2012 có nhiều biến động giá bất thường
Tổng sản phẩm trong nước GDP năm 2012 tăng 5,03% so với năm 2011, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2012 tăng 9,21% so với bình quân năm ngoái. Đó là các số liệu tổng cục Thống kê công bố trong buổi họp báo chiều 24.12 tại Hà Nội.
Lần đầu tiên xuất siêu kể từ 1993
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Vân, vụ trưởng vụ Thống kê tổng hợp, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 tăng 0,27% so với tháng trước và tăng 6,81% so với tháng 12.2011.
Nhìn lại năm 2012, CPI tháng 12 tăng 6,81% so với cùng kỳ 2011, xấp xỉ mức tăng 6,52% của năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,75% của năm 2010 và mức tăng 18,13% của năm 2011.
Đáng chú ý, 2012 là năm giá có nhiều biến động bất thường. Cụ thể là CPI tăng không quá cao vào hai tháng đầu năm (tăng 1% vào tháng 1 và tăng 1,37% vào tháng 2), nhưng tăng cao nhất vào tháng 9 với mức tăng 2,2%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục.
Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng đã chậm dần trong những tháng cuối năm, điều này thể hiện tính kịp thời và hiệu quả của việc triển khai Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, điều hành và bình ổn giá.
Một điều khác thường nữa của thị trường giá cả trong nước năm nay là CPI không giảm vào sau Tết âm lịch mà giảm vào hai tháng giữa năm (tháng 6 và tháng 7).
Về nhóm hàng, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung (lương thực tăng 3,26%, thực phẩm tăng 8,14%, CPI bình quân chung tăng 9,21%). Trong khi năm 2011 đây là nhóm hàng có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung. Trong khi đó, chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế có sự thay đổi lớn với chỉ số giá tăng mạnh, chỉ số giá nhóm giáo dục tuy mức tăng giảm so với năm trước nhưng vẫn ở mức cao.
Bà Vân cho hay, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1.12 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó có những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất xe có động cơ tăng 76,6%; sản xuất dây, cáp điện tăng 56,8%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 42,1%; may trang phục tăng 41,5%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 40,8%; sản xuất xi măng tăng 30,6%; chế biến và bảo quản thủy sản tăng 28,6%.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hoặc giảm là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa tăng 9,2%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 7,1%; sản xuất giày, dép tăng 6,6%; sản xuất sợi tăng 1,4%; sản xuất vải dệt thoi tăng 1%; sản xuất các cấu kiện kim loại giảm 5,4%; sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng giảm 7,5%; sản xuất thiết bị dẫn điện giảm 9,7%; sản xuất các sản phẩm điện tử dân dụng giảm 20,2%, sản xuất đường giảm 24%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15% so với năm 2011. Tính chung cả năm 2012 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu năm nay tăng cao chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI với các mặt hàng như điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép….Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, điều này phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp.
Đặc biệt, năm 2012 xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên Việt Nam xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993. Trong đó khu vực FDI có mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,7 tỷ USD.
Từ 2013 công bố tồn kho theo năm gốc 2010
Ông Phạm Đình Thúy, vụ trưởng vụ Thống kê công nghiệp, thông báo từ kỳ báo cáo tháng 1.2013, tổng cục Thống kê sẽ chính thức công bố chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho hàng tháng theo năm gốc mới 2010, đề phù hợp với đặc trưng của ngành công nghiệp và việc áp dụng năm 2010 làm năm gốc so sánh mới thay thế cho năm gốc 1994 trong tính toán và công bố các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tháng, quý và năm.
Việc này là thực hiện Thông tư số 02 của bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư quy định năm 2010 là năm gốc thay cho năm 1994.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản (METI), tổng cục Thống kê đã triển khai từng bước. Theo kết quả tính toán theo năm gốc 2010 (thay 2005), chỉ số sản xuất công nghiệp IIP năm 2012 theo năm gốc 2010 tăng 6,1%, tăng cao hơn năm gốc 2005 là 1,3%. Điều này phản ánh đúng thực tế theo biến động cơ cấu giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp cấp II trong khu vực công nghiệp hiện nay.
Sở dĩ có sự điều chỉnh này là do cơ cấu ngành kinh tế trong gần 20 năm qua có những thay đổi nhanh chóng. Năm 1994 tỷ trọng trong GDP của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,43%, nay giảm xuống còn 20,58% năm 2010. Tỷ trọng tương ứng trong GDP của khu vực công nghiệp và xây dựng năm 1994 là 28,87% tăng lên 40,79% của năm 2010. Tỷ trọng tương ứng của khu vực dịch vụ năm 1994 là 43,7% và năm 2010 là 37,78%.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 1,99%, trong đó khu vực thành thị là 3,25%, khu vực nông thôn là 1,42%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 2,8%, trong đó khu vực thành thị là 1,58%, khu vực nông thôn là 3,35%. Tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước, từ 34,6% năm 2010 lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012.
Tính chung cả năm, cả nước có 450,3 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 27,6% so với năm 2011, tương ứng 1911,8 nghìn lượt nhân khẩu bị thiếu đói, giảm 26,9%. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước năm 2012 ước tính là 11,3 – 11,5%, giảm 1,1 – 1,3% so với năm 2011, thấp hơn mức giảm 1,6% của năm 2011 so với 2010.
|
Việt Anh
Sài Gòn Tiếp thị
|