Giá xăng dầu ở Việt Nam: Chỉ minh bạch tại thời điểm công bố
Nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình kinh doanh xăng dầu và biến động của thị trường trong thời gian qua, chiều 20.12, cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến “Minh bạch hóa thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường”.
Tăng nhanh giảm chậm
Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, giá xăng dầu luôn minh bạch vì Nhà nước đã ban hành cơ chế rõ ràng, mỗi lần điều hành giá, chúng tôi đều họp báo thông tin về cách tính giá, điều hành giá, về các công cụ điều tiết, giải thích cụ thể tại sao; kết quả thanh tra kiểm tra đều được công khai qua báo chí... Chúng ta đã thực hiện quản lý giá xăng dầu theo Nghị định 84 và bám sát 4 điều cơ bản trong nghị định này: Điều 3, 22, 26 và 27, có sự giám sát, kiểm soát giá xăng dầu với các DN. Bộ Tài chính thông báo rõ ràng các chi phí cấu thành giá cụ thể như giá cơ sở...
Theo ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - mỗi lần chúng ta điều chỉnh giá đều có họp báo, công bố các yếu tố cấu thành giá rất minh bạch, nhưng chỉ minh bạch tại thời điểm đó, nhìn cả chu kỳ thì không minh bạch vì tất cả những yếu tố tại thời điểm đó không theo chuẩn mực nào. Theo kết cấu giá năm 2012, giá bình quân của thế giới đối với mặt hàng xăng, chỉ tăng 3% so với 2011, nhưng giá xăng trong nước lại tăng 11%, điều này phải giải thích bằng cách thức khác.
Vấn đề người tiêu dùng bức xúc vì giá xăng, dầu thế giới giảm nhưng ở ta lại không giảm, ông Tuấn cho rằng, cần phải thực hiện theo nguyên tắc bám sát tín hiệu thị trường thế giới. Vì hiện nay giá cơ sở tính theo giá xăng dầu thành phẩm, chứ không phải dựa trên giá dầu thô. Thứ hai là hiện chúng ta tính giá cơ sở trong 30 ngày nên phải tính đủ thời gian để tính giá bán lẻ. Do tính 30 ngày có lẽ hơi dài so với tín hiệu thị trường thế giới, nên cần phải xem xét lại để kiến nghị các cơ quan chức năng. Xem xét NĐ84 cũng cần tính lại chu kỳ tính giá, ngắn hơn 30 ngày để không lỗi thời so với tín hiệu thị trường.
Bất cập về thuế
Theo ông Bùi Ngọc Bảo, giá xăng dầu đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, và đây chính là tâm điểm dư luận bức xúc là tăng không theo thị trường, giảm cũng không theo thị trường. Muốn điều ấy không xảy ra thì phải ổn định giá. Có nghĩa là giá lên bao nhiêu thì giảm thuế, và giá giảm thì tăng thuế để giữ mức giá ổn định. Vấn đề chúng ta đặt mục tiêu thuế là để thu ngân sách hay là công cụ điều tiết giá. Thường giá cao hay thấp thì chúng ta hoàn toàn có thể bình ổn. Vận hành theo thị trường có 3 văn bản QĐ187, NĐ55 và NĐ84 thì đều nói xây dựng mức thuế ổn định. Vậy, cần xác định là bám theo mục tiêu này.
Có những giai đoạn để đảm bảo yếu tố thị trường cần phải điều tiết, thậm chí lỗ, nhưng xăng, dầu không bù lỗ, việc giảm thuế là bù lỗ gián tiếp cho người tiêu dùng, DN thông qua thuế. Năm 2009, Petrolimex nộp thuế nhập khẩu 11.000 tỉ đồng, năm 2011 nộp hơn 1.000 tỉ đồng, có nghĩa năm 2011 Nhà nước bù 9.000 tỉ để ổn định giá và chúng ta vẫn đang bù lỗ. DN yêu cầu vận hành theo thị trường không phải để đảm bảo lợi nhuận, mà cần vận hành thống nhất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Theo ông Bảo, Chính phủ cho phép áp thuế kinh doanh xăng dầu từ 0-40% nhưng khi gia nhập WTO là không phù hợp và WTO cũng không đồng tình các nước ấn định thuế nhập khẩu bằng con số tuyệt đối. Hầu hết các nước ban hành biểu thuế bằng tỉ lệ phần trăm nhưng ấn định từng năm thông qua giá xăng dầu định hướng. Quan điểm của Petrolimex muốn giá vận hành theo cơ chế thị trường. Đây là tâm điểm bấy lâu dư luận bức xúc: Tăng không theo thị trường, giảm không theo thị trường.
“Muốn cái đó hạn chế thì chúng ta ổn định đầu vào. Chúng ta đặt ra mục tiêu ổn định giá thì khi giá thế giới lên chúng ta điều chỉnh thuế ổn định giá trong nước” - ông Bảo nhấn mạnh.
Đặng Tiến
lao động
|