Thứ Tư, 05/12/2012 15:15

Đòi nợ phải biết cách

Vừa đặt điện thoại xuống, chị Lê Thị H., kế toán trưởng Công ty S. hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, cho biết chị vừa nhắc nhở khách hàng thanh toán tiền dịch vụ. Tình hình làm ăn năm nay khó khăn hơn năm trước, nên nhiều khách hàng chậm trả tiền, thậm chí có trường hợp không trả nợ.

Lượng nợ cần phải thu hồi trong 10 tháng năm nay tăng đến 36% so với lượng nợ thu hồi của cả năm 2011.

Gọi điện thoại, gửi công văn, thuyết phục, năn nỉ, nhưng tất cả đều không ăn thua. Trường hợp không đòi được nợ, chị cho biết “chỉ còn cách kiện ra tòa”.

Không chỉ Công ty S., nhiều doanh nghiệp khác cũng đang đau đầu vì công nợ. Thậm chí, ngay cả một công ty chuyên đi thu hồi nợ cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Đỗ Vũ Huy, Giám đốc bộ phận nợ thương mại của Công ty Thu hồi nợ Xương Rồng, cho biết hiện nay, có nhiều doanh nghiệp tìm đến công ty ông nhờ thu hồi nợ, nhưng xác suất thu được nợ lại thấp hơn so với năm ngoái. Số nợ cũng được chấp nhận kéo dãn ra, trả nhiều lần và ít hơn.

Ông Huy dẫn chứng về vay tiêu dùng. Theo đó, lượng nợ cần phải thu hồi 10 tháng năm nay tăng gần 36% so với lượng nợ thu hồi cả năm 2011, nhưng tỉ lệ thu hồi được nợ tương ứng chỉ là 1,74% và 2,66%.

Nắm thằng có tóc

Theo ông Huy, nếu trước đây, công ty ông chủ yếu thu hồi các khoản nợ bị chiếm dụng do con nợ không muốn trả thì nay chủ yếu là do khả năng thanh toán của con nợ kém.

Ông Dương Hải, Phó Giám đốc Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính, cho biết nhiều doanh nghiệp có thiện chí muốn trả nợ nhưng cũng đành chịu vì không có khả năng thanh toán. “Nguyên nhân chính là nợ dây chuyền”, ông nói.

Nếu xem báo cáo tài chính của các doanh nghiệp gần đây, có thể thấy một xu hướng đang tăng lên ở một số khoản mục: tiền bán chịu nằm ở khoản phải thu, tiền nợ đọng nằm ở khoản phải trả, kèm theo đó là lượng hàng tồn kho không giải phóng được.

Vì vậy, việc xác định rõ tình trạng con nợ rất quan trọng. Những thông tin cần biết bao gồm tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, dòng tiền ra vào, tài sản và các dự án đang triển khai của con nợ. Nắm được các thông tin này đồng nghĩa với việc xác định rõ ai là người có tóc, ai là người trọc đầu. Trong tình huống xấu nhất - con nợ không còn gì để trả, chủ nợ cũng đành phải chịu ngậm đắng nuốt cay.

Vừa đánh vừa xoa

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn đang tích cực đòi nợ. Có doanh nghiệp thành lập hẳn một ban đòi nợ, có chính sách khuyến khích nhân viên đòi nợ như thưởng phần trăm trên số nợ đòi được. Các nghiệp vụ đòi nợ đều được nhân viên sử dụng thành thục như gửi email, gọi điện thoại, đến tận nơi nhắc nhở, răn đe, năn nỉ và cả những chiêu đánh vào lòng tự trọng. Nhưng dù vậy cũng khó có thể đòi được nợ một khi con nợ không còn tiền.

Có một phương pháp ông Hải, Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính, đánh giá là khá thành công. Đó là chủ nợ và con nợ thỏa thuận với nhau về việc trả nợ. Có doanh nghiệp chấp nhận giãn nợ, thậm chí giảm số nợ xuống vì “thà được một ít, còn hơn là không có gì”.

Cũng có trường hợp doanh nghiệp dùng hàng hóa để cấn nợ. Công ty chuyên sản xuất sơn AkzoNobel, chẳng hạn, chấp nhận thu hồi sơn đã bán cho đại lý thay cho tiền phải thu của các đại lý nợ, sau khi đã tính chiết khấu.

Ông Lê Hữu Trí, Trưởng Văn phòng Luật sư Trí & Cộng sự, kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Thu hồi nợ Xương Rồng, cho biết hiện nay, chủ nợ phải chấp nhận thu hồi hàng hóa thay vì tiền mặt.

Vì vậy, công ty ông cũng có sự thay đổi trong cách thu hồi nợ. Những năm trước, Công ty “chủ yếu là đánh vì cứ đánh là ra tiền”, nhưng năm nay lại dùng thêm chiêu “xoa”, nghĩa là ngồi xuống trao đổi để biết khách hàng đang kẹt ở đâu để cùng giải quyết. Ông cho biết, có trường hợp khách hàng A nhờ thu tiền khách hàng B. Nhưng khách hàng B lại bị khách hàng C quỵt nợ. Cuối cùng, khách hàng B cũng nhờ công ty ông thu hồi nợ ở khách hàng C để có tiền trả cho khách hàng A.

Nhờ sự trợ giúp của một công ty thu hồi nợ thuê có lẽ là phương án cuối cùng mà doanh nghiệp nghĩ đến. Một phần vì nghi ngại về hoạt động của các công ty thu hồi nợ. Hơn nữa, không phải doanh nghiệp nào cũng thành công khi đến với các công ty thu hồi nợ thuê. Ông Hải cho biết, nhiều doanh nghiệp đã phản ánh về sự không hài lòng sau khi làm việc với những người đòi nợ thuê. Nhưng đó là điều bình thường.

“Nguyên tắc hoạt động của việc đòi nợ giống như đánh giặc. Đầu tiên phải trinh sát tốt, nắm chắc thông tin, rồi mới triển khai lực lượng thực hiện. Chỉ khi việc triển khai không hiệu quả thì mới nhờ đến pháp luật”, ông Trí kết luận.

Thiên Long

nhịp cầu đầu tư

`
Các tin tức khác

>   Khởi tố vụ án Phó TGĐ SeABank: Lạm quyền gây thiệt hại trên 310 tỉ đồng (05/12/2012)

>   MBB: Công bố bản cáo bạch phát hành thêm 62.5 triệu cổ phiếu (05/12/2012)

>   Ngân hàng “vô cảm” với nhiều doanh nghiệp (05/12/2012)

>   Giảm lãi suất 1% chưa đủ cứu doanh nghiệp (05/12/2012)

>   Sử dụng ủy nhiệm chi giả, chiếm đoạt gần 400 triệu đồng của BIDV (04/12/2012)

>   Lãi suất huy động trên 12 tháng giảm 0.5%/năm (04/12/2012)

>   Cho thuê tài chính Quốc tế Việt Nam được tăng vốn lên 350 tỷ đồng (04/12/2012)

>   Hàng loạt ngân hàng vi phạm quy định giữ vàng (04/12/2012)

>   Ngân hàng ngại giảm lãi suất (04/12/2012)

>   Áp trần lãi suất cho vay: lợi bất cập hại (04/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật