Thứ Tư, 12/12/2012 18:30

Bất ổn chính trị có thể đẩy Italy lún sâu vào suy thoái

Cuối tuần trước, Thủ tướng Italy Mario Monti đã thông báo với Tổng thống Giorgio Napolitano về việc ông sẽ từ chức sau khi dự thảo ngân sách năm 2013 được thông qua.

Thủ tướng Italy Mario Monti.

Quyết định này được đưa ra sau khi Đảng Nhân dân Tự do (PDL) của người tiền nhiệm Silvio Berlusconi rút lại sự ủng hộ đối với Chính phủ của vị thủ tướng này.

Động thái trên của Thủ tướng Monti đẩy chính trường Italy vào vòng xoáy bất ổn mới giữa lúc nền kinh tế nước này đang đứng trước nguy cơ suy thoái kép và chưa thoát khỏi “căn bệnh nợ công” trầm kha. Nhiều người lo ngại “đất nước có hình chiếc ủng” này có thể sẽ phải xin cứu trợ từ Liên minh châu Âu (EU) trong năm tới. Nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là thảm họa thực sự không chỉ đối với nền kinh tế lớn thứ tám thế giới này mà còn cả đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Bên bờ vực bất ổn

Thủ tướng Monti, năm nay 69 tuổi, nhậm chức hồi tháng 11/2011 sau khi cựu Thủ tướng Berlusconi phải từ chức do các vụ bê bối. Ông đã thành lập một nội các gồm những nhà kỹ trị không thuộc bất cứ đảng phái nào. Đây là những người nhận được sự tín nhiệm của cả EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Ngay sau khi lên nắm quyền, chính trị gia này đã đáp ứng được sự mong mỏi của những người ủng hộ trong giới tài chính khi áp dụng một chương trình chi tiêu khắc khổ và tăng thuế để giảm tỷ lệ nợ công đang đứng ở mức cao của nước này. Chương trình này đã giúp đưa tỷ lệ thâm hụt ngân sách trên GDP trong năm nay về giới hạn cho phép của EU (dưới 3%).

Trong 13 tháng dưới thời chính quyền Monti, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy đã giảm hơn 200 điểm cơ sở. Tháng trước, Chính phủ Italy đã phát hành trái phiếu ở mức lãi suất thấp nhất trong vòng hai năm qua.

Trong báo cáo nghiên cứu được công bố vào đầu tuần này, ông Riccardo Barbieri, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu của Ngân hàng Mizuho International Plc ở London, viết: “Hình ảnh của Italy đã được cải thiện rõ rệt nhờ chính phủ Monti.”

Cùng chung quan điểm đó, ông Christian Schulz, người đã từng làm việc tại ECB và hiện là chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Berenberg Bank, cho rằng nền kinh tế Italy không còn phải đối mặt với nguy cơ cao nhờ các chính sách khắc khổ của Thủ tướng Monti.

Tuy nhiên, các chính sách khắc khổ được áp dụng dưới thời chính quyền của Thủ tướng Monti đã đẩy nền kinh tế Italy đã rơi vào suy thoái lần thứ hai liên tiếp kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Trong quý 3 năm nay, nền kinh tế lớn thứ tám thế giới này (xét về GDP danh nghĩa) đạt tốc độ tăng trưởng âm 0,2%. Đây là quý thứ năm liên tiếp, Italy bị tăng trưởng âm. Tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói đã tăng mạnh. Chính điều này khiến nhiều người ở Italy quay lưng với các chính sách khắc khổ của chính quyền Monti.

Mặc dù vậy, với những kết quả đã đạt được trong hơn một năm nắm quyền, giới hoạch định chính sách ở châu Âu vẫn đặt niềm tin vào chính quyền Monti. Nhiều người lo ngại sự ra đi của Thủ tướng Monti sẽ khiến Italy đi chệch khỏi quỹ đạo cải cách hiện nay và làm trầm trọng thêm “căn bệnh nợ công” vẫn đang ám ảnh châu lục này.”

Thậm chí, người ta còn lo ngại việc đạt được đồng thuận trong EU có thể sẽ trở nên khó khăn hơn nếu thiếu Thủ tướng Monti, người đã vượt qua sự phản đối của Đức tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Sáu năm nay để giúp EU đạt được đồng thuận trong vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nước đang gặp khó khăn.

Chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding của ngân hàng Berenberg Bank AG ở London nhận định “cuộc bầu cử sắp tới ở Italy vẫn được xếp ở vị trí cao trong danh sách các rủi ro cực nhỏ của chúng tôi.” “Chiến dịch của Berlusconi (người đã tuyên bố sẽ ra tranh cử với tư cách ứng cử viên hàng đầu của PDL) chống lại ‘chính sách khắc khổ của Đức’ có thể sẽ gây ra bất ổn cho các thị trường."

Chính vì vậy, sau khi Thủ tướng Monti tuyên bố từ chức, các nhà đầu tư đã có phản ứng tiêu cực. Trong phiên giao dịch ngày 10/12, FTSE MIB - chỉ số chứng khoán chủ chốt của Italy - đã giảm tới 2,2%, trái ngược với xu hướng tăng điểm ở các thị trường chứng khoán châu Âu khác như Đức, Pháp và Anh. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của nước này cũng tăng mạnh nhất trong vòng bốn tháng qua lên 4,82%.

