Thứ Tư, 28/11/2012 06:37

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thách thức cột mốc 2015

Đến 31/12/2015, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thoái hết vốn đã đầu tư ngoài ngành, nhưng nếu không có những cú huých bước ngoặt thì mục tiêu này có thể sẽ là thách thức.

Để triển khai tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2012 - 2015, hai giải pháp lớn được Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nêu ra là đẩy mạnh cổ phần hóa theo hướng giảm số lượng DNNN; đồng thời đến 31/12/2015, các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) phải thoái hết lượng vốn đầu tư ngoài ngành. Tuy nhiên, nếu không có những cú huých mang tính bước ngoặt, cả hai giải pháp này đều gặp những thách thức lớn.

Tài sản lớn hơn GDP hàng năm

Nắm giữ một nguồn lực lớn của đất nước, nhưng hiệu quả hoạt động của khối DNNN vẫn khiến hầu hết diễn giả tại Hội thảo “Giám sát và đánh giá hoạt động của DNNN” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức SIDA (Thụy Điển) tổ chức ngày 22/11 băn khoăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2011, tính chung cả khu vực DNNN thì tổng tài sản đạt khoảng 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng tài sản của toàn bộ khối DN và lớn hơn tổng GDP hàng năm của Việt Nam.

Mức tăng trưởng các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh số liệu báo cáo hợp nhất của các TĐ, TCT từ 2007-2011

Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Trung, Phó trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (CIEM), hiệu quả thực sự của việc sử dụng nguồn lực này là vấn đề chưa có câu trả lời chính xác và thống nhất. Điển hình là những con số được công bố giai đoạn 2009 - 2010 của Tập đoàn Vinashin với nợ phải trả lên tới khoảng 86.000 tỷ đồng, nợ đến hạn phải trả trên 14.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp 11 lần… Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn còn nhiều tranh luận về giá trị thực của tài sản, vốn nhà nước, các khoản nợ, mức độ thua lỗ của tập đoàn này.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo trước Quốc hội đầu tuần qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, căn cứ báo cáo của 91 TĐ, TCT, năm 2011, tổng tài sản của các TĐ, TCT là 2.093.907 tỷ đồng, tăng 16% so với thực hiện năm 2010. Trong đó, nợ phải thu là 296.541 tỷ đồng (bằng 14,1% tổng tài sản), tăng 13,8% so với năm 2010…

Tuy nhiên, con số nợ phải trả của khối DN này mới đáng báo động, tính đến cuối năm 2011 lên đến 1.292.400 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2010. Có 30 TĐ, TCT, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Điển hình như Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (56,47 lần); Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (21,85 lần); Tổng công ty Hàng hải (15,07 lần)… Về số tuyệt đối, TĐ nào có quy mô càng lớn thì nợ phải trả cũng lớn tương ứng. Các đại gia như Tập đoàn Dầu khí có nợ phải trả 286.817 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực, nợ phải trả 275.278 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp xây dựng, nợ phải trả 69.577 tỷ đồng… Những “con số khủng” này nói lên sự phụ thuộc rất lớn vào vốn vay của các DNNN để duy trì hoạt động. Sự “ì ạch” của khối DN này cũng có nguyên nhân phụ thuộc quá lớn vào vốn vay.

Tuy nhiên, báo cáo được Bộ trưởng Vương Đình Huệ đưa ra trước Quốc hội lần này cũng chưa tách bạch khoản lỗ nào, nợ nào là do khách quan, đâu là do chủ quan, yếu kém của ban điều hành các TĐ, TCT. Vì vậy, cứ mỗi khi thua lỗ, điệp khúc thường thấy của các TĐ, TCT là đổ cho nguyên nhân khách quan, do phải làm nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế…

Vì lẽ đó, hồi tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã phải có công văn gửi Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ thêm lý do lỗ, nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan là gì. Nếu việc này được thực hiện rốt ráo thì đây là một bước ngoặt quan trọng trong việc giám sát các TĐ, TCT.

Đặc biệt, trong 5 - 7 năm qua, đã xuất hiện tình trạng các TĐ, TCT đầu tư thành lập các công ty con, công ty cháu một cách tràn lan để kinh doanh trong những lĩnh vực rủi ro như: chứng khoán, bất động sản, tài chính. Tuy nhiên, các cơ quan giám sát đã không kiểm soát được tình trạng này. Nguyên nhân, theo TS. Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban cải cách DN (CIEM) là do cơ chế giám sát có vấn đề.

Đơn cử, khi toàn bộ DNNN đã chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp từ 1/7/2010 thì Luật DNNN không còn đối tượng điều chỉnh. Tuy nhiên, hiện nhiều văn bản hướng dẫn luật này vẫn tiếp tục được áp dụng khi chưa có các văn bản thay thế. Vì thế, đã có sự thiếu nhất quán trong hệ thống các văn bản về giám sát và đánh giá DNNN.

Đặc biệt một lý do được chỉ ra do phân cấp nên không có một cơ quan nào chịu trách nhiệm về giải trình hiệu quả hoạt động của khối DNNN. “Trong các văn bản pháp quy hiện tại không có quy định nào quy định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính”, TS. Cường nói và nhận định, mỗi khi các đơn vị này có vấn đề phát sinh mới thanh tra, kiểm tra, giám sát… đó là cái vòng luẩn quẩn trong công tác quản lý, giám sát DNNN.

“Thay vì vẫn tổ chức giám sát tản mạn, cần thành lập tổ chức chuyên ngành và chuyên nghiệp để giám sát các TĐ, TCT lớn”, ông Cường nói.

