Doanh nghiệp xây dựng: Một năm khó khăn
Khó khăn là tình cảnh phổ biến ở các DN nói chung trong năm qua, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.
Năm của những điều chỉnh kế hoạch
Mới đây, CTCP Xây dựng số 5 (VC5) đã điều chỉnh lại lợi nhuận kế hoạch năm 2012 từ 19 tỷ đồng xuống còn 14 tỷ đồng. Ông Ngô Hải An, Tổng giám đốc VC5 cho biết, tình hình khó khăn nên trong năm qua, Công ty chỉ tập trung hoàn thành các dự án khả thi để có cơ sở ghi nhận doanh thu trong năm nay và năm 2013. Đối với các dự án thiếu nguồn vốn cũng như kém khả thi thì Công ty sẽ dừng lại và thanh lý với chủ đầu tư.
Lường trước được khả năng không hoàn thành kế hoạch, các DN nối tiếp nhau điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh. Mặc dù đã rất thận trọng khi đặt ra các chỉ tiêu cho năm 2012 nhưng cuối cùng, CTCP Vinaconex số 2 (VC2) vẫn phải điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận từ 33,5 tỷ đồng xuống còn 26,5 tỷ đồng. Trong một cuộc trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Duy Long, Kế toán trưởng VC2 cho biết, ai cũng nhìn nhận được năm nay là một năm rất khó khăn và có thể kéo dài sang cả năm 2013. Với VC2, hoạt động xây lắp của Công ty vẫn đang triển khai theo đúng tiến độ, tuy nhiên, đối với các dự án bất động sản mà Công ty kỳ vọng sẽ ghi nhận doanh thu ngay trong năm nay thì bị chậm hơn so với tiến độ, nên hiệu quả kinh doanh khó được như mong muốn.
Nhiều DN xây dựng thậm chí đã lâm vào cảnh thua lỗ trong năm 2012
|
Ngoài VC2, VC5, một số công ty con khác của Vinaconex cũng công bố việc giảm kế hoạch kinh doanh năm 2012. Cụ thể, CTCP Vinaconex số 6 (VC6) điều chỉnh lợi nhuận từ 13 tỷ đồng xuống còn 10,4 tỷ đồng; CTCP Xây dựng số 9 (VC9) cũng giảm từ 20 tỷ đồng xuống còn 17,83 tỷ đồng. Nhìn chung, mức điều chỉnh giảm lợi nhuận phổ biến từ 20 - 30%.
Lãnh đạo CTCP Đầu tư và thương mại (DIC) cho biết, Công ty hiện đang chú trọng vào việc bảo toàn vốn, bảo đảm đời sống cho CBCNV. Năm 2012, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, tác động đến hàng loạt DN, nhiều DN đã ngừng hoạt động hoặc phá sản. Trong bối cảnh đó, DIC cũng không tránh khỏi ảnh hưởng. Chính vì vậy, Công ty đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2012 cho phù hợp với tình hình thực tế, lợi nhuận sau thuế của Công ty đã từ mức hơn 24 tỷ đồng được giảm xuống còn hơn12 tỷ đồng. Năm 2013, DIC Group cũng chỉ giữ mục tiêu kinh doanh tương đương năm 2012. Đồng thời, Công ty sẽ tiếp tục phân nhóm dự án, xác định rõ vốn phải giải ngân, doanh thu phải đạt được của từng dự án để đảm bảo duy trì nguồn vốn.
Và một năm kém hiệu quả
CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà (SDH) lỗ 20,76 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2012. Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo SDH cho biết, trong quý IV/2012, Công ty chỉ hoạt động “cầm chừng” và tiếp tục không có lợi nhuận. Do vậy, SDH dự kiến sẽ lỗ hơn 20 tỷ đồng trong năm 2012. Hiện nay, nguồn thu chủ yếu mang lại cho Công ty là các dự án cho thuê khu công nghiệp và văn phòng. Tuy nhiên, thị trường BĐS trong năm nay rất khó khăn, nhiều dự án của Công ty không thực hiện được như kỳ vọng, trong khi đó, các chi phí trong năm 2012 lại bị “đội” lên nhiều. Đối với dự Dự án khu công nghiệp Yên Phong II - Bắc Ninh, Công ty đã có kế hoạch chuyển nhượng từ năm 2011, nhưng đến nay, vẫn chưa có kết quả và theo SDH thì sang năm 2013, Công ty mới thực hiện được.
Một số DN thuộc “họ” Sông Đà đối mặt với nguy cơ thua lỗ trong năm 2012 như CTCP Sông Đà 207 (SDB) khi 9 tháng đầu năm, SDB lỗ hơn 22 tỷ đồng.
Đối với CTCP Cơ điện và xây dựng Việt Nam (MCG), mặc dù doanh thu dự kiến trên 1.500 tỷ đồng nhưng dự kiến lợi nhuận sẽ đạt rất thấp, thậm chí là không có lợi nhuận. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, việc cân bằng được thu chi và bảo toàn được nguồn vốn trong năm 2012 đã là thành công.
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng về tình hình kinh doanh của các DN ngành xây dựng cho thấy, giá trị sản xuất kinh doanh ước thực hiện 11 tháng đầu năm 2012 đạt 143.238 tỷ đồng, bằng 84,3% so với kế hoạch năm và bằng 95,3% so với cùng kỳ năm 2011. Báo cáo cũng đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh trong năm 2012 của nhóm ngành này rất kém, thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đạt mức thấp, một số đơn vị còn đạt mức dưới 10%, thấp hơn cả chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng.
Hoàng Anh
đầu tư chứng khoán
|