DN vẫn đắn đo vay vốn ngân hàng
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện các ngân hàng hoàn toàn chủ động được nguồn vốn đáp ứng cho các DN, đặc biệt không phải chịu áp lực thanh khoản về vàng đã tạo điều kiện cho ngân hàng tập trung vốn cho các DN sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh nói về giải ngân vốn cuối năm.
Hiện nay nhiều ngân hàng vẫn có những chương trình hỗ trợ vốn, nhưng việc giải ngân rất khó khăn. NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh có chỉ đạo gì để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, thưa ông?
Thời gian qua, NHNN thành phố đã nhận được rất nhiều đơn đăng ký vay vốn của doanh nghiệp (DN) thông qua các phòng kinh tế quận, huyện trên địa bàn. Chúng tôi đã chỉ đạo các TCTD phải lưu ý và theo dõi sát để có thể hỗ trợ các DN này. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân còn tùy thuộc vào từng thời điểm, từng ngân hàng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh
|
Hiện nay các DN vẫn còn rất đắn đo và cân nhắc khi sử dụng đồng vốn vay ngân hàng. Do về phía DN đang gặp khó về hàng tồn kho, điều kiện sản xuất và tài sản thế chấp. Hiện các ngân hàng hoàn toàn chủ động được nguồn vốn đáp ứng cho các DN, đặc biệt không phải chịu áp lực thanh khoản về vàng đã tạo điều kiện cho ngân hàng tập trung vốn cho các DN sản xuất, kinh doanh cuối năm.
Trong số 200.000 tỷ đồng các ngân hàng cam kết hỗ trợ cho các DN trên địa bàn thành phố thời gian qua, đến nay đã giải ngân được hơn 77.000 tỷ đồng. Điều này giúp cho việc tăng trưởng tín dụng của thành phố ước đến hết tháng 11/2012 đạt khoảng 4%.
Dự kiến từ nay đến hết tháng 12/2012 nếu tiến độ triển khai cho vay vốn của các ngân hàng ra nền kinh tế đúng như kế hoạch thì khả năng tăng trưởng tín dụng trên địa bàn cả năm nay khoảng 5,4%.
Đây là năm tín dụng tăng thấp nhất so với những năm trước, nhưng cũng là một nỗ lực rất lớn của các TCTD trên địa bàn, do những tháng đầu năm tín dụng của một số ngân hàng sụt giảm.
Theo dự báo của Chính phủ, lạm phát cả năm chỉ cỡ 7,5%, vậy lãi suất từ nay đến cuối năm có thể giảm thêm được không, thưa ông?
Việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như của NHNN đến nay theo chúng tôi thì chưa thấy có dấu hiệu gì để lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, từng ngân hàng đã tính toán giảm chi phí của mình ở mức thấp nhất để hạ lãi suất cho vay, từ đó có thể gỡ khó khăn về chi phí vốn cho các DN. Trên cơ sở đó giúp người sản xuất kinh doanh giảm chi phí trong giá thành sản phẩm. Hiện những gói cho vay ưu đãi của các ngân hàng lãi suất cho vay khá thấp, bình quân khoảng 9%/năm, bằng với lãi suất huy động tiết kiệm ngắn hạn.
Các gói lãi suất thấp trong một số ngân hàng chỉ được ấn định trong 3 tháng đầu tiên khiến DN cũng chưa mặn mà vay vốn, thưa ông?
Đây là theo nguyên tắc chung trong hoạt động của ngân hàng. Trong các hợp đồng tín dụng của ngân hàng ký với các thành phần kinh tế, phải áp dụng lãi suất cho vay theo từng thời điểm do NHNN công bố. Chẳng hạn, hiện nay NHNN công bố trần lãi suất cho vay đối với các DN ưu tiên ở mức 13%/năm, nhưng khi CPI được kiểm soát tốt và giảm, mức trần lãi vay có thể hạ xuống còn 11,5-12%/năm. Lúc đó, các ngân hàng phải điều chỉnh lãi suất trong các hợp đồng vay vốn cho phù hợp.
Khó khăn của tiểu thương ở TP. Hồ Chí Minh trong những tháng giáp Tết
|
Nhưng vẫn có DN kêu khó tiếp cận được nguồn vốn có lãi suất ưu đãi này?
Theo thống kê của NHNN TP. Hồ Chí Minh, đến nay số lượng DN đã được vay vốn ngân hàng là trên 22.000 DN, tuy nhiên vẫn có những DN khó tiếp cận vốn ngân hàng. Điều này không chỉ do hàng tồn kho, nợ xấu, mà còn do điều kiện về tài sản thế chấp của bên đi vay. Các ngân hàng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó thay vì phải thế chấp bằng tài sản thì ngân hàng đã cho các DN thế chấp bằng dòng tiền (doanh thu bán hàng của các DN), đây là điểm gỡ rất tích cực của các ngân hàng tháo gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo cho DN hiện nay.
Có một thực tế các tiểu thương gặp rất nhiều khó khăn khi chứng minh khả năng tài chính của mình để vay vốn ngân hàng. Vậy các ngân hàng có giải pháp gì?
Có thể nói tiểu thương năm nay khá khó khăn khi tiếp cận tín dụng ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực làm sao để đưa ra các giải pháp phù hợp, đặc biệt điều kiện về tài sản thế chấp thông qua các hợp đồng thuê quầy để buôn bán. NHNN chi nhánh thành phố cũng đang phối hợp với Ban quản lý các chợ để tạo điều kiện cho các tiểu thương tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi nhất.
Xin cảm ơn ông!
Sẽ xử lý nghiêm ngân hàng che giấu nợ xấu
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, nợ xấu đang có xu hướng giảm do các ngân hàng tích cực xử lý nợ bằng nguồn trích lập dự phòng.
Mặt khác, các ngân hàng cũng phối hợp với DN thực hiện cho vay mới để thu hồi các khoản vay cũ theo tinh thần Nghị quyết 13/NQ-CP (một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường). Nếu ngân hàng nào lợi dụng chủ trương này che giấu nợ xấu, NHNN phát hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Dựa trên Nghị quyết 13, thời gian qua các ngân hàng đã định kỳ hạn nợ lại đối với các món vay cũ hoặc cho vay các món vay mới để thu hồi nợ cũ và thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất ưu đãi đã góp phần giảm chi phí cho DN, giảm nợ xấu cho ngân hàng. Ước tính đến cuối năm 2012 nợ xấu trên địa bàn chiếm khoảng 6,17% trên tổng dư nợ, tuy chưa giảm nhiều nhưng đã cho thấy nỗ lực tích cực của các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu.
|
Thạch Miên
thời báo ngân hàng
|