Vụ An Giang chi 3.425 tỉ đăng cai đại hội TDTT
Ông Hồ Việt Hiệp - Phó chủ tịch UBND tỉnh: An Giang không đăng cai thì nơi khác cũng nhận
Về việc An Giang đăng cai đại hội TDTT kinh phí cao hơn Asiad, dư luận cho rằng việc đầu tư như vậy là không cần thiết và có thể dẫn tới lãng phí...
Xung quanh vấn đề này, Tuổi Trẻ đã trao đổi với lãnh đạo tỉnh An Giang.
Ông Hồ Việt Hiệp, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết việc đăng cai đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 đã được bộ trưởng Bộ VH-TT&DL đồng ý về mặt chủ trương và khuyến khích nên An Giang mạnh dạn xin đăng cai. Đây là cơ hội để tỉnh có thêm cơ sở vật chất nhằm duy trì phát triển thể thao thành tích cao, cũng như đáp ứng nhu cầu tập luyện, rèn luyện của người dân.
* Nhưng kinh phí đầu tư lại quá lớn, lên đến 3.425 tỉ đồng?
- Về nguyên tắc, dù tỉnh đứng ra đăng cai nhưng trung ương lại chịu trách nhiệm về việc tổ chức. Theo đó, ngân sách trung ương sẽ tập trung đầu tư các công trình trọng điểm. Nếu An Giang không đăng cai thì tỉnh thành khác ở ĐBSCL cũng đăng cai và kinh phí tổ chức cũng xấp xỉ mức đó. Chẳng hạn đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 diễn ra ở Nam Định, ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư 1.600 tỉ đồng. Chúng tôi tính toán kinh phí sơ bộ dựa theo đề án tổ chức đại hội của Nam Định mà Chính phủ đã phê duyệt. Nói chung việc này là có cơ sở.
* Dù ngân sách trung ương hay địa phương thì cũng là từ tiền của dân. Trong tình hình kinh tế khó khăn tại sao An Giang không nhường cho tỉnh thành khác có điều kiện đáp ứng, từng tổ chức để hạn chế mức đầu tư?
- Như tôi đã nói ở trên, thể thao ở An Giang còn yếu kém, rất cần đầu tư. Nếu nói nên tổ chức đại hội ở nơi có cơ sở vật chất đáp ứng, từng tổ chức đại hội hay tổ chức ở TP.HCM hay Hà Nội cũng có phần đúng. Nhưng làm như vậy thì chủ trương hỗ trợ cơ sở vật chất cho những địa phương còn hạn chế về việc phát triển thể thao sẽ không đạt được.
Mặt khác, chúng tôi cũng đã cố gắng hạn chế đầu tư. Thay vì tổ chức 36 môn thi đấu phải xây dựng thêm nhiều công trình, chúng tôi chia sẻ 15 môn thi đấu ở các tỉnh thành có thế mạnh và đáp ứng điều kiện thi đấu khác để tiết giảm chi phí. Ngoài ra, các cơ sở thi đấu được đầu tư ở An Giang cũng có thể phục vụ cho Asiad năm 2019.
Được đầu tư hàng tỉ đồng nhưng sân vận động huyện Châu Phú (An Giang) từ nhiều năm nay ít khi sử dụng và nhanh chóng xuống cấp
|
* Trong bối cảnh còn nhiều lĩnh vực khác đang cần quan tâm giải quyết, việc ngân sách tỉnh dành ra 1.700 tỉ đồng có đúng chỗ?
- Lâu nay An Giang tập trung đầu tư nhiều cho kinh tế, thiếu quan tâm đầu tư cho lĩnh vực phục vụ đời sống tinh thần của người dân, nhất là thể thao. Do đó, việc đầu tư này là cần thiết và chúng tôi sẽ tính toán kỹ lưỡng. Theo đó, gần 1.700 tỉ đồng từ trung ương sẽ được dành xây dựng bốn cơ sở thi đấu trọng điểm ở khu liên hợp TDTT TP Long Xuyên (được tỉnh quy hoạch từ lâu nhưng chưa đủ khả năng thực hiện).
Về 1.700 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, chúng tôi muốn thể hiện trách nhiệm đóng góp của địa phương khi đứng ra đăng cai. Tuy nhiên đó chỉ mới là đề án sơ bộ để trình HĐND tỉnh thông qua chủ trương đúng theo quy trình trước khi trình đề án chính thức để Chính phủ phê duyệt. Đây mới chỉ là phác thảo mang tính chủ quan ban đầu, con số 1.700 tỉ đồng ấy chỉ là tạm tính, trong đó bao gồm cả những dự án, công trình phục vụ thể thao mà tỉnh đã duyệt đang triển khai, sẽ thực hiện từ đây tới năm 2020. Thật ra về khoản đầu tư mới ngân sách tỉnh chỉ bỏ ra khoảng 800 tỉ đồng. Số này được trích từ nguồn thu xổ số kiến thiết của tỉnh, từ việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và được cân đối đầu tư trong sáu năm nên không ảnh hưởng đến việc đầu tư cho lĩnh vực khác.
* Đã có nhiều công trình thể thao xây dựng xong bỏ lãng phí ở các tỉnh ĐBSCL, An Giang có khắc phục được điều này?
- Tới đây UBND tỉnh sẽ làm việc với Bộ VH-TT&DL, xin ý kiến của các bộ ngành liên quan, ghi nhận các ý kiến từ nhiều phía. Sau đó lập dự án chi tiết có tính khả thi và xem xét hiệu quả nhất mới trình Chính phủ phê duyệt. Chủ trương của tỉnh là tận dụng, nâng cấp cơ sở vật chất hiện có, cực chẳng đã mới đầu tư mới. Tỉnh sẽ chỉ đầu tư các cơ sở thi đấu nằm trên trục giao thông chính là quốc lộ 91 để vừa đảm bảo phục vụ đại hội thuận lợi, vừa sử dụng hiệu quả sau này.
ĐỨC VỊNH thực hiện
Giáo sư Võ Tòng Xuân: nên rút lại quyết định đăng cai
Sáng 12-12, đọc báo Tuổi Trẻ tôi hết sức bất ngờ khi biết lãnh đạo tỉnh An Giang quyết định xin đăng cai đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần 8 năm 2018 với kinh phí lên đến 3.425 tỉ đồng.
Tôi cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, An Giang không nên phung phí bỏ ra số tiền ngân sách lớn như vậy để đăng cai một giải đấu chỉ ở tầm quốc gia mà nên nhường cho các thành phố lớn khác như Hà Nội, TP.HCM... những nơi đã có sẵn cơ sở vật chất để tổ chức giải đấu. Nhiều năm sống và làm việc ở An Giang, tôi biết rất rõ rằng tỉnh còn nhiều vấn đề bức xúc khác cần được ưu tiên đầu tư chứ không phải là chuyện đầu tư cho thể thao. Chẳng hạn như cơ sở hạ tầng nông thôn nhiều nơi trong tỉnh còn rất kém, chưa hoàn thiện. Hay đời sống đội ngũ cán bộ khuyến nông sau khi ra trường về làm việc ở các xã hiện rất khó khăn, không có lương mà chỉ có phụ cấp 1 triệu đồng/tháng...
Vì thế lãnh đạo tỉnh cần cân nhắc rút lại quyết định xin đăng cai đại hội để tập trung đầu tư xây dựng các lĩnh vực bức xúc khác.
H.T.DŨNG ghi
|
tuổi trẻ
|