Thứ Hai, 19/11/2012 20:00

Trung Quốc đối mặt với “hố đen” nợ từ doanh nghiệp

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu bộc lộ nhiều dấu hiệu cải thiện như thị trường bất động sản đang có tín hiệu hồi sinh; doanh số bán lẻ, xuất khẩu, đầu tư và sản xuất công nghiệp đồng loạt gia tăng trong tháng 10. Tuy nhiên, một số liệu có vẻ đi sai hướng, đó là nợ doanh nghiệp tăng quá nhanh.

Theo ước tính của Tổ chức Tư vấn Kinh tế GK Dragonomics tại Bắc Kinh, tỷ lệ nợ doanh nghiệp trên GDP của Trung Quốc đã tăng từ mức 108% trong năm 2011 lên mức 122% trong năm 2012, mức cao nhất trong vòng 15 năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của Trung Quốc có mức nợ nần cao nhất trên thế giới và được ví như những “hố đen” khi liên tục đòi hỏi các khoản tín dụng để duy trì hoạt động.

Giám đốc GK Dragonomics, Andrew Batson, nhận định: “Những số liệu trên cho thấy các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại và doanh thu không được như mong đợi khi nợ nần ngày càng phình to”.

Những khoản nợ đáng báo động nhất thuộc về các ngành công nghiệp chủ chốt như sắt thép, máy móc xây dựng, khai thác nhôm và than đá khi những doanh nghiệp này đang phải đối mặt với hiện tượng dư thừa công suất, lợi nhuận giảm.

Louis Kuijs, Giám đốc phụ trách Trung Quốc của Ngân hàng Hoàng gia Scotland có trụ sở tại Hồng Kông nhận định: “Điều này có thể khiến các doanh nghiệp mũi nhọn thu hẹp đầu tư và gây ra những bất lợi cho tổng thể nền kinh tế”.

Ông cũng cho biết, sẽ không đặt kỳ vọng quá cao vào GDP quý IV của Trung Quốc khi dự báo tăng trưởng có thể chỉ đạt 7.1%, thấp hơn so với mức dự báo 7.7% của Bloomberg. Lý giải cho dự báo của mình, ông Kuijs cho rằng trong những tháng cuối năm các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tập trung vào việc giảm nợ hơn là đầu tư nhà xưởng hay khai thác những mỏ khoáng sản mới.

Vấn đề phức tạp là rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang nợ Chính phủ và các ngân hàng cho vay cũng chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Việc phá sản đột ngột của một tập đoàn nhà nước có thể gây ra những tác động chính trị và tài chính khôn lường và đó là điều Chính phủ Trung Quốc không muốn nhìn thấy. Vì vậy, ở một góc cạnh nào đó, việc bảo hộ cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ khiến nợ công của Trung Quốc cao hơn so với con số ước tính 49% của GK Dragonmics.

Theo ước tính của tổ chức nghiên cứu này, nếu cộng tất cả nợ doanh nghiệp, nợ công và nợ hộ gia đình của Trung Quốc, con số thực tế sẽ lên tới 206% GDP.

Thêm vào đó, các khoản nợ nần đang có nguy cơ đẩy Trung Quốc vào tình trạng từng xảy ra vào năm 1990 là “nợ tam giác” - một khái niệm mô tả tình trạng nợ lòng vòng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp mà nếu không được thanh toán đúng hạn, rất nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh mất thanh khoản. Hệ quả là các vụ kiện tụng sẽ bùng nổ.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê Trung Quốc tới hết ngày 30/09, khoản phải thu của các doanh nghiệp đã lên tới 8,000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,300 tỷ USD), tăng 16.5% so với năm 2011, một dấu hiệu thực sự đáng lo ngại.

Việc cứu giúp các doanh nghiệp nhà nước có thể kéo Trung Quốc trở lại vũng lầy như năm 2008 khi Chính phủ liên tục bơm tiền như một biện pháp “chữa cháy” nhằm vực dậy các tập đoàn nhà nước.

Tổng tài sản của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng thêm tới 14,000 tỷ USD chỉ trong khoảng từ 2008-2013, tương đương với toàn bộ tài sản của các ngân hàng thương mại Mỹ.

Tháng 8 vừa qua, Tân Hoa Xã đăng xã luận cảnh báo Trung Quốc không nên thực hiện các biện pháp quá quyết liệt, tương tự như gói kích thích 632 tỷ USD năm 2008 để thúc đẩy nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm lại. Bài xã luận này có đoạn: “Một gói kích thích quy mô lớn sẽ đe dọa tăng trưởng bền vững của đất nước”.

Tuy nhiên, vấn đề không dễ giải quyết vì bất kỳ sự thay đổi quá mạnh tay nào đối với nợ khối doanh nghiệp cũng sẽ liên quan tới vấn đề dư thừa công suất.

Helen Lau, Chuyên viên phân tích cấp cao về kim loại và khai thác mỏ tại UOB Kay Hian cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất thép Trung Quốc có năng suất khoảng 900 triệu tấn mỗi năm, vượt nhu cầu khoảng 200 triệu tấn. Tuy nhiên, việc đóng cửa một dây chuyền sản xuất nào đó sẽ không thể sớm xảy ra vì các tập đoàn lớn được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các ngân hàng nhà nước và việc mở rộng quy mô mang tính chính trị hơn là hiệu quả kinh tế.

Hậu quả nhãn tiền theo dự báo của Standard & Poor’s (S&P) là các khoản nợ xấu của Trung Quốc sẽ không ngừng tăng lên. Nợ xấu được dự báo tăng từ mức 2% năm 2011 lên 3% vào cuối năm nay và rất có thể sẽ lên đến 5% vào cuối năm 2013.

Liao Qiang, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của S&P cho rằng: “Thách thức lớn của Trung Quốc không chỉ là việc huy động một lượng tiền lớn để bơm cho các doanh nghiệp mà còn là việc tìm nơi đáng tin cậy để trao nguồn vốn đó”.

Hương Giang (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Hơn 6 tỷ USD rút khỏi cổ phiếu toàn cầu trước nỗi lo “vực thẳm tài khóa” (19/11/2012)

>   Nhật Bản chồng chất khó khăn (19/11/2012)

>   Canada đẩy nhanh cắt giảm việc làm, tiết kiệm chi tiêu (19/11/2012)

>   IFC tăng cường đầu tư vào doanh nghiệp Indonesia (19/11/2012)

>   “Đông Nam Á là một khu vực tốt nhất để đầu tư" (18/11/2012)

>   "Đồng euro sẽ vẫn tiếp tục tồn tại trong dài hạn" (18/11/2012)

>   Giới phân tích hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ (18/11/2012)

>   Nhật Bản cho Myanmar vay dài hạn 615 triệu USD (18/11/2012)

>   EC lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ Latinh năm 2013 (18/11/2012)

>   Hai ngân hàng lớn của Mỹ đồng ý trả 417 triệu USD (18/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật