Thứ Sáu, 30/11/2012 16:08

Tài sản xấu như que kem, càng để lâu càng ngót

“Tài sản xấu trong ngân hàng có thể ví như những que kem, càng để lâu, càng tan chảy. Do vậy, khi đã nhận ra tình trạng nợ xấu đang trở nên nguy hiểm, như que kem ra khỏi ngăn lạnh, thì phải hành động ngay”, ông Keith Pogson, Giám đốc Dịch vụ tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ernst & Young chia sẻ với ĐTCK.

Ông Keith Pogson

Theo các báo cáo gần đây, tỷ lệ nợ xấu ở Việt Nam hiện đang tăng dần đều. Ông có nhận xét gì về tình trạng này?

Nợ xấu ngân hàng là vấn đề xảy ra ở tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Trong từng hoàn cảnh kinh tế cụ thể, tỷ lệ nợ xấu có thể cao hoặc thấp. Quan trọng là phải nhận biết đúng và đủ mức độ nợ xấu đã xảy ra, mà trước hết, cần xác định được ai sẽ là người nhận biết và đánh giá tỷ lệ nợ xấu một cách toàn diện và khách quan. Sau khi đã nhận biết đầy đủ về tỷ lệ nợ xấu thì phải có hành động nhanh và kịp thời. Thực tế cho thấy, nguyên nhân gây ra nợ xấu của từng tổ chức tín dụng (TCTD) tương đối rõ ràng và dễ phân tích, nhưng nếu nợ xấu trở thành vấn đề của cả hệ thống ngân hàng thì việc xác định nguyên nhân trở nên vô cùng phức tạp.

Theo tôi, không nên dành quá nhiều thời gian để trách móc và tranh cãi về nguyên nhân gây ra nợ xấu vì có rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, bên trong và bên ngoài. Để tìm hiểu một cách thấu đáo nguyên nhân gây ra nợ xấu, có thể mất hằng năm và khi tìm ra, nếu có thể, thì đã quá muộn. Khi đó, chúng ta sẽ nhận ra là đã sa đà vào việc tìm hiểu nguyên nhân mà quên mất việc quan trọng nhất khi có nợ xấu phát sinh là phải xử lý càng nhanh càng tốt.

Ông có nghĩ là quá trình xử lý nợ xấu ở Việt Nam đang quá chậm?

Quan điểm của tôi là, khi đã nhận ra vấn đề nợ xấu đang ở ngưỡng nguy hiểm thì phải hành động ngay và hành động ở đây là phải xử lý cho được nợ xấu để sớm khơi lại dòng tiền bị tắc nghẽn do nợ xấu gây ra. Một khi dòng tiền từ xử lý nợ xấu được khơi thông, nó sẽ tạo đà cho việc hồi phục hoạt động lành mạnh của các TCTD và sẽ tác động tích cực đến việc hồi phục của nền kinh tế. Có thể ví các tài sản xấu như những que kem: càng để lâu càng tan chảy nhiều, thậm chí chẳng còn gì.

Vậy, để xử lý nợ xấu nhanh, cần những hành động gì, thưa ông?

Chính phủ cần tạo ra một khung pháp lý và môi trường để xử lý nợ xấu một cách hiệu quả, chẳng hạn như: khung pháp lý để chuyển nợ xấu ra khỏi TCTD nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung; xử lý tài chính liên quan đến cơ chế chuyển nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của TCTD để giúp TCTD sớm khôi phục lại bảng cân đối kế toán lành mạnh; cơ chế khuyến khích về thuế, như ở một số quốc gia, bên mua và bên bán được miễn/giảm các loại thuế có liên quan nhằm khuyến khích các giao dịch xử lý tài sản dính dáng đến nợ xấu; cơ chế khuyến khích và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực kinh doanh nợ xấu; cơ chế trao thêm quyền tự chủ cho các TCTD trong việc xử lý nợ xấu, nhất là đối với các NHTM nhà nước hoặc NHTM nhà nước đã cổ phần hóa bằng cách chấp nhận bán nợ xấu thấp hơn giá trị ghi sổ để nhanh chóng thu hồi vốn cho ngân hàng; cho phép TCTD được thương thảo và chiết khấu cho khách hàng vay nợ gặp khó khăn để các khách hàng này trả nợ theo giá trị đã chiết khấu cho TCTD; cơ chế pháp lý nhằm cho phép các TCTD có thể xử lý nhanh (bán/sang nhượng) các tài sản đảm bảo là các bất động sản, nhà xưởng, mà theo tôi được biết, đang bị vướng rất nhiều về thủ tục pháp lý.

