“Đầu voi, đuôi chuột”
Việc điều chỉnh mục tiêu kinh doanh giữa dòng đang là hiện tượng hết sức bình thường đối với các doanh nghiệp niêm yết. Thế nhưng, khi năm tài chính 2012 đang đi về cuối và hiện chỉ còn tính bằng ngày, vẫn có doanh nghiệp thay đổi kế hoạch trong sự ngỡ ngàng của các cổ đông.
Thay đổi phút 89
Ngày 11-12, CTCP Tập đoàn Hoàng Long (HLG) công bố thông tin về việc điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2012. Theo đó, kế hoạch doanh thu được điều chỉnh giảm từ 2.529 tỷ đồng xuống 2.040 tỷ đồng (tương đương mức giảm 19%).
Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế được điều chỉnh giảm mạnh từ 88 tỷ đồng xuống còn… 8 tỷ đồng (tương đương mức giảm 91%). Điều đáng lưu ý, lợi nhuận sau thuế sau điều chỉnh của HLG còn thấp hơn lợi nhuận sau thuế thực hiện 9 tháng năm 2012 là 39,2 tỷ đồng. Nếu mọi việc diễn ra đúng như “kế hoạch” của HLG, doanh nghiệp này sẽ lỗ hơn 31 tỷ đồng trong quý IV-2012.
Như vậy, với trường hợp mới nhất của HLG, tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 48 doanh nghiệp niêm yết trên cả 2 sàn điều chỉnh giảm chỉ tiêu kế hoạch năm 2012. Tuy nhiên, HLG không là trường hợp cá biệt vì còn khá nhiều doanh nghiệp có quyết định điều chỉnh kế hoạch cả năm ngay trong tháng cuối cùng của năm.
Chẳng hạn, Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVF) vừa thông báo các tờ trình ĐHCĐ về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012. Theo đó, kế hoạch doanh thu vẫn giữ nguyên (đạt 6.860 tỷ đồng) nhưng kế hoạch lợi nhuận trước thuế giảm từ 660 tỷ đồng xuống còn 50 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PVF điều chỉnh mức cổ tức ban đầu 6% xuống còn 0%.
HĐQT của CTCP Phát triển và Xây dựng đô thị Bà Rịa Vũng Tàu (UDC) công bố điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh 2012 với tổng doanh thu giảm 45%, lợi nhuận trước thuế giảm gần 46%. Theo BCTC quý III-2012, 9 tháng năm 2012, khoản lãi trước thuế UDC thu được chỉ đạt 12,86% kế hoạch cả năm. Kết quả này so với kế hoạch sau khi điều chỉnh cũng chỉ đạt 39,3%.
Cũng với lý do kết quả kinh doanh 9 tháng không như mong đợi, nhiều doanh nghiệp vội vã điều chỉnh kế hoạch năm ngay trong tháng 12. Như HĐQT CTCP CTCP Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh (QNC) vừa có quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012. Theo đó, tổng doanh thu từ 1.700 tỷ đồng xuống còn 1.568 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ 26 tỷ đồng xuống 7,5 tỷ đồng.
Trước đó ít ngày, CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD3 (HD3) điều chỉnh giảm hầu hết chỉ tiêu sản xuất kinh doanh 2012, trong đó lợi nhuận trước thuế giảm từ 50 tỷ đồng xuống 30 tỷ đồng (tương ứng giảm 40%). Các chỉ tiêu kế hoạch khác như quỹ khen thưởng phúc lợi, quỹ đầu tư phát triển, nộp ngân sách đã được ĐHCĐ thường niên 2012 thông qua sẽ được căn cứ vào các chỉ tiêu nói trên để điều chỉnh cho phù hợp.
Được biết, 9 tháng năm 2012, lãi trước thuế của HD3 chỉ đạt 8,97 tỷ đồng, tương đương 18% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cũ và 30% kế hoạch sau điều chỉnh.
Lý do kém thuyết phục
Giải trình về lý do điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh 2012, ông Phạm Phú Toại, Chủ tịch HĐQT HLG, cho biết trong quý IV-2012 do sự biến động giá cả về nguyên liệu để sản xuất thức ăn thủy sản nên giá thành phẩm tăng. Mặt khác, do kinh tế khó khăn nên giá xuất khẩu thủy sản giảm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của cả tập đoàn.
Tương tự, lãnh đạo QNC cũng lấy lý do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh để điều chỉnh giảm chỉ tiêu. Cách lý giải chung chung và đổ lỗi cho yếu tố khách quan đã gây bức xúc cho cổ đông đang nắm giữ cổ phần của các doanh nghiệp trên. Thay vì tìm ra giải pháp vượt khó, lãnh đạo các doanh nghiệp này gần như buông xuôi và chọn cách làm đơn giản nhất là hạ chỉ tiêu kế hoạch để duy trì thành tích hoàn thành kế hoạch, dù đó chỉ là kết quả “đầu voi, đuôi chuột”.
Theo phân tích, một trong những yếu tố quan trọng khiến hiệu quả kinh doanh của UDC đi xuống do chi phí hoạt động tăng cao trước sự gia tăng đáng kể các khoản mục giá vốn hàng bán, đặc biệt chi phí quản lý doanh nghiệp. Theo thống kê, tỷ trọng tổng chi phí/tổng doanh thu thuần của UDC trong giai đoạn 2008-2009 tăng từ 84,47% lên 102,74%.
Tỷ trọng giá vốn bán hàng/doanh thu thuần cũng tăng từ 81,51% lên 97,54%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do sự tăng giá các yếu tố đầu vào như xi măng, sắt thép đã dẫn đến chi phí xây dựng các công trình tăng cao hơn những năm trước. Ngoài ra, do trong năm 2009, UDC chuẩn bị giai đoạn cổ phần hóa nên cách hạch toán chi phí quản lý doanh nghiệp cũng thay đổi so với giai đoạn trước.
Điều này đã đẩy tỷ trọng chi phí quản lý doanh nghiệp so với doanh thu thuần tăng từ 1,98% lên 4,17% năm 2009. Dù tình trạng này đã diễn ra từ khá lâu nhưng đến nay UDC vẫn chưa tìm ra giải pháp để khắc phục, thậm chí gần như thả nổi. Điều này khiến phí quản lý doanh nghiệp liên tục tăng từ năm 2008 đến nay, từ 8 tỷ đồng lên 12,7 tỷ đồng (2009), 27 tỷ đồng (2010) và hơn 32 tỷ đồng (2011).
Điều cổ đông lo ngại nhất là việc giảm chỉ tiêu kế hoạch đồng nghĩa với việc giảm mức chi trả cổ tức, thậm chí cắt luôn. Từ lý do này, khi có thông tin doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch, lập tức CP của doanh nghiệp rơi vào tình trạng ảm đạm dù thị trường những ngày cuối năm hết sức sôi động.
Nhiều cổ đông cho rằng họ bị lãnh đạo qua mặt với quyết định “đính chính” khi thời điểm kết thúc năm chỉ còn tính bằng ngày.
Hải Hồ
sài gòn đầu tư
|