Trung Quốc vung tiền thâu tóm công ty Mỹ
Các công ty Trung Quốc tiếp tục chi hàng tỷ USD để mua lại những doanh nghiệp gặp khó của Mỹ.
A123, công ty có trụ sở ở Waltham, bang Massachusetts, trước đây là một nhà cung cấp pin ôtô cho quân đội Mỹ - Ảnh: Bloomberg.
|
Theo tin từ báo Business Week, cách đây ít hôm, công ty phụ tùng và công nghệ ôtô Wanxiang Group của Trung Quốc đã thắng trong một cuộc đấu giá doanh nghiệp phá sản, giành quyền mua lại công ty sản xuất pin A123 Systems với giá 256,6 triệu USD. Mức giá chào mua của Wanxiang đã vượt qua các đối thủ khác như Johnson Controls, Siemens, và NEC.
Tiếp đó, đến ngày 10/12, một nhóm công ty tài chính của Trung Quốc đã nhất trí mua lại bộ phận cho thuê máy bay của hãng bảo hiểm Mỹ AIG với giá 4,26 tỷ USD, thiết lập mức kỷ lục mới cho hoạt động thâu tóm doanh nghiệp của các công ty Trung Quốc tại Mỹ.
Trước khi thâu tóm được A123, Wanxiang đã từng thất bại trong việc chào mua hãng pin này vào tháng 8 do vấp phải những phải đối của Quốc hội Mỹ với những lo ngại liên quan tới vấn đề an ninh quốc gia. Giữa tháng 10 vừa qua, A123 đệ đơn xin phá sản, tạo cơ hội cho Wanxiang mua lại thông qua quá trình đấu giá.
A123, công ty có trụ sở ở Waltham, bang Massachusetts, trước đây là một nhà cung cấp pin ôtô cho quân đội Mỹ và đã được Chính phủ liên bang cấp vốn 249 triệu USD để xây nhà máy ở Mỹ. Đó chính là lý do khiến Quốc hội Mỹ phản đối việc một công ty Trung Quốc mua lại A123.
Đây không phải là lần đầu tiên các công ty Mỹ bị phản đối thâu tóm doanh nghiệp Mỹ vì lý do an ninh. Một báo cáo của Quốc hội Mỹ công bố vào ngày 8/10 đã nghi ngờ hai công ty thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc là Huawei Technologies và ZTE là một mối đe dọa an ninh và cần phải ngăn chặn trong vấn đề thâu tóm các công ty Mỹ.
Bởi vậy, trong thỏa thuận thâu tóm vừa đạt được Wanxiang sẽ bị cách ly khỏi tất cả các hợp đồng quân sự do A123 nắm giữ. Thay vào đó, một công ty có tên là Navitas Systems ở Woodridge, bang Illinois, sẽ chi 2,25 triệu USD để mua lại mảng làm ăn của A123 với Chính phủ Mỹ. Ngoài ra, vụ thâu tóm này phải chờ được sự thông qua của tòa án Mỹ với phán quyết của một thẩm phán về phá sản.
“Chúng tôi cho rằng chúng tôi đã cơ cấu thỏa thuận này để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia có thể xảy ra…”, Giám đốc điều hành (CEO) Dave Vieau của A123 phát biểu.
Ngoài vụ thâu tóm A123, Wanxiang đã đầu tư vào hàng chục nhà máy gặp khó khăn ở Mỹ, chủ yếu ở khu vực Midwest. Mới đây, công ty này còn rót vốn vào lĩnh vực công nghệ sạch ở Mỹ. Hồi tháng 5, Wanxiang hoàn tất thỏa thuận đầu tư 1,25 tỷ USD vào Great Point Energy, một công ty năng lượng ở Cambridge, bang Massachusetts, chuyên về biến than thành khí tự nhiên. Ông Pin Ni, Chủ tịch Wanxiang tại thị trường Mỹ gọi nước này là một “mỏ vàng” các cơ hội cho công ty.
“Bất kỳ công ty Trung Quốc nào muốn trở thành công ty toàn cầu đều không thể bỏ qua thị trường Mỹ”, ông Pin Ni phát biểu.
Những vụ thâu tóm mới nhất kể trên có thể khép lại một năm kỷ lục trong đó các công ty Trung Quốc chi hơn 8 tỷ USD để thâu tóm các doanh nghiệp Mỹ, tăng khoảng 50% so với năm 2011.
Vốn đầu tư của Trung Quốc đã được rót vào ít nhất 37 bang và hầu hết các thành phố lớn của Mỹ, đồng thời vượt ra ngoài lĩnh vực năng lượng tới các ngành như giải trí, sản xuất nhôm và dịch vụ tài chính. Hiện các công ty Trung Quốc đang hỗ trợ cho khoảng 30.000 việc làm tại Mỹ.
Trong thời gian tới, có thể sẽ có thêm nhiều thỏa thuận thâu tóm của các công ty Trung Quốc tại Mỹ. Sau khi chi 2,6 tỷ USD để mua công ty giải trí AMC Entertainment với 4.865 màn chiếu phim tại 338 rạp hát tổng hợp tại Mỹ, công ty Wanda của Trung Quốc hiện đang trong quá trình đàm phán với nhiều xưởng làm phim ở Hollywood về ký kết một thỏa thuận hợp tác sản xuất và cấp vốn. Ngoài ra, Chủ tịch Wanda, ông Wang Jianlin còn tiết lộ rằng, công ty này đang muốn thâu tóm một công ty khách sạn quốc tế tại Mỹ, với khoản đầu tư có thể lên tới 10 tỷ USD.
Thương vụ thâu tóm A123 và cả vụ nhóm nhà đầu tư Mỹ chào mua bộ phận cho thuê máy bay của AIG đều cần phải có được sự chấp thuận của Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ. Cho dù Wanxiang sẽ bị cách ly khỏi các hợp đồng với Chính phủ Mỹ trong vụ mua A123, không phải ai cũng tin rằng những rủi ro an ninh tiềm tàng sẽ được loại trừ.
"Chính phủ cần xem xét lại và từ chối thông qua bất cứ thương vụ nào liên quan tới Wanxiang. A123 Systems là sản phẩm từ sự sáng tạo của nước Mỹ và chúng ta cần đảm bảo rằng công ty này sẽ ở đây, vì an ninh quốc gia và an ninh kinh tế của chúng ta”, ông Marsha Blackburn, Phó chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại thuộc Hạ viện Mỹ, tuyên bố.
An Huy
tbktvn
|