Thêm nhiều công ty xin hủy niêm yết
Thời gian gần đây đã có thêm nhiều công ty họp đại hội đồng cổ đông bất thường để xin hủy niêm yết tự nguyện. Việc rời sàn, ngoài lý do thua lỗ còn rất nhiều lý do khác.
Thông tin hủy niêm yết mới nhất là từ Công ty Viglacera Đông Triều (DTC) khi trong đại hội cổ đông vào ngày 14-12 vừa qua DTC đã thông qua việc hủy niêm yết 4 triệu cổ phiếu tự nguyện trên sàn Hà Nội (HNX) để chuyển sang UpCom.
Thời gian chốt danh sách cổ đông để hủy niêm yết cổ phiếu và chuyển đăng ký giao dịch sang upcom dự kiến là quí 1-2013. Việc làm này của DTC là bước đi sớm vì khả năng bị hủy niêm yết là rất cao do tổng lỗ trong 9 tháng đầu năm nay đã là 55,32 tỉ đồng, cao hơn vốn điều lệ. Và công ty cũng dự kiến sẽ lỗ thêm gần 12 tỉ đồng trong quí 4 này.
Ngoài DTC, một công ty khác thuộc họ Viglacera cũng đã xin hủy niêm yết cổ phiếu tại đại hội cổ đông bất thường được tổ chức ngày 13-12. Đó là TLT của Công ty cổ phần Viglacera Thăng Long (HNX). Cũng như DTC, TLT lỗ vượt nhiều so với vốn điều lệ, tính đến hết tháng 9 lỗ 118 tỉ đồng, trong khi vốn điều lệ khoảng 70 tỉ đồng.
Nhưng không phải công ty nào rời sàn cũng vì làm ăn thua lỗ và trước sau gì cũng bị hủy niêm yết, cũng có những công ty, việc hủy niêm yết gắn với những câu chuyện hoàn toàn khác. Như mới đây, Công ty cổ phần Gò Đàng (AGD) chuyên nuôi cá tra đã xin hủy niêm yết tự nguyện.
Theo đại diện của AGD, việc hủy niêm yết là để huy động vốn từ tổ chức nước ngoài. Hiện tại cổ đông nước ngoài là Panga Holdco đã tăng lượng cổ phần nắm giữ lên gần 49%. Như vậy, có thể việc hủy niêm yết là bước đầu, cùng với việc công ty mua lại cổ phần của cổ đông nhỏ, AGD đang nhắm đến việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tăng lượng nắm giữ cổ phiếu vượt quá 49%.
Chịu áp lực từ các cổ đông lớn, cổ đông Công ty cổ phần VINAFCO (VFC) niêm yết tại sàn TPHCM cũng đang làm thủ tục hủy niêm yết. Thực tế, VFC làm ăn có lãi liên tục trong các năm qua và cả năm nay. Tuy vậy, các cổ đông lớn là Công ty đầu tư Golden Age (nắm 25,25% cổ phần), Công ty Mascon (nắm 35,3%), Vietnam Investments Fund I nắm 12,2% cổ phần đã đồng tình với phương án hủy niêm yết vì thanh khoản cổ phiếu quá kém, việc niêm yết cũng không mang lại lợi ích gì cho cổ đông.
Nhìn về trường hợp hủy niêm yết của một số công ty làm ăn có lãi, tổng giám đốc một công ty thủy sản lớn cho rằng điều đó sẽ trở thành chuyện bình thường, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Vị này cho rằng hiện tại với công ty thủy sản, đã có nhiều tổ chức nước ngoài muốn bỏ vốn vào. Và cũng nhiều công ty các cổ đông không muốn công ty tiếp tục niêm yết.
Như với công ty chế biến tôm mà ông đang là chủ tịch hội đồng quản trị, đang niêm yết trên sàn Hà Nội, thì nhà đầu tư nước ngoài trước khi rót vốn cũng yêu cầu công ty hủy niêm yết. Và bản thân một cổ đông chi phối như ông cũng đang ngao ngán với việc phải thực hiện các quy định nhiêu khê của một doanh nghiệp niêm yết, trong khi việc hút vốn từ thị trường chứng khoán hiện không còn thực hiện được. Đồng thời thanh khoản của cổ phiếu cũng không có, trong 7 phiên vừa qua, không có cổ phiếu nào của công ty thủy sản nói trên được giao dịch.
Trò chuyện gần đây với
Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
, tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính, trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng việc hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp có thể là một quyết định cần trong hiện tại, và thực tế, việc huy động vốn không được, trong khi giá cổ phiếu liên tục giảm là nguyên nhân khiến nhiều công ty hủy niêm yết.
Nhưng nếu nhìn xa hơn chưa hẳn đã tốt cho doanh nghiệp, vì thực chất doanh nghiệp khi rời sàn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến tên tuổi, đồng thời nhà đầu tư cũng nghi ngại tính minh bạch của cổ phiếu. Còn về lâu dài, chứng khoán vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả nên việc hủy niêm yết cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tự bỏ qua cơ hội cho mình.
Thanh Thương
TBKTSG Online
|