết đi”.
Nhiều hành khách cũng đã kiến nghị cần phải phát triển thêm nhiều kênh bán vé tàu để kiểm soát lẫn nhau, chứ cứ để “một mình, một sân” thì đơn vị độc quyền muốn nói hết vé là hết mà không ai kiểm tra được (bằng chứng là năm ngoái khi bị thanh tra mới biết ga Sài Gòn để lại tới 10% vé tàu tết nhằm mục đích “đối ngoại”). Minh, sinh viên trường cao đẳng Công nghệ thông tin TP.HCM, đề xuất: “Nên cùng lúc bán vé tàu tết ở các đại lý như ngành hàng không đã từng thực hiện và thực tế đã chứng minh, mua vé may bay không khốn khổ như mua vé tàu tết. Bán qua đại lý còn có cái lợi là những người ở xa không cần phải bỏ công, bỏ sức đến ga Sài Gòn chầu chực nhận vé, sau khi đã đặt chỗ thành công”.
Trong vai một hành khách bức xúc vì không thể truy cập vào mạng để đặt mua vé tàu, chúng tôi gõ cửa phòng trưởng ga Sài Gòn. Tại đây, sau khi chúng tôi nêu những thắc mắc trên, ông Nguyễn Văn Thành, lãnh đạo ga Sài Gòn lập luận: “Ga Sài Gòn có tới 50 đại lý chân rết nhưng không bán qua đại lý là để khắc phục tình trạng vé chợ đen, phe vé, đẩy giá vé lên cao. Hơn nữa, trong đợt bán vé qua mạng này (kéo dài từ ngày 10 – 20.12) nếu bán không hết, ngay sau ngày 20.12, chúng tôi sẽ tiến hành bán vé tại ga mà không cần đặt chỗ qua mạng”.
Liệu sau ngày 20.12, những hành khách không biết xài máy tính nối mạng, những hành khách lên mạng cả ngày không mua được vé… có thể hy vọng mua được tấm vé về quê ăn tết? Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập, không ít “cò” tại ga Sài Gòn cũng đưa ra mốc thời gian sau ngày 20.12 sẽ giao vé cho khách, sau khi đã làm cam kết nhận tiền?
ĐÀO LÊ – ĐOÀN QUÝ
sài gòn tiếp thị
|