Doanh nghiệp niêm yết không kỳ vọng nhiều trong năm 2013
Không dễ đưa ra kế hoạch kinh doanh và cũng không dám đặt nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng năm 2013 là tâm trạng chung của nhiều doanh nghiệp niêm yết.
Ngành cao su có lợi nhuận tốt trong năm nay. Ảnh: Công nhân cạo mủ tại Công ty cao su Phước Hòa.
|
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Thủy sản Số 1 (SJ1), ông Trần Văn Hậu cho biết trong năm nay dự kiến lợi nhuận sau thuế của SJ1 vào khoảng 12,5 tỉ đồng, cao hơn so với năm trước khoảng 1 tỉ đồng, nhưng chỉ bằng 80% kế hoạch năm nay. Theo ông Hậu, trong năm 2012, doanh số xuất khẩu của công ty tăng cao nhưng do tiêu thụ khó, chi phí tăng nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh không đạt kế hoạch.
Nhìn tới năm 2013, ông Hậu cho rằng khi tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn thì đầu ra của thủy sản cũng chưa cải thiện. Trong khi SJ1 chủ yếu là xuất khẩu thì chắc chắn lợi nhuận có thể sẽ giảm. Điều ông Hậu kỳ vọng nhất chính là những nỗ lực của chính phủ trong hiện tại nhằm giảm lãi suất, giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu… có thể sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá thành sản phẩm và lợi nhuận có thể tăng nhẹ trong năm sau.
Cũng chưa có cái nhìn tích cực vào 2013, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), cho biết kế hoạch lợi nhuận 600 tỉ đồng năm nay có thể đạt được, nhưng nói về chuyện dự báo năm sau thì khó. Ngày 14-12, REE họp hội đồng quản trị để đưa ra kế hoạch cho năm sau và bà Thanh nói khả năng sẽ đặt mục tiêu lợi nhuận bằng năm 2012 hoặc chỉ tăng thêm 5-10% nữa.
“Doanh nghiệp nhiều ngành khó khăn có thể ảnh hưởng đến tình hình cho thuê văn phòng của công ty, trong khi một số lĩnh vực REE đang đầu tư cũng chưa sớm mang lại lợi nhuận. Vì vậy, chúng tôi sẽ cân nhắc rất kỹ trước khi đặt chỉ tiêu cho năm sau”, bà Thanh nói. Chiến lược của REE sẽ tiếp tục theo đuổi là đầu tư vào ngành năng lượng như điện, than và sẽ dừng hẳn hoạt động đầu tư tài chính.
Trong khi đó, theo ông Đinh Quang Hoàn, Giám đốc Tài chính doanh nghiệp, Công ty chứng khoán Bản Việt, kết quả kinh doanh của năm 2012 của các doanh nghiệp trong rất nhiều ngành khác dự báo sẽ không mấy khả quan. Cụ thể như bất động sản, xây dựng, ngân hàng, vật liệu cơ bản, thủy sản... Và năm sau với tình hình kinh tế sẽ còn nhiều vấn đề cần giải quyết như nợ xấu, tới thời điểm này vẫn chưa có thông tin cụ thể về phương án xử lý, việc tồn kho hàng hóa của doanh nghiệp cũng chưa giải quyết xong, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa có dấu hiệu khởi sắc thì doanh nghiệp Việt Nam chưa thể kỳ vọng nhiều.
Theo ông Hoàn, bản thân bộ phận phân tích của các công ty chứng khoán cũng chần chừ khi đưa ra dự báo tình hình kinh doanh 2013 của doanh nghiệp, do chưa lường hết được những thay đổi của thị trường và quyết sách của chính phủ.
Nhưng ông Hoàn cũng cho rằng trong năm 2012, một số ngành có tăng trưởng tốt về lợi nhuận, trong đó có những doanh nghiệp lớn trên sàn như Vinamilk (VNM), PV GAS (GAS), Tập đoàn Ma San (MSN)... do đây là những doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, ít chịu ảnh hưởng của tình hình chung.
Những doanh nghiệp ngành dược phẩm, y tế như Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC) …đều hoàn thành kế hoạch năm. Còn với nhóm ngành cao su, do được lợi về giá tăng nên lợi nhuận của nhiều công ty trong năm nay rất lớn và đã hoàn thành kế hoạch năm như Cao su Miền Nam (CSM), Cao su Đà Nẵng (DRC), Cao su Tây Ninh (TRC), Cao su Phước Hòa (PHR)… Những doanh nghiệp này vẫn có khả năng tăng trưởng lợi nhuận trong năm sau.
“Nếu nhìn tổng thể về bức tranh lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trong năm nay, có thể thấy được những điểm sáng, nhưng chỉ lốm đốm, còn lại thì khó khăn vẫn đang bao trùm lên hoạt động của họ và chưa thể khẳng định điều gì tươi sáng hơn cho năm sau”, ông Hoàn nói thêm.
Thanh Thương
tbktsg
|