Giá đất không còn thay… chóng mặt!
Ngày 27.12 tại TPHCM, Bộ Tài nguyên- Môi trường (TNMT) đã giới thiệu dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (đã trình Quốc hội) và lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo này. So với các dự thảo đưa ra lấy ý kiến trước đây, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (LĐĐ) lần này đã có một số thay đổi mang tính đột phá, đặc biệt là đối với vấn đề bồi thường, giải tỏa thu hồi đất, tái định cư, giá đất…
Chấm dứt tình trạng tùy tiện thu hồi đất
Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Mạnh Hiển đặc biệt nhấn mạnh những điểm mới trong dự thảo sửa đổi LĐĐ. Theo đó, dự thảo sửa đổi LĐĐ có một chương mới quy định quyền của Nhà nước và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai. Chương này quy định rõ quyền của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai và trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai. Riêng về quyền Nhà nước, dự thảo có bổ sung thêm quyền được ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mua tài sản gắn liền với đất.
Riêng đối với vấn đề gây bức xúc lâu nay là tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất- theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển- sẽ được khắc phục trong dự thảo lần này. Theo đó, nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện thu hồi đất, dự thảo đã quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất. Ngoài ra, còn bổ sung quy định chặt chẽ hơn việc chấp thuận cho phép chậm tiến độ sử dụng đất của các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Ngược lại, đối với các chủ đầu tư chậm sử dụng đất, dự thảo sửa đổi LĐĐ có những chế tài mạnh mẽ để xử lý đối với trường hợp vi phạm.
Một điểm khác vốn đã được đề nghị rất nhiều là tạo quỹ đất sạch vừa phục vụ nhu cầu đầu tư, vừa hạn chế được tình trạng chênh lệch địa tô rơi vào túi những nhà đầu cơ. Trong dự thảo sửa đổi LĐĐ có quy định Nhà nước chủ động thu hồi đất để tạo quỹ “đất sạch”, sau đó Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Giá đất sẽ không còn thay đổi xoành xoạch
2 nhóm vấn đề được quan tâm nhiều nhất trong các lần lấy ý kiến đóng góp sửa đổi LĐĐ đó là bồi thường giải tỏa, tái định cư và giá đất. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, 2 nhóm vấn đề trên cũng là nguyên nhân của hơn 70% các vụ khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai. Chính vì tính chất quan trọng của 2 vấn đề lớn này cho nên trong dự thảo cũng dành sự quan tâm đặc biệt.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, vấn đề được quan tâm nhất là vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Vì vậy, dự thảo sửa đổi LĐĐ lần này đã quy định rõ từng trường hợp được bồi thường đất, trường hợp nào được bồi thường chi phí đầu tư về đất, tài sản trên đất.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, Ban soạn thảo dự thảo sửa đổi LĐĐ đã bổ sung những nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Trong đó, quy định cụ thể về hình thức bồi thường, giá đất để tính bồi thường, việc hỗ trợ nhằm tổ chức lại sản xuất và bảo đảm đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất. Dự thảo cũng quy định cụ thể điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, việc bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đối với từng loại đất cụ thể và cũng đã bổ sung quy định về cưỡng chế thu hồi đất. Riêng đối với nhóm vấn đề tái định cư, đã có một sự thay đổi sâu sắc.
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh: “Lần này, dự thảo cũng quy định rõ tiêu chuẩn về nhà ở tái định cư. Theo đó, các dự án tái định cư phải được xây dựng theo tiêu chuẩn với định hướng tập trung chứ không xây dựng các khu tái định cư riêng lẻ như hiện nay”.
Về giá đất, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, hiện Bộ Tài nguyên - Môi trường đã trình Quốc hội 2 phương án quy định giá đất do Nhà nước quy định.
Phương án 1 là Chính phủ quy định khung giá đất, khu vực thuộc khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Khung giá đất được điều chỉnh khi thị trường biến động. UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất địa phương và thực hiện điều chỉnh bảng giá đất khi thị trường có biến động. Bỏ quy định ban hành và công bố bảng giá đất vào ngày 1.1 hằng năm. Giá đất trong bảng giá đất được áp dụng cho tất cả các mục đích.
Phương án 2 là khung giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm/lần và được công bố vào ngày 1.1 của năm đầu kỳ để áp dụng cho 5 trường hợp: Tính các khoản thuế, phí và lệ phí, tính tiền xử phạt hành chính và tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai. UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể (không được thấp hơn giá trong bảng giá đất) để áp dụng cho các trường hợp còn lại.
Ngọc Huân
lao động
|