Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhờ nhu cầu từ Trung Quốc
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần qua tăng nhẹ nhờ nhu cầu mua của khách hàng Trung Quốc.
Tính từ đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt 7,495 triệu tấn, trị giá FOB 3,345 tỷ USD, trị giá CIF 3,440 tỷ USD
|
Tuy nhiên, các thương nhân trao đổi với hãng tin Reuters cho biết, giá gạo hoàn toàn có khả năng giảm trở lại trong bối cảnh nhu cầu của thị trường thế giới ở mức thấp mà nguồn cung lại gia tăng.
Số liệu của hãng tin này cho thấy, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm, FOB cảng Sài Gòn, của Việt Nam tuần qua ở mức 410-420 USD/tấn, so với mức 405-410 USD/tấn trong tuần trước đó. Giá gạo 25% tấm nhích lên mức 372-390 USD/tấn, từ mức 375-380 USD/tấn.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng vừa công bố hướng dẫn giá tối thiểu đối với gạo xuất khẩu, có hiệu lực từ ngày 27/12. Theo đó, giá tối thiểu cho gạo 35% tấm là 370 USD/tấn, FOB. Chênh lệch giá giữa các loại gạo do các thương nhân tính toán và quyết định.
Trong hướng dẫn giá tối thiểu đối với xuất khẩu gạo trước đó đưa ra vào ngày 9/10, VFA chỉ đưa ra mức giá tối thiểu cho các loại gạo 5%, 10%, 15% và 25% tấm.
“Trung Quốc đang mua gạo, và gạo được chuyển ra phía Bắc”, một thương nhân ở Tp.HCM nói với Reuters. Trung Quốc là khách hàng nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam từ đầu năm tới nay, với tổng mức nhập 1,92 triệu tấn trong 11 tháng, so với mức nhập 300.000 tấn cùng kỳ năm 2011 - theo số liệu từ Tổng cục Hải quan.
Việt Nam sẽ thu hoạch vụ lúa Đông-Xuân vào tháng 2. Thái Lan dự kiến cũng sẽ bắt đầu thu hoạch vụ lúa lớn thứ hai trong năm vào cuối tháng 2, với sản lượng thóc vào khoảng 7 triệu tấn. Các kho tạm trữ lúa gạo lớn tại Thái Lan và Ấn Độ cũng đang gây áp lực giảm giá gạo trên thị trường thế giới.
Ước tính, Thái Lan hiện đang tạm trữ khối lượng 14 triệu tấn quy gạo, trong khi Ấn Độ đang có 30,6 triệu tấn gạo trong các nhà kho của Chính phủ, so với mức mục tiêu chỉ là 5,2 triệu tấn.
“Các kho chứa gạo lớn và nguồn cung tăng vẫn đang gây sức ép giảm giá gạo khi mà nhu cầu ở mức thấp và các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Việt Nam giảm giá bán gạo”, một thương nhân ở Bangkok nói.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ tuần qua ở mức 420-425 USD/tấn. Gạo cùng loại của Pakistan có giá 410-415 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo của Thái Lan đứng ở mức cao ngất ngưởng 570 USD/tấn, tăng so với mức 550 USD/tấn trong tuần trước đó, do chương trình can thiệp của Chính phủ nước này.
Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo nước này chỉ xuất khẩu được 6,5-6,8 tấn gạo trong năm nay là cùng. Mức xuất khẩu này sẽ khiến Thái Lan mất ngôi số 1 thế giới về xuất khẩu gạo lần đầu tiên kể từ năm 1983.
Trong khi đó, Ấn Độ có thể trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong năm nay, với mức xuất khẩu từ đầu năm đã đạt 10,5 triệu tấn. Vị trí số 2 có khả năng sẽ thuộc về Việt Nam.
Theo số liệu mới nhất của VFA, trong 20 ngày đầu tháng 12 này, cả nước xuất khẩu được 398.113 tấn gạo, trị giá FOB 182,896 triệu USD, trị giá CIF 193,265 triệu USD. Tính từ đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt 7,495 triệu tấn, trị giá FOB 3,345 tỷ USD, trị giá CIF 3,440 tỷ USD.
Tuần qua, giá lúa gạo tại ĐBSCL đồng loạt tăng 100-150 đồng/kg sau vài tuần liên tục giảm.
Trong đó, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.300 - 5.400 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.500 - 5.600 đồng/kg.
Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.200 - 7.300 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.000 - 7.100 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.150 - 8.250 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.800 - 7.900 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.500 - 7.600 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
An Huy
tbktvn
|