Thoái vốn và cổ phần hóa

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nhận định, một trong những giải pháp tái cơ cấu là gấp rút thoái vốn đầu tư ngoài ngành của khối DNNN. Tuy nhiên, theo ông Huệ, do tình hình kinh tế thế giới và trong nước suy thoái, thị trường tài chính, chứng khoán khó khăn, nên việc thoái vốn ở những lĩnh vực này đang gặp rất nhiều thách thức.

Về con số cụ thể, tính đến 31/12/2011, các công ty mẹ đã đầu tư vào những lĩnh vực ngoài ngành (chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, ngân hàng...) 23.744 tỷ đồng, tăng 3.056 tỷ đồng (15%) so với năm 2010. Theo Đề án “Tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành, địa phương, TĐ, TCT phải khẩn trương, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu DN của mình, trong đó, việc thoái vốn ở những lĩnh vực nêu trên cần phải hoàn thành trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính hiện nay và năm 2013 chưa có tín hiệu gì sáng sủa thì khả năng thoái vốn thành công của các TĐ, TCT là chưa có gì chắc chắn. Nguyên nhân quan trọng là các khoản đầu tư ngoài ngành trước đây bị vướng quy định về việc bảo toàn vốn, nên các TĐ, TCT không thể cắt lỗ. Các khoản đầu tư này cứ treo trên báo cáo tài chính, dù giá trị thực đã giảm rất mạnh theo biến động thị trường.

Đối với giải pháp cổ phần hóa theo hướng giảm số lượng DNNN và vốn nhà nước tại DN, Bộ trưởng Huệ cho biết, tính đến 30/9/2012, cả nước sắp xếp được 5.857 DN, trong đó cổ phần hóa 3.952 DN và bộ phận DN.

Tuy nhiên, việc cổ phần hoá, chuyển một số đơn vị thuộc TĐ, TCT thành CTCP cũng gặp nhiều khó khăn liên quan đến kiểm toán, xác định giá trị DN, đối chiếu công nợ, đấu thầu chọn tư vấn định giá... đã làm cho quá trình cổ phần hóa kéo dài hơn tiến độ quy định.

Các đơn vị đã có quyết định cổ phần hoá đang gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của những khó khăn kinh tế trong nước và nước ngoài; giá trị cổ phần kém hấp dẫn nên việc cổ phần hoá không đảm bảo đúng thời gian quy định.

“Công tác cổ phần hoá còn chậm, nhất là những năm gần đây do tình hình kinh tế suy thoái, TTCK sụt giảm. Nhiều DN thực hiện phá sản, giải thể nhưng rất khó khăn, nhiều trường hợp kéo dài trên 10 năm”, ông Huệ nói.

Để có thể đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN, ông Nguyễn Duy Long, Trưởng phòng đổi mới, sắp xếp và phát triển DN - Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính cho rằng, cần phải khắc phục cho được những điểm nghẽn cơ bản như cần rà soát, điều chỉnh lại một số cơ chế tài chính về đất đai trong quá trình cổ phần hoá, xem xét điều chỉnh lại quy định tổ chức đấu thầu chọn tổ chức tư vấn định giá DN; rà soát điều chỉnh các quy định ràng buộc đối với nhà đầu tư chiến lược theo hướng thực hiện phân cấp cho ban chỉ đạo cổ phần hoá xem xét, quyết định cụ thể đối với từng DN cổ phần hoá....

Được biết, đến ngày 22/10/2012, đã có 52 TĐ, TCT xây dựng đề án tái cơ cấu trình bộ chuyên ngành và Thủ tướng phê duyệt (trong đó có 16 đề án đã trình Thủ tướng). Trong đó, có 23 TĐ, TCT được phê duyệt đề án tái cơ cấu. Sắp tới, Chính phủ cũng sẽ ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến hoạt động quản lý khối DNNN như Nghị định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước; Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu... Tuy nhiên, một quan điểm được nhiều chuyên gia đồng tình là, để tái cơ cấu thành công, trước hết các TĐ, TCT cần minh bạch hoạt động, tiêu chí công khai cần thực hiện theo thông lệ của khối DN niêm yết.

“Nếu thực hiện được việc này, lần đầu tiên, không chỉ người dân, mà chính cơ quan quản lý sẽ tiếp cận được gần như toàn bộ những thông tin quan trọng liên quan trực tiếp đến tiền, tài sản, mối quan hệ giữa các nhân sự chủ chốt với những người có liên quan tại DNNN”, một chuyên gia kinh tế cho biết.

Trọng Đức

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thất thoát trong xây dựng cơ bản vì “ăn chia như ở chợ” (27/11/2012)

>   Nhà máy Guang Lian Dung Quất khởi công năm 2014 (27/11/2012)

>   Việt Nam sử dụng năng lượng không hiệu quả (27/11/2012)

>   Ngành công nghiệp chế biến đối mặt nhiều khó khăn (27/11/2012)

>   Lượng doanh nghiệp mới vẫn trong xu hướng giảm (27/11/2012)

>   19.698 doanh nghiệp Tp.HCM ngừng kinh doanh (27/11/2012)

>   Vụ 1 đô mua doanh nghiệp nợ triệu đô: Lộ diện chiêu lừa đảo (27/11/2012)

>   Quý IV: Cá tra nguyên liệu đủ cho chế biến, xuất khẩu sẽ tăng (27/11/2012)

>   Bánh kẹo tết dồi dào, giá tăng nhẹ (27/11/2012)

>   Rà soát hoàn thiện quy hoạch phát triển cảng biển (26/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật