Doanh nghiệp thương mại có thể không được xuất khẩu cá tra
Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang lo thời gian tới sẽ không còn được xuất khẩu nữa, một khi nghị định sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra được dự kiến sẽ ban hành vào quí 1-2013.
Để làm rõ hơn, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trao đổi xung quanh vấn đề này.
Ông Trương Đình Hòe
|
Lý do vì sao Vasep muốn có một nghị định về kinh doanh xuất khẩu cá tra, đặt ngành này thành ngành kinh doanh có điều kiện?
Ông Trương Đình Hòe: Trong hơn mười năm qua, dù vô tình hay cố ý thì các doanh nghiệp Việt Nam lẫn các nhà nhập khẩu cá tra đã tạo cho người tiêu dùng một tâm lý cá tra là sản phẩm giá rẻ, mà giá rẻ thường đi liền với chất lượng thấp.
Chất lượng thấp ở đây là do các nhà nhập khẩu và doanh nghiệp thương mại thống nhất với nhau trước khi đặt hàng các nhà máy chế biến làm theo. Kết quả, cứ sau một thời gian lại rộ lên thông tin nước này rồi đến nước khác ngưng nhập cá tra của Việt Nam vì phát hiện ra hiện tượng gian lận thương mại. Ở đây là các tiêu chuẩn ghi tên bao bì thường không đúng khi đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra sản phẩm ở trong.
Có thông tin cho rằng nhiều doanh nghiệp chào bán với giá thấp hơn giá mà Vasep đưa ra (giá sàn), nên để tránh hiện tượng tranh mua tranh bán thì cần có một nghị định để hạn chế tình trạng này?
Hiện cá tra Việt Nam chiếm hơn 95% thị phần của thế giới, có thể nói là một mình một chợ, nhưng không có nghĩa là chúng ta có thể kiểm soát được giá bán ra. Việc các nhà nhập khẩu hôm nay là người mua cá tra của Việt Nam nhưng ngày mai họ lại là người bán, nên cần phải hiểu rằng giá cá tra trên thị trường là do người tiêu dùng quyết định chứ không do nhà nhập khẩu hay xuất khẩu quyết được. Do đó, một khi nghị định được ban hành thì không đồng nghĩa với việc giá cá tra của Việt Nam sẽ tăng lên.
Vậy, nghị định là nhằm mục đích loại các công ty thương mại ra khỏi cuộc chơi?
Để tránh những phản ứng của doanh nghiệp là Vasep đang đứng về những doanh nghiệp lớn, vì một nhóm lợi ích, nên trong kiến nghị của Vasep không đặt ra điều kiện về công suất chế biến cá tra để tìm cách loại bỏ những doanh ngiệp nhỏ, thay vào đó những doanh nghiệp nào có cơ sở chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ được xuất khẩu.
Lâu nay, nhiều nhà máy phải làm gia công theo đơn đặt hàng của các công ty thương mại và nếu nghị định được thông qua thì vai trò của hai bên sẽ đảo ngược. Ngay sau nghị định ra đời, phía Việt Nam sẽ gửi một danh sách những doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu cá tra cho 135 quốc gia, vùng lãnh thổ đang nhập khẩu cá tra của Việt Nam hiện nay.
Điều này đồng nghĩa là những công ty thương mại đang xuất khẩu cá tra hiện nay sẽ không còn được xuất khẩu nữa. Vì thế, việc để các doanh nghiệp có nhà máy, cơ sở chế biến đứng ra xuất khẩu sẽ giải quyết được bài toán gian lận thương mại.
Mục đích cuối cùng của Vasep là để mỗi ký cá tra đến tay người tiêu dùng đều có cùng một chất lượng như nhau. Còn giá bán có thể khác nhau là do quy cách chế biến chứ không phải do chất lượng.
Xin cảm ơn ông!
Trong vai trò doanh nghiệp, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hùng Vương cho rằng, sản xuất thủy sản (cá tra) và xuất khẩu phải có điều kiện. Những doanh nghiệp đơn thuần làm thương mại chỉ chào bán lung tung như tình trạng hiện nay, giá cá tra đua nhau trong vòng xoáy rớt giá, mặc dù các thị trường nhập khẩu không có nhiều biến động.
Bên cạnh điều kiện về cơ sở vật chất, còn điều kiện về chất lượng. Phải đưa con cá tra về đúng giá trị của nó. Đối với thị trường Mỹ, cần phải có biện pháp không cho sử dụng hóa chất tăng trọng. Nếu không quản lý được chất lượng và triệt tiêu cách các doanh nghiệp đang làm ăn gian dối, đưa mạ băng trong phi lê cá lên cao, thì sẽ rất nguy hiểm.
Thái Hằng
|
Ngọc Hùng
tbktsg
|