Chủ Nhật, 16/12/2012 11:43

Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Giải pháp tài chính phá băng BĐS sẽ báo cáo Thủ tướng trong vài ngày tới

Bộ trưởng cho biết, các giải pháp tài chính như giảm và giãn thuế từ ngày 1/1/2014 (có thể được triển khai trước từ 6 tháng cuối năm 2013), cho phép doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng đã được Bộ đưa vào Đề án giải cứu thị trường bất động sản và sẽ sớm báo cáo với Thủ tướng trong vài ngày tới.

Sau tuyên bố về gói giải pháp tài khóa phá băng BĐS vào tuần trước, chiều 15/12, Bộ trưởng Vương Đình Huệ tọa đàm cùng Hiệp hội bất động sản TPHCM và các doanh nghiệp trên địa bàn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ rất đồng tình với những khó khăn của thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế trong đó tồn kho bất động sản và nợ xấu là những vấn đề lớn cần giải quyết.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ gặp gỡ các DN bất động sản TPHCM

Thực trạng

Đại diện Hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản đã đưa ra nhiều bất cập dẫn đến đình trệ trên thị trường bất động sản. Đó là chính sách tiền tệ thắt chặt từ tháng 2/2011 đến nay đã siết chặt dòng vốn chảy vào thị trường này; việc chưa thực sự coi trọng công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, chưa dự báo được nhu cầu dẫn đến tình trạng đầu tư tràn lan, mất cân đối cung cầu nhất là cầu có khả năng thanh toán.

Trong tuần sau, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sẽ có chuyến làm việc với Hà Nội và TPHCM để giải quyết những khó khăn hiện nay, trong đó có giải cứu thị trường bất động sản. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực vốn, thiếu dự báo nghiên cứu thị trường, phụ thuộc quá lớn vào vốn tín dụng và huy động từ khách hàng; nhiều nhà đầu tư thứ cấp có xu hướng lướt sóng theo tâm lý đám đông dẫn đến những thiệt hại lớn khi thị trường sụt giảm hoặc đóng băng.

Hệ quả tồn kho bất động sản tăng cao, đặc biệt là tồn kho căn hộ chung cư, nợ xấu bất động sản phình to chưa có hướng giải quyết.

Ngoài ra, những phiền hà về thủ tục hành chính, bất cập về chính sách thuế, đất đai… cũng là nguyên nhân đẩy doanh nghiệp bất động sản vào khó khăn.

Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long cho biết, quy trình xin giấy chứng nhận đầu tư phải trải qua nhiều khâu rất phức tạp, thời gian hoàn thành cũng mất ít nhất là 1 năm, rồi đến quy trình phê duyệt quy hoạch lại mất thêm từ 1 đến 2 năm nữa. Thời gian để chuẩn bị đầu tư kéo dài gấp 2 – 3 lần so với các nước trong khu vực. Chính những thủ tục rườm rà và phức tạp, nhiều khâu, nhiều cửa đã làm kéo dài thời gian xây dựng dự án dẫn đến chi phí vốn và các loại phí “ngoài luồng” đội lên cao.

Rất nhiều doanh nghiệp có mặt tại buổi đối thoại

Giải pháp từ doanh nghiệp

Rất nhiều ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp được đưa ra tại buổi tọa đàm nhằm giải quyết tình trạng khó khăn như hiện nay như ưu đãi tín dụng khoảng 8%/năm trong thời hạn 10-15 năm cho người mua căn nhà đầu tiên, chuyển mục đích sử dụng từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội để giảm giá bán, chuyển công năng các dự án; Nhà nước đứng ra mua lại các dự án để làm nhà tái định cư, nhà công vụ, thậm chí để kinh doanh khi thị trường khởi sắc trở lại.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị được đơn giản hóa các thủ tục, giảm chi phí thuế, chi phí đầu tư hạ tầng, đóng tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng, nên có thiết kế riêng cho nhà thu nhấp thấp và để doanh nghiệp tự quyết định tỷ lệ hay cho người nước ngoài mua căn hộ nhằm giải quyết đầu ra cho hàng tồn kho.

Luật sư Trương Thị Hòa đề xuất Chính phủ nên có một gói giải pháp tài chính, đặc biệt là thuế để giải quyết những khó khăn hiện nay. Bởi đây là cách nhiều quốc gia trên thế giới thường thực hiện để đối phó với khủng hoảng.

Và cam kết từ Bộ trưởng

Kết luận buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ tài chính Vương Đình Huệ hứa sẽ chủ động trong giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp. Bộ đã và đang nghiên cứu, tổng hợp tất cả ý kiến để trình lên Chính phủ hình thành nghị quyết rõ ràng, cụ thể nhằm tháo gỡ tình hình đình trệ cho thị trường bất động sản.

Về chính sách thuế, Bộ đã trình phương án thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 23%, trong đó doanh nghiệp quy mô nhỏ dưới 200 lao động, doanh thu dưới 20 tỷ đồng thì thuế thu nhập sẽ giảm xuống còn 20%. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ trình phương án giãn thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng cho doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp bất động sản sẽ được giảm nhiều hơn. Các chính sách thuế này dự kiến áp dụng từ tháng 1/2014, nhưng Bộ sẽ đề xuất với Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2013 cho phép áp dụng sớm, có thể là 6 tháng cuối năm 2013.

Bên cạnh đó, các giải pháp như Nhà nước mua dự án của doanh nhiệp để làm nhà tái định cư, cho phép doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ bán hàng đã được Bộ đưa vào Đề án giải cứu thị trường bất động sản và sẽ sớm báo cáo với Thủ tướng trong vài ngày tới. Ông nói thêm, những khúc mắc trong các vấn đề khác liên quan đến các Bộ ngành có mặt tại tọa đàm sẽ phối hợp với UBND TPHCM để trình lên Quốc hội tìm hướng giải quyết.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, trong tuần sau Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sẽ có chuyến làm việc với Hà Nội và TPHCM để giải quyết những khó khăn hiện nay, trong đó có giải cứu thị trường bất động sản.

Cuối cùng, Bộ trưởng cho rằng, muốn phá được băng thì trước tiên thì phải làm ấm thì trường. Do đó, Bộ trưởng tin tưởng, với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong năm 2013.

Xem thêm:

* Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Sẽ có gói giải pháp tài khóa “phá băng” BĐS

* Nỗ lực "phá băng" bất động sản

* 30.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội

* Vốn ngoại thoái lui: Hết tiền hay cạn niềm tin?

* 'Tiếp sức’ cho nhà ở xã hội

* Chết chìm khu căn hộ đắt nhất Việt Nam

* Căn hộ cao cấp cho thuê cũng ế

Mỹ Hà – Thanh Thảo (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Vốn ngoại thoái lui: Hết tiền hay cạn niềm tin? (16/12/2012)

>   'Tiếp sức’ cho nhà ở xã hội (15/12/2012)

>   Sửa Luật Đất đai: Dành 2 tháng lấy ý kiến nhân dân (15/12/2012)

>   Căn hộ cao cấp cho thuê cũng ế (15/12/2012)

>   Làm thế nào định giá đất sát với thị trường? (15/12/2012)

>   30.000 tỉ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội (14/12/2012)

>   Chết chìm khu căn hộ đắt nhất Việt Nam (14/12/2012)

>   Nghi vấn Keangnam - Vina chuyển giá (14/12/2012)

>   Nỗ lực "phá băng" bất động sản (14/12/2012)

>   Giá thuê văn phòng chưa có dấu hiệu chạm đáy (14/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật