Các bộ trưởng EU thỏa thuận về giám sát ngân hàng
Sau các cuộc đàm phán "marathon" kết thúc vài giờ trước khi diễn ra cuộc họp cấp
cao Liên minh châu Âu (EU) vào đêm 13/12 (giờ Việt Nam), các bộ trưởng tài chính
EU đã đạt thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử về thiết lập Cơ chế giám sát duy nhất
(SSM) cho phép đóng cửa nhiều định chế cho vay trong toàn Khu vực đồng euro
(Eurozone).
Phát biểu với báo giới, chủ tọa cuộc họp là Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Síp
Vassos Shiarly cho biết mục tiêu chính của kế hoạch mới nhằm khôi
phục lòng tin vào khu vực ngân hàng.
Ông Shiarly coi thỏa thuận này là "món quà
Giáng sinh" cho toàn khu vực châu Âu.
Ủy viên EU phụ trách các thị trường tài chính Michel Barnier cho
biết theo thỏa thuận trên, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giám sát trực
tiếp khoảng 200 ngân hàng lớn nhất, có giá trị tài sản trên 30 tỷ euro (39 tỷ
USD), trong số khoảng 6.000 định chế cho vay trong Eurozone.
Điều này
đồng nghĩa mỗi quốc gia thành viên sẽ có tối đa ba ngân hàng chịu sự giám sát
trực tiếp của ECB.
Ông Barnier nhấn mạnh kế hoạch thiết lập SSM là bước đi đầu tiên, tiếp theo sẽ là
những đề xuất liên quan pháp lý được đưa ra trong năm 2013 về lập quỹ đóng cửa
các ngân hàng không thể trụ vững và thiết lập cơ chế đảm bảo tiền gửi giữa các
quốc gia thành viên.
Bước đi này sẽ tạo tiền đề cho sự hội nhập sâu hơn về kinh
tế và chính trị trong Eurozone, diễn biến được xem là "liều thuốc giải
độc" cho "căn bệnh nợ công" hiện nay trong khu vực và hướng tới kế hoạch thành
lập liên minh ngân hàng đã được các nhà lãnh đạo EU nhất trí tháng Sáu vừa qua.
SSM cho phép các quỹ cứu trợ của Eurozone tái cấp vốn trực tiếp cho các
ngân hàng gặp khó khăn, như các ngân hàng bị vỡ nợ ở Hy Lạp và Tây Ban Nha, mà
không chất thêm gánh nặng nợ công cho các nước thành viên.
Cơ chế này còn phải
được thông qua tại cuộc họp đêm nay, một quyết định chỉ mang tính thủ tục vì
lãnh đạo EU muốn cơ chế này đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2014, và phải giành
được sự chấp thuận của Nghị viện châu Âu tại cuộc họp vào ngày 18/12 tới.
Vietnam+
|