Hủy niêm yết là thượng sách
Thị giá những DN mới lên sàn giảm mạnh, thanh khoản thấp khiến những Cty định niêm yết ''chùn chân''. Đó mới chỉ là một lý do.
Trốn lên sàn
Gần đây nhất và khá đình đám là việc họ nhà Viglacera chạy trốn khỏi sàn. Thông tin hủy niêm yết mới nhất là từ Cty Viglacera Đông Triều (HNX: DTC) khi trong ĐHCĐ vào 14.12 đã thông qua việc hủy niêm yết 4 triệu CP tự nguyện trên sàn Hà Nội (HNX) để chuyển sang UPCoM. Theo đánh giá của các chuyên gia thì việc làm này của DTC là bước đi có tính thận trọng vì khả năng bị hủy niêm yết khi lên sàn là rất cao do tổng lỗ trong 9 tháng đầu năm nay đã là 55,32 tỉ đồng, cao hơn VĐL. Và Cty cũng dự kiến sẽ lỗ thêm gần 12 tỉ đồng trong quý IV này. Trước đó, ngoài DTC, một Cty khác thuộc họ Viglacera cũng đã xin hủy niêm yết CP tại ĐHCĐ bất thường đó là TLT của CTCP Viglacera Thăng Long (HNX: TLT). Cũng như DTC, TLT lỗ vượt nhiều so với VĐL, tính đến hết tháng 9 lỗ 118 tỉ đồng, trong khi VĐL khoảng 70 tỉ đồng.
Một trong những chức năng chính của TTCK là huy động vốn cho cả nền kinh tế. Trước đây, thị trường tăng trưởng tốt, nhiều DN đã quyết tâm lên sàn để tìm vốn. Năm nay, kênh dẫn vốn này gần như bị tắc khi CP phát hành thêm khó có người mua, vì vậy, nhiều kế hoạch lên sàn đã bị hoãn. Tuy nhiên, nhiều Cty rời sàn lại không vì làm ăn thua lỗ mà việc hủy niêm yết gắn với những câu chuyện hoàn toàn khác. Ngày 12.12, HoSE công bố thông tin CP PSE của CTCP phân bón và hóa chất dầu khí Đông Nam Bộ bị huỷ niêm yết dù chưa giao dịch. Nguyên nhân là Cty này không tiến hành các thủ tục niêm yết tại sở này trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấp thuận niêm yết. PSE là trường hợp thứ 2 trong tuần bị hủy niêm yết do không hoàn tất thủ tục như dự kiến. Vì sao?
Hay như mới đây, chịu áp lực từ các cổ đông lớn, cổ đông CTCP VINAFCO (VFC) niêm yết tại sàn TPHCM cũng đang làm thủ tục hủy niêm yết. Thực tế, VFC làm ăn có lãi liên tục trong các năm qua và cả năm nay. Tuy vậy, các cổ đông lớn là Cty đầu tư Golden Age (nắm 25,25% cổ phần), Cty Mascon (nắm 35,3%), Vietnam Investments Fund I nắm 12,2% cổ phần đã đồng tình với phương án hủy niêm yết vì thanh khoản CP quá kém, việc niêm yết cũng không mang lại lợi ích gì cho cổ đông.
Thị trường đang yếu dần
Có thể thấy, sau vài năm đua nhau lên sàn để CP tăng giá, để ồ ạt phát hành tăng vốn thu tiền về hoặc mở rộng quy mô, để có thanh khoản cao... giờ đây số lượng CP trên sàn tuy chưa thực sự nhiều nhưng cũng đã khá đông đảo (hơn 700 mã niêm yết tập trung). Trong đó, không ít CP lởm, lên sàn theo kiểu chụp giật, tận dụng cơ hội do chính sách tạo ra... Việc chắt lọc, đào thải các CP này là cần thiết. Tuy nhiên, cũng có không ít DN làm ăn tốt, triển vọng tươi sáng cũng đang bỏ sàn. Thậm chí nhiều DN đã đăng ký niêm yết nhưng thấy tình cảnh bi đát trên sàn thì bỏ của chạy lấy người. Đây là hiện tượng cần xem xét kỹ hơn nữa về tính hấp dẫn của TTCK.
Theo đánh giá của UBCKNN dù chỉ số TTCKVN thuộc nhóm tăng cao trên thế giới, nhưng hoạt động chưa thực sự ổn định: Chỉ số VN Index tăng 8,3% nhưng HNX Index giảm 12,2%; mức vốn hóa khoảng 720.000 tỉ đồng, tăng 183.000 tỉ đồng so với cuối năm 2011 và ở mức 28% GDP, nhưng trên sàn HNX có tổng giá trị vốn hóa thấp hơn tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá do có tới 283/391 CP giao dịch dưới mệnh giá. Năm 2012, số lượng tài khoản NĐT đạt khoảng 1,2 triệu tài khoản. Dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thuần đạt 70 triệu USD, giảm 77% so năm 2011 do diễn biến bất lợi của thị trường vốn quốc tế và những khó khăn kinh tế trong nước, nên các quỹ đầu tư phải cơ cấu lại danh mục và đầu tư thận trọng hơn. Chính điều này đã dẫn đến kết quả kinh doanh năm 2012 hầu như không đạt kế hoạch trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực như VLXD, điện tử, thiết bị điện, điện - khí đốt, nước, xây dựng, bất động sản, bán buôn - bán lẻ...Theo số liệu sơ bộ 9 tháng năm 2012 so với cùng kỳ năm trước: Số DN lỗ lũy kế là 143, tăng gấp 1,7 lần; số Cty có lợi nhuận sụt giảm là 438, tăng 12%; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt 8%, thấp hơn nhiều so với lãi vay và giảm mạnh so với mức 12,3% năm 2011.
“CK bị hủy bỏ niêm yết khi tổ chức được chấp thuận niêm yết không tiến hành các thủ tục niêm yết tại Sở GDCK trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấp thuận niêm yết”. Thông báo trên là theo quy định niêm yết của Sở GDCK. Còn, phía DN chỉ chọn phương án im lặng. Không lời giải thích cho sự rút lui. Do sự ảm đạm của TTCK? Sự rớt thảm thị giá CP mới chào sàn hay do lý do khác? Những câu hỏi ngỏ, này có lẽ vẫn sẽ ngỏ bởi lẽ sự giảm sút mạnh của thị trường hiện nay là vấn đề không của riêng ai.
Gia Miêu
lao động
|