Thừa nhà băng, thiếu nhà khoa học
Sau thời kỳ “hoàng kim” của lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán nhưng thực chất là sự phát triển quá nóng, hệ lụy không chỉ là cục nợ xấu khổng lồ cho nền kinh tế mà còn lây lan sang nhiều lĩnh vực xã hội khác.
Bóng đá Việt Nam “tiêu điều” như vừa qua cơn bão, V.League năm tới vẫn chưa biết bao giờ khởi tranh vì không có tiền, vì một loạt các ông bầu có liên quan tới nhà băng sa cơ lỡ vận.
Nghề tài chính, ngân hàng đang “hot” bỗng đứng trước nguy cơ thất nghiệp hàng loạt vì nhiều nhà băng làm ăn yếu kém buộc phải tái cơ cấu, sáp nhập, cắt giảm nhân sự.
Theo Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính, 32.000 sinh viên ngành này ra trường vào năm 2013 sẽ phải đối mặt với cơn khủng hoảng thừa nhân lực, ít nhất 12.000 sinh viên sẽ không có chỗ trong các nhà băng.
Con số trên nếu nhân với 4 khóa đang theo học sẽ có khoảng 120.000 sinh viên ngành tài chính, ngân hàng lần lượt ra trường trong 4 năm tới.
Không biết bao nhiêu phần trăm trong số này sẽ tìm được việc làm đúng ngành nghề? “Cơn sốt” nhân lực tài chính, ngân hàng dăm năm qua đã khiến hệ thống giáo dục-đào tạo lãng phí hàng vạn sinh viên, khiến hàng vạn gia đình “đầu tư” sai địa chỉ, kéo theo sự lãng phí lớn nguồn lực của xã hội.
Nhìn rộng ra, trong hàng chục năm qua kể từ sau đổi mới, định hướng nghề nghiệp trong giới trẻ đã thiên lệch hẳn sang các ngành nghề kinh tế, trong khi các ngành khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, khoa học xã hội... ngày càng mất sức hấp dẫn, càng ít sinh viên theo học.
Sự mất cân đối đáng báo động trong chọn lựa nghề nghiệp của giới trẻ đang làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia, bên cạnh việc yếu kém về chất lượng và sức cạnh tranh vốn có.
Một quốc gia giàu mạnh, phát triển bền vững không thể thiếu nền khoa học công nghệ hiện đại. Một quốc gia văn minh, có đời sống văn hóa, tinh thần phát triển không thể thiếu sự phát triển của khoa học xã hội, không thể vắng bóng các nhà văn hóa lớn tầm cỡ khu vực và thế giới.
Nếu chỉ buôn bán, dịch vụ mà không có công nghệ nguồn, không sản xuất lớn, không công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quốc gia đó sẽ tụt hậu với nhân loại.
Một đất nước quy mô dân số lớn ngót trăm triệu dân như Việt Nam không thể chỉ đi lên bằng xuất khẩu tài nguyên thô, lúa gạo, cà phê hay nuôi trồng, đánh bắt thủy sản mãi được.
Nghị quyết T.Ư 6 về phát triển khoa học và công nghệ vừa ban hành khẳng định, “phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
“Đầu tư cho nhân lực khoa học và công nghệ là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc”.
Thực trạng thừa nhà băng, thiếu nhà khoa học hiện nay thật đáng phải suy ngẫm.
Việt Hùng
tiền phong
|