Nếu hệ thống ngân hàng có thể thực hiện các biện pháp trên, vấn đề nợ xấu sẽ được xử lý rất nhanh. Bước tiếp theo là thực hiện bán đấu giá các danh mục nợ xấu được đóng gói và cố gắng thực hiện thành công các cuộc đấu giá như vậy nhằm tạo ra thị trường mua bán nợ xấu. Nếu thực hiện đến bước này, coi như việc xử lý nợ xấu cơ bản đã hoàn thành. Một khi thị trường đã được tạo dựng, nó sẽ tự vận hành theo quy luật của mình. Về phía TCTD, khi đã bán được nợ xấu, các TCTD sẽ được thổi luồng sinh khí mới để thực hiện tự tái cơ cấu nhằm tránh thiệt hại tương tự xảy ra và bản thân TCTD cũng rút ra các bài học quan trọng cho công tác điều hành, quản trị rủi ro và xây dựng một chiến lược kinh doanh mới, tích cực, an toàn và hiệu quả.

Có những kinh nghiệm xử lý nợ xấu nào Việt Nam nên học hỏi?

Mô hình thành lập công ty quản lý nợ xấu của Hàn Quốc (KAMCO) cho hệ thống ngân hàng đầu những năm 2000 được coi là một trong những mô hình xử lý nợ xấu ở tầm quốc gia thành công nhất thế giới trong vòng 20 năm qua. Một số quốc gia khác cũng thành lập các công ty quản lý nợ xấu dưới hình thức liên doanh với các đối tác nước ngoài để tận dụng sức mạnh tài chính của đối tác nước ngoài cũng như của các khách hàng đa dạng của đối tác nước ngoài nhằm mua lại các tài sản của công ty quản lý nợ xấu. Theo kinh nghiệm của tôi, việc cho phép các đối tác nước ngoài tham gia xử lý nợ xấu sẽ không làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, vì về bản chất, tài sản xấu đó vẫn nằm trong lãnh thổ Việt Nam và việc tái cơ cấu các khoản nợ xấu về sau sẽ được thực hiện tại Việt Nam và nếu thực hiện tái cơ cấu thành công thì cơ sở kinh doanh được tái cơ cấu sẽ đóng góp vào tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Việt Nam đang triển khai thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia (VAMC), nhưng có những quan ngại về “lợi ích nhóm” có thể phát sinh, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Theo tôi, “lợi ích nhóm” trong hoạt động của AMC không rõ ràng, nhất là khi mục tiêu của AMC là nhằm xử lý nợ xấu trong thời gian ngắn nhất nhằm giúp TCTD sớm loại bỏ các tài sản xấu khỏi bảng cân đối kế toán để tập trung nguồn lực vào phát triển hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong thực tế, có thể xảy ra những tình huống có thể coi là một dạng của “lợi ích nhóm”, nhưng thực chất chỉ là những đặc điểm cố hữu của hình thức mua bán nợ. Ví dụ, một số vấn đề liên quan đến hoạt động mua bán nợ giữa TCTD và Công ty AMC có thể dẫn đến những suy diễn về “lợi ích nhóm” hoặc có yếu tố tiêu cực, nhưng đó là thực tế của ngành kinh doanh mua bán nợ trên thế giới, chẳng hạn như việc định giá tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu, việc quyết định giá bán hoặc chọn đối tượng mua nợ; việc TCTD bán tài sản đảm bảo thấp hơn giá trị ghi sổ và chấp nhận lỗ (nhưng có nguồn tiền mới để tập trung cho chiến lược kinh doanh mới); việc TCTD sau khi bán nợ có thể bị giảm vốn chủ sở hữu do thiệt hại từ xử lý nợ xấu đòi hỏi phải được tái cấp vốn nhằm có được tình hình tài chính lành mạnh theo quy định và theo thông lệ; việc bán nợ cho đối tác nước ngoài…

Một khi AMC đã xây dựng được cơ chế quản trị rủi ro, kiểm tra, kiểm soát; các quy trình, quy chế đầy đủ, chặt chẽ và đảm bảo sự minh bạch thì vấn đề “lợi ích nhóm” không phải là mối quan ngại của thị trường. Bản chất cuối cùng của việc mua bán nợ vẫn là một hoạt động kinh doanh, do đó, sẽ có lúc, các bên tham gia mua bán có thể được và mất và không có đáp án hoàn hảo cho tất cả mọi người.

Hồng Dung thực hiện

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   3 nút thắt khi xử lý tài sản bảo đảm (30/11/2012)

>   Thanh khoản dồi dào, ngân hàng sử dụng vốn linh hoạt (30/11/2012)

>   Tuần tới sẽ họp bàn giảm lãi suất (30/11/2012)

>   Chuyển vàng gửi thành tiền lưu thông: Rủi ro lớn (30/11/2012)

>   Lãi suất huy động có thể giảm thêm 1% (30/11/2012)

>   Trần lãi suất cho vay và câu chuyện “xả lũ hồ Dầu Tiếng” (30/11/2012)

>   Tín dụng có dấu hiệu tăng nhưng không mạnh (30/11/2012)

>   Đừng để dân đem vàng về cất (30/11/2012)

>   "Lợi ích nhóm" làm cản trở quá trình xử lý nợ xấu (30/11/2012)

>   Khơi thông vốn cho nền kinh tế (30/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật