Soi doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận đột biến 9 tháng đầu năm
9 tháng đầu năm 2012, thị trường chứng khoán xuất hiện những doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, gấp 10 lần hay thậm chí trên 60 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có thể thấy nhiều doanh nghiệp có được kết quả này chủ yếu lại do kết quả kinh doanh “teo tóp” của năm liền trước.
KAC. Đứng đầu danh sách tăng trưởng đột biến là Địa ốc Khang An (KAC) với mức lãi ròng từ 744 triệu cùng kỳ trước tăng lên 46 tỷ đồng, doanh thu thuần cũng rất ấn tượng, từ 27 tỷ lên 281 tỷ đồng. Việc doanh thu của công ty tăng đột biến như trên là nhờ chuyển nhượng 80% dự án KDC tại Phường Tân Tạo A, quận Bình Tân cho Dacin Holding Singapore.
Tuy vậy, nếu nhìn lại những con số của hai năm về trước, khi 3 quý đầu năm 2010, KAC đạt được lãi ròng 42.5 tỷ đồng và doanh thu 111 tỷ đồng, xét ra thì mức tăng trưởng trên không đáng là bao.
CMI. Cái tên tiếp theo trong danh sách này là Cmistone Việt Nam (CMI), tăng trưởng lãi ròng lên đến hơn 22 lần, đạt 17 tỷ đồng; song doanh thu lại sụt giảm hơn gấp đôi. Nguyên nhân cho sự tăng trưởng không đồng bộ trên là do doanh nghiệp cắt giảm được đáng kể giá vốn hàng bán. Nguồn thu của công ty ở kỳ này chủ yếu đến từ dự án thủy điện Đăckring là 22.5 tỷ đồng.
Tương tự như KAC, nếu nhìn về kết quả kinh doanh năm 2010, khi doanh thu thuần của CMI đạt 66.3 tỷ đồng và lãi ròng là 10 tỷ đồng thì kết quả trên cũng có nhiều đột biến.
VE9. Đình đám không kém là Vneco 9 (VE9), lãi ròng gấp 19 lần kỳ trước, tuy nhiên nhìn con số tuyệt đối thì lãi ròng cùng kỳ trước chỉ 120 triệu đồng. Xét lũy kế 9 tháng đầu năm 2010, doanh thu là 33.5 tỷ và lãi ròng 1.48 tỷ, mức chênh lệch cũng không hề lớn.
CID, TPH. Tương tự như VE9, CID và TPH có lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm ngoái chỉ đạt 37 và 70 triệu đồng, nếu xét % chênh lệch thì lần lượt lên đến 1,219%, 1,493%. Tuy nhiên xét con số tuyệt đối thì không đáng là bao, so cả cùng kỳ cách đây 2 năm thì tăng trưởng không có gì là đột biến.
Nhìn chung hầu hết các công ty trên đạt tăng trưởng ấn tượng đều do cùng kỳ năm 2011 có kết quả kinh doanh kém khả quan dẫn đến năm 2012 ghi nhận những con số tăng trưởng khủng. Tuy nhiên, nếu nhìn cả quá trình hoạt động những năm trước có thể dễ dàng thấy được những kết quả trên không có gì đột biến và khá bình thường với doanh nghiệp. Thậm chí với S99 còn là sự sụt giảm mạnh lợi nhuận khi cùng kỳ 2010 lãi ròng là 14 tỷ đồng.
Lãi ròng 9 tháng qua các năm
ĐVT: triệu đồng
|
PAN. CTCP Xuyên Thái Bình (PAN) không nằm trong xu hướng trên, lãi ròng trong 3 quý đầu năm 2012 thực sự là sự đột biến lên đến 73 tỷ đồng, khi mà cùng kỳ năm 2011 chỉ là 6.5 tỷ và năm 2010 là 8.6 tỷ. Xét về doanh thu thì sự tăng trưởng là khá đều đặn, xoay quanh mốc 18% trong 3 năm qua. Tuy nhiên, có thể thấy phần lớn lợi nhuận này (50 tỷ đồng) lại đến từ hoạt động liên kết với công ty Xuất nhập khẩu An Giang, cụ thể đây là chênh lệch hợp lý của tài sản thuần với giá mua công ty này.
CSM. Ở một xu hướng ngược lại, Casumina (CSM) đáng để lưu tâm trong danh sách khi lãi ròng 9 tháng 2012 tăng trưởng mạnh, hơn 10 lần cùng kỳ. Công ty có được thành quả này nhờ cắt giảm khá lớn giá vốn hàng bán, trong đó giảm được 200 tỷ đồng khi dự trữ được vật tư giá thấp và chính sách tiết kiệm năng lượng phát huy hiệu quả.. Mức lợi nhuận này cũng tăng 66% khi so sánh với cùng kỳ năm 2010.
3 con số lãi khủng
Ngoại trừ lĩnh vực tài chính, toàn thị trường niêm yết ghi nhận ba đơn vị có lãi ròng khủng , trên 2,000 tỷ đồng là GAS, VNM và DPM.
PV Gas (GAS) lãi ròng 7,300 tỷ đồng, tăng 64% so cùng kỳ, là công ty có mức tăng trưởng tốt nhất trong top 10 doanh nghiệp lãi ròng cao. Đứng vị trí thứ hai cả về lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng, Vinamilk (VNM) có lãi ròng 4,200 tỷ đồng, tăng 31%. Với Đạm Phú Mỹ (DPM), mức tăng lợi nhuận tuy không lớn chỉ 11%, nhưng lại có con số tuyệt đối đầy hấp dẫn, hơn 3,600 tỷ đồng về lãi ròng, duy trì vị trí thứ 3 trên thị trường.
Đây đều là những gương mặt sáng giá trong những năm vừa qua.
|
Mỹ Hà (Vietstock)
FFN
|