Để trấn an các nhà đầu tư, phát biểu bên lề lễ trao giải Nobel Hòa bình ở thủ đô Oslo của Nauy, Thủ tướng Monti nói phản ứng này của thị trường sẽ được “kiềm chế” và các nhà đầu tư “không nên lo sợ trước bất cứ khoảng trống quyền lực nào.”

Ông nói: “Tôi hiểu phản ứng đó của thị trường nhưng không cần thiết phải làm to chuyện… Tôi rất tự tin rằng các cuộc bầu cử ở Italy sẽ giúp hình thành một liên minh hoặc chính phủ hướng về EU, có tinh thần trách nhiệm cao và phù hợp với những nỗ lực to lớn mà nước Italy đang theo đuổi.”

Những tia hy vọng

Ngay sau khi PDL thông báo rút lại sự ủng hộ đối với chính phủ của các nhà kỹ trị hiện nay, cựu Thủ tướng Berlusconi đã tuyên bố sẽ ra tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới với tư cách ứng cử viên hàng đầu của đảng trung hữu này.

Theo dự kiến, Quốc hội Italy sẽ thông qua dự thảo ngân sách năm 2013 trong khoảng hai tuần nữa. Nếu Thủ tướng Monti từ chức đúng như tuyên bố, nhiều khả năng Tổng thống Napolitano sẽ giải tán Quốc hội trước dịp Giáng sinh và ra lệnh tổ chức các cuộc bầu cử trước thời hạn vào giữa tháng 2/2013.

Hồi tháng 10 năm ngoái, vị nguyên chủ tịch câu lạc bộ bóng đá AC Milan này đã từng tuyên bố sẽ không ra tranh cử với tư cách ứng cử viên hàng đầu của PDL. Giờ đây, ông đã thay đổi quan điểm với lý do các chính sách khắc khổ, tăng thuế và cắt giảm chi tiêu của Thủ tướng Monti đang đẩy Italy tới “bên bờ vực thẳm.”

Mặc dù vậy, có vẻ như PDL vẫn còn lo ngại về khả năng đất nước rơi vào vòng xoáy bất ổn mới. Vì vậy, đảng này vẫn chưa gây sức ép để buộc Thủ tướng Monti phải từ chức. Trong tuyên bố của mình, PDL cũng nhấn mạnh rằng đảng này không muốn buộc người đứng đầu chính phủ phải rời nhiệm sở sớm.

Trước đó, trong các cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với Thủ tướng Monti tại lưỡng viện của Quốc hội, các nghị sỹ của PDL không bỏ phiếu chống lại này. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng Monti vẫn nhận được đa số phiếu ủng hộ. Bên cạnh đó, các nghị sỹ PDL cũng dự định sẽ bỏ phiếu ủng hộ dự thảo ngân sách năm 2013 do Chính phủ đệ trình cũng như mức trần nợ công mới.

Mặt khác, theo một số nhà phân tích, động thái từ chức của Thủ tướng Monti dường như mang tính chiến thuật trong lúc ông đang nỗ lực đảm bảo sự ủng hộ của đa số nghị sỹ ở Quốc hội một cách lâu dài và ổn định đối với các biện pháp khắc khổ của chính phủ với hy vọng rằng các chính sách này vẫn được thực hiện cho dù có hay không có Monti trong chính phủ mới.

Hiện nay, Đảng Dân chủ - chính đảng ủng hộ Thủ tướng Monti - vẫn đang giành được niềm tin của người dân. Kết quả cuộc thăm dò vào đầu tháng này của Viện Nghiên cứu SWG cho thấy có tới 30,3% cử tri ủng hộ đảng này, trong khi tỷ lệ ủng hộ đối với PDL chỉ là 13,8%.

Vì vậy, không thể loại trừ khả năng Thủ tướng Monti sẽ tái đắc cử hoặc giữ một vị trí khác trong chính phủ sau các cuộc bầu cử sắp tới. Nếu kịch bản này xảy ra, những cải cách dưới thời chính quyền Monti sẽ vẫn tiếp diễn ở Italy.

Thanh Tùng

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Đồng euro nhích lên khi mọi sự tập trung dồn về Mỹ (12/12/2012)

>   Mỹ phạt Ngân hàng Standard Chartered 327 triệu USD (12/12/2012)

>   “Trung Quốc chưa đủ sức thay thế Mỹ” (12/12/2012)

>   Trung Quốc vung tiền thâu tóm công ty Mỹ (12/12/2012)

>   Phố Wall buồn thiu vì tiền thưởng (11/12/2012)

>   El Pais kêu gọi TBN thông qua việc giải cứu kinh tế (11/12/2012)

>   Bloomberg muốn thâu tóm Financial Times (11/12/2012)

>   7 dự báo hoàn toàn sai lầm về kinh tế - tài chính thế giới 2012 (11/12/2012)

>   HSBC phải nộp phạt gần 2 tỷ USD trong nghi án rửa tiền (11/12/2012)

>   Nền kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu rơi vào suy thoái (10/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật