Thứ Sáu, 30/11/2012 11:30

Tín dụng có dấu hiệu tăng nhưng không mạnh

Chia sẻ ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM.

Ông Nguyễn Hoàng Minh

Ông có thể cho biết về tình hình cung – cầu vốn trên địa bàn dịp cuối năm?

Hiện các ngân hàng thương mại đang ra sức đẩy vốn vào thị trường, với nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất. Không ít ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống mức 10 - 11%/năm. Trước mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn của thị trường, các doanh nghiệp còn có nhiều lý do nên chưa thể tiếp cận được vốn vay để phục vụ cho hoạt động sản xuất- kinh doanh. Cụ thể, hàng tồn kho tăng, doanh nghiệp hết tài sản để thế chấp vay vốn, trong khi sức mua thị trường lại giảm…

Vậy, các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đã giải ngân được bao nhiêu trong tổng số 200.000 tỷ đồng đưa ra phục vụ doanh nghiệp trong dịp cuối năm nay như kế hoạch đề ra?

Đến thời điểm này, sau chưa đầy một tháng đưa ra ngân khoản 200.000 tỷ đồng để phục vụ khách hàng doanh nghiệp dịp Tết Quý Tỵ, các ngân hàng thương mại đã giải ngân được khoảng 77.000 tỷ đồng. Hiện các ngân hàng đang tích cực tháo gỡ khó khăn cũng như đẩy mạnh vốn hỗ trợ cho khách hàng để phục vụ nhu cầu cao điểm cuối năm. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là các nhà băng sẽ ồ ạt cho vay mà trên cơ sở thận trọng lựa chọn khách hàng để hạn chế tối đa rủi ro, nhất là trước bối cảnh nợ xấu vẫn là mối đe dọa trong phát triển tín dụng. Vì thế, khó có thể kỳ vọng tăng trưởng dư nợ tăng nhanh trong các tháng cuối năm.

Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng trong những tháng cuối năm ra sao, thưa ông?

Hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại ở khu vực Thành phố đang có dấu hiệu tích cực hơn những tháng trước đây. Tính đến cuối tháng 11/2012, tăng trưởng tín dụng khu vực TP. HCM đạt 4% và tôi cho rằng, với đà tăng trưởng như hiện nay, khả năng đến hết năm 2012, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn sẽ đạt khoảng 5,4%. Bởi những tháng cận Tết Nguyên Đán, nhu cầu vốn của khách hàng sẽ tăng. Hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại khá dồi dào và vì thế việc đẩy mạnh cho vay sẽ tiếp tục được nhà băng thực hiện cùng với việc cắt giảm chi phí.

Cái khó nhất trong việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp hiện nay là gì, thưa ông?

Nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng, mặt bằng lãi suất hiện nay chưa thể tiếp cận vốn vay để mở rộng sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Nhưng tôi cho rằng, cái khó của doanh nghiệp trong việc vay vốn hiện nay chính là về tài sản đảm bảo. Trước áp lực hàng tồn kho tăng, các doanh nghiệp đã cạn tài sản để thế chấp ngân hàng khi có nhu cầu về vốn vay. Tuy nhiên, để có thể chia sẻ cùng với các doanh nghiệp trước bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hiện các ngân hàng cũng đã linh hoạt hơn bằng cách cho doanh nghiệp thế chấp bằng dòng tiền bán hàng khi có nhu cầu vay vốn, thay vì khăng khăng đòi tài sản thế chấp bằng bất động sản như trước đây…

Theo ông, xu hướng lãi suất trong thời gian tới liệu có giảm thêm so với hiện nay?

Cho đến nay, chúng tôi nhận thấy rằng, chưa có một dấu hiệu gì cho thấy lãi suất có thể giảm thêm Tuy nhiên, đối với từng ngân hàng cũng đã bắt đầu tiết giảm chi phí có thể để giảm lãi suất cho vay. Vì như thế mới có thể thu hút được khách hàng vay vốn và ngân hàng mới mở được tín dụng, ngược lại sẽ còn rất khó khăn.

Nợ xấu đang được coi là “cục máu đông” cản trở dòng chảy của tín dụng. Việc xử lý “cục máu đông” này được các ngân hàng trên địa bàn tiến hành ra sao, thưa ông?

Hiện các ngân hàng đang ráo riết xử lý nợ xấu. Các ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, thể hiện qua việc lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm mạnh. Theo số liệu báo cáo về Ngân hàng Nhà nước TP. HCM, lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn 10 tháng đầu năm nay chỉ mới bằng 28,5% của cả năm trước. Mặt khác, các ngân hàng cũng ra sức tái cơ cấu các khoản nợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để có thể thu hồi được vốn… Vì thế, đến thời điểm này tuy nợ xấu của các ngân hàng chưa thể giảm mạnh, nhưng cũng đã bắt đầu có dấu hiệu giảm. Cụ thể, đến cuối tháng 11/2012, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn đã giảm xuống 6%, từ mức 6,2% của tháng trước đó.

Thùy Vinh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Đừng để dân đem vàng về cất (30/11/2012)

>   "Lợi ích nhóm" làm cản trở quá trình xử lý nợ xấu (30/11/2012)

>   Khơi thông vốn cho nền kinh tế (30/11/2012)

>   Khó kích tín dụng nếu không giảm lãi suất (30/11/2012)

>   Chứng thư bảo lãnh: Chuyện nhỏ, bài học lớn (30/11/2012)

>   Trầy trật đấu giá tài sản thế chấp (29/11/2012)

>   Ngân hàng trông chờ tín dụng xuất khẩu (29/11/2012)

>   IMF: Việt Nam cần gấp rút giải quyết nợ xấu (29/11/2012)

>   TPHCM: Chuyển biến tăng trưởng tín dụng (29/11/2012)

>   Lãi suất sẽ phù hợp với diễn biến lạm phát (29/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật