Chuyển đổi vàng, ai được lợi?
Ngân hàng Nhà nước vừa đồng ý về nguyên tắc cho một số thương hiệu vàng tạm xuất vàng miếng, tái nhập vàng nguyên liệu nhằm chuyển đổi nhanh sang vàng miếng SJC. Nhưng hiện người dân sở hữu vàng thương hiệu khác vẫn bị ép giá.
Kiểm định vàng các thương hiệu tại phòng kiểm định vàng của Xí nghiệp nữ trang SJC Tân Thuận - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn
|
Các chuyên gia kinh tế cho rằng khi tạo điều kiện chuyển đổi nhanh sang vàng miếng SJC, nếu NHNN ràng buộc điều kiện các đơn vị này phải mua sát giá vàng SJC thì sẽ tránh được tình trạng ép giá người dân để thu lợi tiền tỉ.
Kiếm tiền tỉ
Còn 281.000 lượng vàng chưa chuyển đổi
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NHNN TP.HCM, gọi là tạm xuất tái nhập nhưng thực chất là bán vàng miếng và mua lại vàng nguyên liệu. Do vàng nguyên liệu nhập về là vàng đạt tiêu chuẩn quốc tế nên việc kiểm định và sản xuất rất nhanh, không còn tình trạng xếp hàng chờ chuyển đổi như hiện nay.
Hiện nay do quá trình kiểm định quá lâu nên Công ty SJC mới chuyển đổi xong 1,8 tấn vàng của đợt cấp phép đầu tiên. Riêng đợt thứ hai tổng cộng 445.000 lượng đến nay mới chuyển đổi xong 164.000 lượng. Như vậy còn 281.000 lượng vàng chưa được chuyển đổi.
|
Trước ngày 20-9, khi chưa có quyết định của NHNN về việc cho chuyển đổi 13 tấn vàng, nhiều thương hiệu vàng miếng khác đã mua vàng của người dân với giá thấp hơn vàng miếng SJC vài triệu đồng/lượng. Thế nhưng sau khi được cho phép chuyển đổi, tình trạng ép giá người mua vẫn không hề thay đổi.
Hiện giá mua vào vàng miếng Vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu (ngày 30-11) thấp hơn giá mua vàng SJC 3,67 triệu đồng/lượng, vàng AAA của Tổng công ty kinh doanh vàng Agribank thấp hơn SJC 2,12 triệu đồng/lượng. Nhiều người dân sở hữu thương hiệu vàng khác cũng bị ép giá thu mua ngang với giá vàng nguyên liệu. Và chỉ có các đơn vị này mua lại vàng miếng của đơn vị mình, người tiêu dùng khó thể bán ở nơi khác.
Trong khi đó, theo phó giám đốc một công ty vàng lớn tại TP.HCM, phí xuất nhập khẩu vàng tính ra chỉ hơn 100.000 đồng/lượng, còn phí gia công sang vàng miếng SJC là 50.000 đồng/lượng, tổng cộng các chi phí để chuyển đổi theo phương án mà NHNN đưa ra khoảng 150.000 đồng.
Do đó, với việc ép giá mua thấp hơn 2-3 triệu đồng/lượng so với vàng miếng SJC, một số doanh nghiệp sẽ kiếm được tiền tỉ khi được NHNN cho phép chuyển đổi sang vàng miếng SJC. Các doanh nghiệp này cũng không phải chịu thuế xuất khẩu do tới đây NHNN sẽ làm việc với Bộ Tài chính để miễn thuế tạm xuất vàng miếng cho các doanh nghiệp.
“Phương án tạm xuất tái nhập vàng rất có lợi cho những đơn vị có số lượng vàng tồn kho lớn, vì chỉ trong vòng vài ngày số lượng vàng tồn kho sẽ được chuyển đổi sang vàng miếng SJC” - vị phó giám đốc này nói.
Trước tình trạng tiền chảy vào túi doanh nghiệp, còn phần thiệt về phía người dân, NHNN vừa có văn bản yêu cầu các công ty vàng phải báo cáo khả năng mua vàng miếng của thương hiệu mình với giá gần ngang bằng giá mua vàng SJC.
Các đơn vị này cũng phải báo cáo số vàng tồn kho là bao nhiêu. Một chuyên gia vàng cho rằng chiếu theo văn bản này, nếu tới đây các thương hiệu vàng vẫn còn ép giá người tiêu dùng thì có thể sẽ không được NHNN cấp phép chuyển đổi sang vàng miếng SJC nữa. Đặc biệt, NHNN cũng khuyến cáo các công ty vàng phải mua vàng thương hiệu mình sát với giá niêm yết của Công ty SJC.
Vàng miếng các thương hiệu khác thường bị tiệm vàng, doanh nghiệp mua vào với giá thấp so với vàng SJC
|
Phải có điều kiện
Trao đổi với
Tuổi Trẻ
, ông Nguyễn Thanh Trúc, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty vàng Agribank, cho biết một khi được phép chuyển đổi nhanh sang vàng miếng SJC thì các đơn vị phải mua sát với giá vàng SJC chứ không thể mua với giá thấp như trước. “Chúng tôi sẽ cố gắng mua sát giá vàng SJC, chỉ trừ 100.000 -300.000 tiền công dập, vận chuyển mà thôi”, ông Trúc nói.
Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết đề xuất của NHNN về việc phải mua sát với giá của Công ty SJC không nhận được sự đồng thuận rộng rãi của cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp. Lý do là vàng SJC đang cao hơn giá thế giới 3-4 triệu đồng/lượng nên nếu doanh nghiệp mua vàng thương hiệu khác gần giá vàng SJC thì khi xuất khẩu sẽ lỗ.
Do đó các đơn vị sẽ chỉ xin xuất lượng vàng đang có sẵn trong kho đã được mua từ trước. Như vậy có khả năng tới đây, khi bị ép mua sát giá SJC, các thương hiệu vàng khác sẽ không thực hiện hoặc từ chối mua vàng của thương hiệu mình, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng.
Theo TS Vũ Đình Ánh (Viện Kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính), việc các thương hiệu tận dụng lợi thế là đơn vị mua vàng của thương hiệu mình duy nhất trên thị trường để ép giá mua xuống thấp, sau đó hưởng lợi lớn khi chuyển đổi là bất hợp lý. Qua đó thể hiện việc cơ quan quản lý đã làm không tốt vai trò của mình.
Ông Ánh cho rằng lẽ ra ngay từ khi cấp phép chuyển đổi từ vàng miếng thương hiệu khác sang vàng miếng SJC, NHNN phải quy định nguyên tắc, tỉ lệ chuyển đổi nhằm tránh đặc quyền đặc lợi lớn cho doanh nghiệp, còn người tiêu dùng thiệt hại. Tuy nhiên do không quản lý ngay từ đầu nên các thương hiệu vàng khác thoải mái ép giá.
Tương tự, PGS.TS Ngô Trí Long (Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả) cũng cho rằng khi tạo điều kiện để chuyển đổi nhanh sang vàng miếng SJC, NHNN phải ràng buộc điều kiện các đơn vị này phải mua sát giá vàng SJC và coi đó là điều kiện tiên quyết để được cấp phép tạm xuất tái nhập vàng. Nếu buông lỏng như thời gian qua vô hình trung cơ quan quản lý đã tạo đặc quyền cho các thương hiệu vàng miếng khác thu lợi tiền tỉ.
Cũng theo ông Long, giá trị vàng căn cứ vào tuổi và chất lượng chứ không phải căn cứ vào thương hiệu. Chính sách độc quyền thương hiệu dẫn đến phân hóa trên thị trường vàng. NHNN khẳng định vàng các thương hiệu khác vẫn có giá trị lưu thông ngang với vàng SJC và không nhất thiết chuyển đổi sang vàng SJC, nhưng thực tế cơ quan quản lý này không hề có chính sách nào để bảo vệ người sở hữu vàng miếng các thương hiệu phi SJC.
Khổ vì vàng miếng SJC bao bì cũ
Chị Võ Thị Kim Tuyến ở Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết mua 3 chỉ vàng SJC ở một ngân hàng cổ phần có chi nhánh tại huyện Châu Đức. Ngày 29-11 do cần tiền trang trải chị đem bán nhưng nơi này không chịu mua với lý do miếng vàng có bao bì cũ. “Tôi có hóa đơn mua bán đầy đủ nhưng ngân hàng nói do chỉ đạo của cấp trên nên không thể mua”, chị Tuyến bức xúc.
Chị Tuyến cho biết sáng 30-11 khi quay trở lại khiếu nại, nhân viên ngân hàng gợi ý chị bán tại tiệm vàng với giá thấp hơn giá niêm yết của Công ty SJC cùng thời điểm 270.000 đồng/lượng nhưng chị không đồng ý. Sau đó nhân viên ngân hàng phải chấp nhận giải pháp bù phần chênh lệch này cho chị.
|
Ánh Hồng
Tuổi Trẻ
|