Thứ Ba, 06/11/2012 08:41

AVS: Không loại trừ khả năng sẽ đóng cửa

Trong Đại hội đồng cổ đông bất thường chiều 2/11, đa số cổ đông của CTCK Âu Việt (AVS) đã đồng ý với phương án xin rút tư cách thành viên ở 2 Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký chứng khoán.

Để tìm hiểu sâu hơn về câu chuyện này, ĐTCK đã có cuộc phóng vấn với ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch của AVS.

Thưa ông, lý do lớn nhất khiến AVS quyết định rút nghiệp vụ môi giới là gì?

Xin giải thích lại là AVS chỉ rút tư cách thành viên ở 2 Sở GDCK và Trung tâm Lưu ký, chứ không rút nghiệp vụ môi giới. Nghĩa là về giấy phép, chúng tôi vẫn còn nghiệp vụ này. Nhưng thực tế thì đúng là AVS sẽ không còn triển khai môi giới nữa.

AVS quyết định như vậy là nhìn từ bức tranh thực tế. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản…, đang rất khó khăn. Chúng tôi nhận thấy, với tình hình này, TTCK trong 3 - 5 năm tới khó có thể bứt phá được. Các nguồn tiền hỗ trợ cho TTCK cả trong nước lẫn nước ngoài đều sụt giảm. Bây giờ và cả sau này, TTCK muốn phát triển phải tự thân tự lực, chứ khó trông chờ lực đỡ nào. Mà TTCK không thể tự lực đứng lên nếu kinh tế vĩ mô vẫn khó như hiện nay.

Thứ hai, nhìn điều kiện hiện tại thì quy mô TTCK Việt Nam rất nhỏ, giao dịch thấp. Trong khi đó, 50% thị phần lại tập trung vào 5 - 10 CTCK lớn. Dù AVS rất muốn và còn tiền mặt thì AVS không có cửa để cạnh tranh môi giới. Thực tế, giá trị giao dịch ở AVS chỉ 4 tỷ đồng/ngày, chỉ đủ để tạo phí như… “cháo húp quanh”, chứ chưa gọi là cơm. Muốn cải thiện, AVS phải đầu tư mạnh về công nghệ, nhân sự, mặt bằng… Số tiền lớn đó AVS không có và quan trọng nhất là bỏ ra rồi chưa chắc giành được thị phần. Thôi thì trong lúc cần “tránh bão”, cứ cắt giảm được chi phí, giảm được thiệt hại thì làm. Ước tính, nếu không làm môi giới, AVS giảm được 10 - 12 tỷ đồng chi phí mỗi năm.

Không thực hiện môi giới nữa, AVS “sống” ra sao?

Môi giới không phải là thế mạnh của AVS.

Không thực hiện môi giới nữa, AVS sẽ dành ưu tiên cho hoạt động đầu tư theo chiều sâu. Nghĩa là chúng tôi sẽ tham gia mua cổ phần chi phối ở DN và tham gia điều hành ở mức có thể.

Hiện tại, AVS có 3 - 5 khoản đầu tư kiểu này.

AVS đánh giá mình có cơ hội cải thiện doanh thu, lợi nhuận khi đẩy mạnh mảng đầu tư này không, thưa ông?

Cũng rất khó nói trong bối cảnh như hiện nay.

Trong đầu tư, quan trọng là phải có vốn. AVS có tự tin mình đủ vốn để đẩy mạnh mảng này?

Thú thật là AVS không tự tin về vốn.

Trong khi đó, cổ phiếu AVS đã giảm quá sâu và đa số NĐT bán ra hơn là nắm giữ.

Bây giờ, nếu AVS cần huy động vốn thì không biết sẽ gọi vốn ra sao.

Nghĩa là AVS chỉ mới định hướng sẽ tập trung mảng đầu tư sâu vào DN, chứ về thực lực thì vẫn chưa sẵn sàng?

Đúng vậy.

Nói thật lòng, nhiều lúc, chúng tôi đã tự hỏi mình nên tiếp tục hay dẹp luôn để làm chuyện khác. Nhưng đâu có phải muốn dẹp là dẹp.

Bước đầu tiên để dẹp là AVS phải hủy niêm yết. Trong khi AVS vướng quy định muốn hủy niêm yết phải có ít nhất 51% cổ phần có quyền biểu quyết (trừ cổ đông lớn) thông qua. Đây là điều gần như không thể thực hiện được ở AVS. Chúng tôi đành chọn giải pháp tạm “tránh bão”, chờ điều kiện cho phép, chờ tín hiệu “đèn xanh” thì sẽ hủy niêm yết và không loại trừ khả năng đóng cửa nếu TTCK quá xấu.

Tại sao ông không nghĩ tới giải pháp như sáp nhập, mua bán như thông điệp của một số lãnh đạo CTCK vừa qua?

Trước đây chúng tôi cũng đã nghĩ tới. Nhưng ai có nhu cầu mua những CTCK nhỏ bé, yếu kém đây?

Còn sáp nhập với các công ty nhỏ nữa thì theo tôi, đó cũng như hành động gom nhiều “đống rác” nhỏ lại thành “đống rác” lớn mà thôi.

Khách hàng và cổ đông của AVS sẽ được hỗ trợ gì cho những bước đi này của AVS?

Về cổ đông, nội bộ chúng tôi đã có nhiều đợt mua vào. Vì vậy mà nhóm cổ đông nội bộ, cổ đông sáng lập từ chỗ nắm tỷ lệ không cao, đã giữ hơn 70% vốn ở AVS.

Đối với khách hàng, ngay sau Đại hội bất thường này, AVS sẽ công bố rộng rãi và dành khoảng 1 tháng để khách hàng chuyển tài khoản. Chúng tôi đã ký hợp đồng với CTCK SSI, CTCK Đông Á để nhận khách hàng của AVS chuyển sang. Chúng tôi cử nhân viên theo để chăm sóc, làm các thủ tục cần thiết cho khách hàng.

Ngọc Thủy thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   PHR: 10 tháng lãi 489 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch (06/11/2012)

>   PSC: 9 tháng lãi trước thuế đạt 51% kế hoạch (05/11/2012)

>   OCS công bố điều chỉnh số liệu BCTC quý 3/2012 (05/11/2012)

>   PVG: Lợi nhuận 9 tháng đầu năm giảm 86% (06/11/2012)

>   HU3: Dự kiến giảm 40% kế hoạch lãi trước thuế 2012 (05/11/2012)

>   NBB sẽ bán hết 139,400 cổ phiếu quỹ (06/11/2012)

>   CTX: Từ chối mọi cáo buộc về sai phạm sau thanh tra (05/11/2012)

>   SD5: 9 tháng đạt 62% kế hoạch lợi nhuận (06/11/2012)

>   CMS: Lấy ý kiến điều chỉnh kế hoạch 2012 (05/11/2012)

>   VIT: Tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng Nhà máy (05/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật