Thứ Tư, 26/12/2012 19:43

Nhiều DN như “gà công nghiệp”

Theo TS. Trần Đình Thiên, nhiều DN đã được “nuôi” bởi đồng tiền dễ dãi, khi chính sách thắt chặt thì cái chết là điều khó tránh khỏi. “Môi trường phải cạnh tranh thì DN mới mạnh được, chứ cứ rắc tiền là làm hỏng cả phát triển”.

Ông giám đốc của một DN sản xuất đồ gỗ xuất khẩu doanh thu nghìn tỷ đồng mỗi năm ở Bình Dương vừa phải đưa ra quyết định khó khăn, khi cho sa thải hơn một trăm công nhân thuộc phân xưởng sản xuất nội thất. “Chúng tôi không còn đủ tiền để đáp ứng các hợp đồng mới”, ông cho biết.

Lên sàn chứng khoán từ cuối năm 2007, DN này nhanh chóng nhảy sang lĩnh vực bất động sản như một cách thức để “đánh bóng” cổ phiếu. Tuy nhiên, kinh nghiệm hạn chế lại gặp giai đoạn chính sách kinh tế thắt chặt ngay sau đó, DN của ông giám đốc nói trên đã phải “co về phòng thủ” trên lĩnh vực chính của mình, dù lúc này sản xuất bị bỏ bễ đã lâu.

“Nền kinh tế Việt Nam như thể có người rắc tiền và DN như những con gà công nghiệp nhặt thóc mà lớn lên”, TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói vậy về các trường hợp như DN nọ, khi cửa cạnh tranh hé mở thì “chết như rạ”.

Quan điểm của ông Thiên được chứng minh bằng nhiều số liệu thực tế. Theo ông Vũ Tuấn Anh (Viện Kinh tế Việt Nam), mô hình tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao nhờ chủ yếu vào vốn đầu tư đã được bắt đầu kể từ đầu những năm 2000 cho đến hiện nay. Tỷ trọng đầu tư toàn xã hội so với GDP trong giai đoạn 5 năm 1995 - 2000 duy trì ở mức 27-29%, nhưng bắt đầu tăng mạnh trong 5 năm sau đó, đạt 35,6% vào năm 2005. Con số kỷ lục được ghi nhận vào năm 2007, với tỷ trọng đầu tư so với GDP nhảy vọt lên 43,1% và duy trì ở mức xấp xỉ 40% trong các năm sau đó. Ngoại trừ phần đầu tư từ ngân sách, đầu tư của DN phụ thuộc khá nhiều vào tín dụng. Vì vậy, với xu hướng mở rộng đầu tư này, tín dụng cũng tăng nhanh chóng.

Theo ông Lương Minh Huân (Viện Phát triển DN), tài sản bình quân của DN Việt Nam đã tăng gần 2 lần trong giai đoạn 2002 - 2010, từ 23 tỷ đồng lên 44 tỷ đồng. Việc tăng quy mô vốn diễn ra ở cả ba loại hình DN, trong đó mạnh nhất là ở khu vực DNNN, do sự tập trung thành các tập đoàn, tổng công ty. Cụ thể, quy mô tài sản bình quân của các DNNN đã tăng khoảng 8 lần, từ 167 tỷ đồng năm 2002 lên 1334 tỷ đồng năm 2010...

Tuy nhiên, quá trình tăng tài sản của DN rất ít tác động đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Theo một tính toán của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2005 - 2010 nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn (khoảng 65%), trong khi đóng góp của lao động vào tăng trưởng là dưới 20% và đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp TFP chỉ khoảng 15-16%. “Cấu trúc tăng trưởng của Việt Nam là dựa vào vốn, nền kinh tế như thế thì DN cứ hút tiền về là có lợi nhuận, không cần làm”, ông Thiên nhìn nhận. Nhưng, câu chuyện đang dần thay đổi, với tăng trưởng chuyển thành mục tiêu “thứ yếu”, sau kiềm chế lạm phát.

Chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ tăng trưởng nhanh bắt đầu được kiểm soát thận trọng trong khoảng 2 năm trở lại đây. Theo chiều hướng đó, nền kinh tế cũng giảm mức độ tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, sản xuất bộc lộ nhiều khó khăn. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính sẽ có khoảng 55 nghìn DN giải thể, ngừng hoạt động trong năm nay. “Hiện nay, DN đóng góp khoảng hơn 50% GDP. Như vậy, vai trò của DN đối với tăng trưởng kinh tế là rất lớn”, ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết như vậy.

Một số cuộc điều tra gần đây cho biết, có khoảng 70% DN đang kinh doanh thua lỗ. Không rõ mức độ trên thực tế có phù hợp với kết quả thống kê chọn mẫu kể trên, nhưng mức độ thực sự đáng báo động.

Năm 2012, tăng trưởng GDP vẫn đạt 5,03%. Theo Tổng cục Thống kê, kết quả trên chủ yếu dựa trên tăng trưởng cao của các hoạt động sử dụng ngân sách Nhà nước, liên quan đến quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng và sự nghiệp công. Nguyên nhân là do từ ngày 1/5/2012, lương cơ bản tăng 26%, phụ cấp công vụ tăng 10%. Các điều chỉnh ngân sách đó làm giá trị gia tăng của hoạt động quản lý Nhà nước tăng 7,34%; giáo dục và đào tạo tăng 7,36%; y tế tăng 7,37%; khoa học, công nghệ tăng 7,18%...

Kết quả là GDP lĩnh vực dịch vụ tăng 6,35% và đóng góp vào GDP chung đến 53%, tương đương với 2,67 điểm phần trăm tăng trưởng. Điều này cũng hàm ý rằng, tăng trưởng GDP năm nay có phần do điều chỉnh chính sách, không phải xuất phát từ nội lực của nền kinh tế và khả năng cạnh tranh của DN.

Đáng lưu ý là trong khi DN trong nước gặp khó khăn nhưng khoảng 10 nghìn DN FDI dường như không chịu những khó khăn này và sản xuất của họ vẫn được mở rộng khá mạnh. “Về mặt ngắn hạn có thể chấp nhận được, nhưng dài hạn đây không phải tín hiệu đáng mừng”, ông Tuyến bình luận. Nhiều chuyên gia trong thời gian gần đây đã cảnh báo rằng, nếu không có biện pháp cụ thể để vực dậy các DN trong nước kể cả các DNNN thì có khả năng nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng khi thiếu vắng DN FDI. “Điều gì sẽ xảy ra nếu các DN FDI rút đi sau khi đã sử dụng cạn kiệt tài nguyên, đất đai, sức lao động và nhiên liệu giá rẻ?”, ông Tuyến đặt câu hỏi.

Anh Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Thị trường bột giặt: Tập đoàn đa quốc gia bóp nghẹt cuộc đua (26/12/2012)

>   Samsung định đầu tư 2,2 tỷ USD vào Việt Nam (26/12/2012)

>   Bức tranh FDI 2012: Giảm, thắt chặt..., vẫn có bùng nổ (26/12/2012)

>   Lại đại gia thủy sản ‘vỡ nợ’ trăm tỷ đồng (26/12/2012)

>   Lỗ hổng pháp lý trong chuyển giá (26/12/2012)

>   Quyết liệt gỡ 2 nút thắt: Hàng tồn kho - nợ xấu (26/12/2012)

>   Nghịch lý du lịch thời ế ẩm (26/12/2012)

>   Cần 301 tỷ đồng phát triển thủy sản trong năm 2013 (25/12/2012)

>   VN khánh thành nhà máy phân bón lớn ở Campuchia (25/12/2012)

>   Năm bết bát của ngành dệt may (25/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật