'Kẻ trốn thuế' mang tên Coca-Cola Việt Nam
Là doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có thị phần lớn nhất nhì Việt Nam, tuy nhiên trong nhiều năm liền công ty Coca - Cola Việt Nam đều khai báo lỗ. Nhiều nghi vấn cho rằng đây chính là chiêu bài “chuyển giá” hòng trốn khoản thuế khổng lồ của công ty này trong nhiều năm qua.
* Dấu hiệu bất thường ở Coca Cola VN
Lợi nhuận từ thị trường đồ uống của Coca-cola Việt Nam rất lớn nhưng công ty luôn báo lỗ
|
Đây quả thật là một "nỗi đau" khi Coca - Cola từng ngày bòn rút đồng tiền từ người tiêu dùng để đổ về công ty mẹ ở nước ngoài mà không để lại một chút lợi nhuận nào cho Việt Nam.
Bên cạnh việc các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý theo pháp luật - người tiêu dùng cũng cần thực hiện biện pháp "trừng phạt" của mình: Tẩy chay tất cả các sản phẩm của Coca-Cola.
Nghịch lý doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ
Theo báo cáo hoạt động kinh doanh của công ty Coca-cola tại cục thuế TP.HCM, trong nhiều năm có mặt tại thị trường Việt Nam công ty liên tục thua lỗ.
Theo đó, năm 2006 công ty này đạt doanh thu 1.026 tỉ đồng nhưng lỗ đến 253 tỉ đồng; năm 2007 lỗ 198 tỷ đồng; năm 2010 doanh thu lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng và năm 2011 mức lỗ là 39 tỷ đồng. Theo số lũy kế đến năm 2011 công ty này đã lỗ tổng cộng 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng.
Như vậy trung bình mỗi năm công ty này lỗ100 tỷ đồng.
Sự việc này cũng đã được cơ quan chức năng mà trực tiếp là Cục thuế TP.HCM đặc biệt chú ý đưa doanh nghiệp này vào danh sách công ty có nghi vấn về dấu hiệu “chuyển giá”. Tuy nhiên dưới hình thức tạo “vỏ bọc” qua việc mua nguyên liệu sản xuất từ công ty mẹ, doanh nghiệp này luôn khai báo với cơ quan thuế giá thành nguyên liệu cao nhằm đẩy giá chi phí sản xuất tăng hòng đưa tình trạng kinh doanh luôn ở mức lỗ.
Đây là lý do khiến cơ quan thuế trong nhiều năm vẫn không thể xác minh tính xác thực của vụ việc.
Ông Lê Duy Minh, Trưởng phòng kiểm tra thuế số 1 Cục Thuế TP.HCM, cho biết: doanh nghiệp này luôn kê khai lỗ ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006-2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80-85% giá vốn.
“Nhiều lần Cục Thuế TP.HCM cũng đã làm việc về vấn đề này tuy nhiên đại diện doanh nghiệp vẫn trả lời một cách “lấp liếm” bằng việc doanh thu không thể bù lại mức trả chi phí mua nguyên liệu. Công ty này cũng giải thích giá nguyên phụ liệu cao do đây là sáng chế lâu đời, bao gồm cả chi phí chất xám” - ông Minh cho biết.
Vì thua lỗ nên mặc dù hơn cả chục năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Coca-cola Việt Nam không phải đóng đồng nào cho nhà nước về thuế thu nhập doanh nghiệp, mà chỉ phải đóng một số khoản thuế giá trị gia tăng, thuế môn bài.
Dấu hiệu “chuyển giá” để trốn thuế ?
Theo Cục Thuế TP.HCM, việc Coca-cola Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài có doanh số tăng nhưng liên tục báo thua lỗ trong nhiều năm thậm chí số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng sản xuất là dấu hiệu bất bình thường.
Điều đáng chú ý là mặc dù báo cáo tài chính của công ty Coca-cola Việt Nam trong nhiều năm đều thuộc diện lỗ nhưng công ty này vẫn liên tục mở rộng sản xuất. Cụ thể là cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Coca-Cola, ông Muhtar Kent đến Việt Nam tuyên bố Coca-Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào công ty ở Việt Nam trong ba năm tới.
Như vậy, phải chăng Coca-cola Việt Nam trong nhiều năm qua đã lợi dụng “chiêu” nhập nguyên liệu độc quyền từ công ty mẹ với giá cao, điều các công ty khác không làm được để nâng chi phí sản xuất nhằm đối phó trong việc nộp khoản tiền thuế khổng lồ.
Đặc biệt, cũng không ngoại trừ việc đằng sau những số liệu báo lỗ của Coca-Cola Việt Nam có thể là khoản lợi nhuận rất lớn hằng năm đã chảy về cho công ty mẹ dưới dạng tiền trả nguyên phụ liệu.
Nếu hoạt động theo phương thức này thì doanh nghiệp không chỉ gây thất thoát nguồn thu thuế trong nước mà còn phá thế cạnh tranh công bằng, thay vào đó là cạnh tranh độc quyền, phá giá, thậm chí thôn tính đối tác kinh doanh...
Như vậy nếu như “nghi án” “chuyển giá” hòng trốn thuế của Coca-cala Việt Nam là sự thật thì với thị phần đồ uống được tiêu thụ lớn như hiện nay. Trải qua hơn 10 năm có mặt tại Việt Nam có thể thấy số thuế mà doanh nghiệp này “tránh” được trong nhiều năm qua sẽ lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Quả thật, nếu nghi án trốn thuế này được làm sáng tỏ thì công sức tạo dựng một thương hiệu toàn cầu của Coca-Cola coi như đã bị bôi một vết bẩn cũng "khổng lồ" như khoản thuế mà chính họ gian lận.
Hàng chục năm kinh doanh ở thị trường Việt Nam mà không mang lại cho đất nước chúng ta một chút lợi nhuận nào, trong khi dòng tiền lại liên tiếp đổ về công ty mẹ ở một nước tư bản. Đây quả thật là một điều bất ngờ và các cơ quan chức năng phải xem xét lại sự hiện diện của Coca-Cola ở Việt Nam.
Người tiêu dùng chúng ta cũng cần thể hiện tiếng nói mạnh mẽ bằng cách tẩy chay các sản phẩm của Coca - Cola.
Đỗ Thùy
petrotimes
|