Thứ Bảy, 22/12/2012 10:47

Kết nối cung - cầu thời suy thoái

“Chắp nối cung cầu hàng hóa giữa các cơ sở sản xuất với các kênh phân phối hàng hóa nội địa truyền thống và hiện đại” là một trong những sáng kiến của Bộ Công thương nhằm tạo cú hích cho sức cầu, giải phóng hàng tồn kho - nút thắt lớn nhất của nền kinh tế hiện nay.

Mô hình liên kết chuỗi sản suất – phân phối – tiêu thụ hàng hóa đã được triển khai tại Vinatex

Theo thống kê của Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong 11 tháng năm 2012 đạt 2.117,9 ngàn tỷ đồng, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Ước cả năm 2012, tổng mức bán lẻ đạt 2.550 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế sức mua trên thị trường hiện vẫn rất kém, hàng tồn kho nhiều, trong khi giá cả đầu vào tăng khiến hàng chục ngàn DN đình đốn sản xuất và phá sản.

Tại Hội nghị chắp nối cung cầu hàng hóa khu vực miền Bắc tổ chức ngày 19/12 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa nhấn mạnh mục tiêu kết nối 3 nhà, gồm nhà quản lý, nhà sản xuất và nhà phân phối, trên cơ sở đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp của các DN để tăng cường phối hợp giữa các cơ sở sản xuất với thị trường trong nước thông qua các kênh phân phối. Quan trọng nhất là thúc đẩy các mô hình liên kết để tiêu thụ hàng Việt trong các kênh phân phối cả truyền thống và hiện đại.

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đến cuối năm 2012, cả nước có khoảng 8.703 chợ; trong đó khu vực thành thị khoảng 1.912 chợ, chiếm 21,96%; nông thôn có khoảng 6.791 chợ, chiếm khoảng 78,04%. Số chợ hoạt động có hiệu quả ước tính khoảng 97%. Cả nước có khoảng 698 siêu thị, 127 trung tâm thương mại. Tất cả hạ tầng cơ sở thị trường này là nền tảng để các mô hình liên kết giữa các kênh phân phối và nhà sản xuất được thực hiện thành công.

Bà Lê Việt Nga, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước cho biết, đã có nhiều mô hình liên kết được hình thành xuất phát từ sự thúc đẩy của cơ quan quản lý cũng như từ thực tiễn hoạt động kinh doanh của các DN. Chẳng hạn như mô hình liên kết trực tiếp của các siêu thị hiện đại như Coop Mart, Hapro và Big C, Intimex, Metro... với các nhà cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, hàng hóa của các cơ sở sản xuất nhỏ rất khó tiếp cận kênh phân phối này do hạn chế về thương hiệu, sản lượng hàng, nhà sản xuất chưa thông hiểu các thủ tục cần thiết để ký kết hợp đồng với các siêu thị lớn.

Mô hình liên kết theo chuỗi sản xuất - phân phối - tiêu thụ hàng hóa đã được nhiều tập đoàn, DN như Hapro, Vinatex, TH TrueMilk, Kinh Đô… lựa chọn và vẫn có xu hướng phát triển. Bên cạnh đó, sự liên kết tiêu thụ hàng Việt qua kênh phân phối lưu động cũng đã hỗ trợ tích cực cho DN Việt trong việc thâm nhập thị trường nông thôn với đầu mối là các sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại, các hiệp hội… Riêng đối với hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, trong 3 năm qua, các địa phương đã tổ chức được gần 1.150 đợt bán hàng về nông thôn của hơn 11.500 lượt DN tham gia với hơn 23.000 gian hàng, thu hút 2.288.731 lượt dân địa phương tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại hơn 1.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, từ tháng 10/2012, Bộ Công thương đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận ưu tiên sử dụng các sản phẩm của nhau giữa 16 tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc. Trong khuôn khổ lễ ký kết này, ngoài thỏa thuận chung giữa các đơn vị, còn có 14 thỏa thuận song phương được ký kết giữa 11 tập đoàn, tổng công ty. Đây có thể xem là mô hình liên kết mới theo chuỗi, có thể áp dụng với hầu hết ngành hàng, đồng thời tạo nền tảng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ chuyên nghiệp.

Ngoài ra, thương mại điện tử ngày càng trở thành một kênh giới thiệu sản phẩm hiệu quả mà DN cần chú ý. Kết quả thăm dò của Bộ Công thương cho thấy, trong số 3.400 DN được điều tra, có tới 60% đơn vị chấp nhận phương thức kinh doanh B2B (trong đó 95% chấp nhận đơn đặt hàng trực tuyến). Hiện giao dịch thương mại điện tử chiếm 2,5% GDP của Việt Nam, tương ứng gần 2 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt tới 6 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác đang là thách thức nếu muốn kênh phân phối này phát triển hơn nữa.

Theo bà Nga, với việc giới thiệu và chia sẻ thông tin về các mô hình liên kết bán hàng, đây là cơ hội để DN tìm hiểu và lựa chọn cách thức phù hợp để đưa hàng hóa thâm nhập thị trường.

Về phía DN, một số đơn vị đã chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy bán hàng, ví dụ như Vinamilk thường có sự liên kết với nhà cung cấp khác để tổ chức các đợt bán hàng ở nông thôn kèm theo chương trình văn hóa để thu hút người dân. Tuy nhiên, theo đại diện của Fivimart, hạn chế lớn nhất của hàng Việt vẫn là chất lượng, mẫu mã. Điều này đòi hỏi, bên cạnh các giải pháp xúc tiến thương mại, cái gốc vẫn là chất lượng sản phẩm nội.

Hoàng Duy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thời kỳ khó nhất của ngành nhựa (22/12/2012)

>   Giá điện tăng: Nhiều doanh nghiệp sẽ “chết hẳn”? (22/12/2012)

>   Lãi nghìn tỷ, EVN vẫn buộc phải “cắt” thưởng Tết (21/12/2012)

>   Phó tổng giám đốc EVN: “Vợ tôi cũng chẳng thích tăng giá điện” (21/12/2012)

>   Ngành điều hướng tới kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD (21/12/2012)

>   Nhiều doanh nghiệp thủy sản hụt chỉ tiêu xuất khẩu (21/12/2012)

>   Cần xây dựng cảnh báo sớm kiện chống bán phá giá (21/12/2012)

>   Số DN thành lập mới chỉ bằng 26,4% số giải thể, phá sản (21/12/2012)

>   Hàn Quốc cấp gói tín dụng 1,2 tỷ USD cho Việt Nam (21/12/2012)

>   “Bịt cửa” kinh doanh của DNNVV (21/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật