Thứ Hai, 24/12/2012 22:14

ASEAN có thoát khỏi sự vây hãm?

Theo GS Thayer, một dải tần rộng lớn hơn đã hình thành giữa hai lập trường “thần phục” và “kháng cự” trong quan hệ đối với Trung Quốc.

Ấn Ðộ và ASEAN đã quyết định tăng cường “hợp tác an ninh hàng hải” và nhấn mạnh đến nhu cầu “tự do hàng hải”.

Theo tham luận của GS Thayer tại hội thảo “Đông Nam Á và Trung Quốc thế kỷ 21” mới đây ở đại học Nanyang, Singapore, trong quan hệ với Trung Quốc, nếu so sánh lập trường khác nhau giữa các thành viên trong ASEAN, một dải tần rộng lớn hơn đã được hình thành.

Từ thần phục đến kháng cự

Nhìn vào mục tiêu phấn đấu tạo dựng một cộng đồng ASEAN vào năm 2015, có thể thấy rõ các tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông giờ đây là những thách thức lớn nhất. Các tranh chấp này không chỉ tạo nên sự kháng cự riêng rẽ của từng thành viên trong khối, mà còn cài đặt ASEAN vào tư thế của một tập thể phản ứng lại các đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc. Trước đây, giới quan sát thường nhìn ASEAN dưới hai khối trong tương quan với các đại cường: ASEAN lục địa gần gũi với Trung Quốc và ASEAN hải đảo gắn bó với Hoa Kỳ nhiều hơn.

Diễn tiến trong năm 2012 dường như đã làm lu mờ lằn ranh nói trên. Theo GS Thayer, đã hình thành hai lập trường thần phục và kháng cự trong quan hệ đối với Trung Quốc. Nội hàm của thần phục ngày càng được mở rộng, từ các cam kết kinh tế – chính trị đến lập trường ngoại giao không phản công, từ các dàn xếp tranh chấp có phần nể trọng hơn đối với Trung Quốc đến ủng hộ sự đồng thuận trong ASEAN. Nội hàm của kháng cự cũng trở nên đa dạng, từ tuyên bố công khai về chủ quyền đến chấp nhận đối đầu tại các vùng biển bị Trung Quốc tiến công, từ quốc tế hoá các vấn đề tranh chấp đến hiện đại hoá quốc phòng và tìm đến Hoa Kỳ như một lực đối trọng tại khu vực.

Hẳn nhiên các lập trường nói trên không đối chọi nhau như cực âm và dương. Hai quốc gia nổi trội, đại diện cho mỗi loại lập trường: Philippines đứng đầu phái kháng cự và Campuchia đứng đầu phái thần phục. Giải tần tạo nên bởi hai quốc gia ấy là tập hợp các nước còn lại mà trong đối sách với Trung Quốc, nước nào cũng có mảng “kháng cự” và mảng “thần phục” cùng tồn tại trong lập trường của mình. Nhưng tỷ lệ “kháng cự” và “thần phục” trong chính sách mỗi quốc gia lại hoàn toàn không đồng đều, tuỳ thuộc vào các nhân tố lịch sử và địa – chính trị của mỗi thành viên trong bang giao với Trung Quốc.

Trên tương quan với Hoa Kỳ, ASEAN vui mừng khi Hoa Kỳ tăng cường can dự vào khu vực, tuy nhiên các quốc gia này đang/sẽ hết sức tránh bị cuốn vào vòng xoáy “minh tranh ám đấu” của hai đại cường Trung, Mỹ. Các nước ASEAN phải tự tìm cho mình điểm cân bằng về lợi ích kinh tế và chính trị trong cuộc chơi ở khu vực. Như bình luận của tờ Bangkok Post mới đây: “Thái Lan đang đi trên sợi dây thừng nhỏ bé, vừa phải xoay quanh các nước lớn, vừa phải bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”. Tuy nhiên mỗi quốc gia lại có cách lựa chọn khác nhau. Ðấy chính là nguyên nhân tạo nên bất đồng trong ASEAN.

Tái cân bằng theo “cách ASEAN”

Trong bài viết trên Global Asia số tháng 12.2012, TS Donald K. Emmerson, chủ nhiệm diễn đàn Đông Nam Á thuộc trung tâm Thái Bình Dương của đại học Stanford đưa ra một nhận xét: Đông Nam Á đang/sẽ tiếp tục trải qua thay đổi, dưới tác động của hai biến cố quan trọng. Thứ nhất, sự trỗi dậy về kinh tế – quân sự của Trung Quốc đã khiến lãnh đạo Bắc Kinh bỏ qua một bên lời khuyên “giấu mình chờ thời” của ông Đặng. Thứ hai, chiến lược Á tâm của Hoa Kỳ đáp lại thách thức của Trung Quốc, nhưng chính chiến lược này đang tạo ra tương lai bất định cho ASEAN. Nếu cạnh tranh Trung – Mỹ leo thang, ASEAN càng dễ bị “tan đàn xẻ nghé” theo hai mảng “thần phục” và “kháng cự” nói trên. Nếu quân bình lực lượng giữa hai ông lớn diễn ra ổn thoả thì chính tiến trình này sẽ cản trở ASEAN vận hành như một thực thể độc lập giữa Bắc Kinh và Washington.

Trong khi đó, cũng theo TS Emmerson, từ 2013, mối quan ngại đánh mất vai trò trung tâm sẽ được nhường chỗ cho một nỗi lo khác, đó là bảo toàn được tính đồng nhất, tình trạng toàn vẹn của ASEAN. Cho đến nay, bản thân ASEAN vẫn chưa hề chuẩn bị để đối mặt với một đòi hỏi cấp bách, đó là phải tái cân bằng “ASEAN way”/“cách ASEAN”, theo hướng bớt tính đồng thuận, tăng tính hiệu quả!

Trong bối cảnh hiện nay, đề nghị mới nhất của Manila họp bốn bên về Biển Đông có một ý nghĩa đáng kể. Khi tranh chấp với Trung Quốc, bốn thành viên Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều đòi hỏi chủ quyền đối với các hình thái địa chất và các quyền xung quanh các hình thái đó. Mục đích cuộc họp là cả bốn nước muốn tìm kiếm một phương thức tiếp cận chung nhằm đối phó với sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc nước này khẳng định độc chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, đến giờ này, vì không muốn đối kháng thêm với Trung Quốc, cuộc họp đã bị đình hoãn vô thời hạn.

Tổ kén của ASEAN hiện nay chính là “cách ASEAN”. Nếu bốn nước tuyến đầu nói riêng và cả khối nói chung không mau chóng tìm cách thoát khỏi “tổ kén”, thoát khỏi sự vây hãm của quá khứ thì kể cả khi chiến lược Á tâm thành công, Hoa Kỳ cũng khó có những can dự mạnh mẽ có thể giúp ASEAN trong quá trình phân định ranh giới và khoanh vùng các đòi hỏi của các nước thành viên. Trong trường hợp ấy, Trung Quốc tiếp tục mặc sức thực hiện chính sách “bẻ đũa từng chiếc” và tiến tới giành cho mình quyền bá chủ Biển Đông theo các điều kiện do chính Trung Quốc đặt ra.

Trần Hiếu Chân

sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Nhóm Mua hứa đền bù cho khách mua voucher (24/12/2012)

>   Bộ Tư pháp nhận lỗi về chứng minh thư ghi tên cha mẹ (24/12/2012)

>   Cầu thủ Việt hết "mất dạy" rồi, bầu Đức ơi! (24/12/2012)

>   Thực hư chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc (24/12/2012)

>   Tăng giá điện: Bao nhiêu cho đủ? (23/12/2012)

>   Sonadezi bị tố chiếm đất đài liệt sĩ (23/12/2012)

>   Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á hòa lưới (23/12/2012)

>   Những kiểu đòi nợ rùng rợn của tín dụng đen (23/12/2012)

>   Mua vé tàu như mua vé số (22/12/2012)

>   Kiến nghị trả hồ sơ điều tra lại vụ hủy hoại tài sản nhà ông Vươn (22/12/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật