Phân bổ ngân sách 2013: Lo đầu tư ít, “xin” cho vùng khó
Chiều ngày 31/10, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013. Nhiều đại biểu Quốc hội đã “hiến kế” tăng thu cho ngân sách, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư phát triển.
Năm khó khăn nhất về vốn phát triển
Chiều ngày 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2013. Nhiều ý kiến phát biểu tỏ ra quan ngại về nguồn vốn đầu tư phát triển có thể giảm về giá trị tuyệt đối trong năm tới, trong so sánh với năm nay; đồng thời kiến nghị có những quan tâm nhất định đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, khu vực khó khăn…
Thu từ xuất khẩu dầu thô là nguồn thu quan trọng cho ngân sách.
|
Theo nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sang năm 2013, nhu cầu đầu tư của các địa phương và các bộ, ngành Trung ương rất lớn. “Có thể nói nguồn lực của chúng ta đáp ứng rất thấp so với nhu cầu”, ông Vinh nói.
Theo phương án của Chính phủ, năm 2013 nguồn vốn đầu tư phát triển sẽ chỉ có thể cân đối trong khoảng 180 nghìn tỷ đồng, không thay đổi so với kế hoạch dự toán năm nay. Dù đánh giá là nguồn vốn phân bổ rất thấp so với nhu cầu, song Bộ trưởng Vinh cũng “để ngỏ” khả năng có thể phân bổ trên thực tế còn không đạt được con số trên, nếu tiếp tục thực hiện lộ trình tăng lương.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư khiến nhiều địa phương tỏ ra lo ngại. Bối cảnh nền kinh tế đang rất khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng chỉ có tăng chi mới khuyến khích tăng thu, từ đó đảm bảo hài hòa lợi ích cả ngắn hạn và dài hạn, giữa đầu tư cho phát triển trong tương lai và cân đối nguồn lực trước mắt.
“Cách bố trí vốn ngân sách cho đầu tư phát triển như vậy là thiếu tích cực, coi trọng ngắn hạn hơn dài hạn”, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) thẳng thắn góp ý kiến.
Chia sẻ quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng cho rằng, hiện nay, nhu cầu đầu tư hạ tầng rất bức xúc, nên nếu cắt giảm thì không hợp lý. Hơn nữa, đầu tư của xã hội đã cắt rồi mà đầu tư công giảm nữa thì sẽ ảnh hưởng đến tổng đầu tư”.
Nên quan tâm vùng khó khăn
Trong khi đó, trước những quan ngại về lượng vốn cho phát triển trong năm tới có thể sụt giảm, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần cân đối lại các tiêu chí và có ưu tiên đối với các khu vực khó khăn. Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) nói rằng, ông cơ bản tán thành nguyên tắc phân bổ ngân sách 2013, nhưng để đảm bảo cơ cấu vùng miền, đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung ưu tiên cho miền núi, biên giới hải đảo… Với các tỉnh miền núi việc phân bổ ngân sách như vậy sẽ rất khó khăn. Nhiều năm nay, đầu tư cho thủy lợi, đường sá, các công trình công cộng chỉ đáp ứng khoảng 30-35% nhu cầu.
“Người dân chia sẻ khó khăn của đất nước, nhưng với những nhu cầu thiết yếu mà từ hàng chục năm nay chưa được đáp ứng, họ rất băn khoăn”, đại biểu Nguyễn Công Bình nói và đề xuất: “Chính phủ cần quan tâm bổ sung nguyên tắc phân bổ để hỗ trợ một số vấn đề thiết yếu của người dân”.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thành Tâm lưu ý thêm: với nguồn vốn hạn hẹp, trong quá trình rà soát phân bổ cần xem xét đến các công trình thiết yếu, quan tâm đầu tư đối với lĩnh vực thủy lợi, giao thông… để phát triển sản xuất và thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng lưu ý rằng, hướng phân bổ ngân sách năm 2013 chủ yếu ưu tiên cho các địa phương. Cụ thể là trong bố trí ngân sách cho đầu tư phát triển 180 nghìn tỷ đồng, Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ cân đối trong ngân sách của các địa phương tới 93.100 tỷ đồng, chiếm trên 50% tổng vốn.
Phần còn lại, ngân sách Nhà nước tiếp tục chi bù đắp cho Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, dự trữ... khoảng 10%, tức xấp xỉ 20 nghìn tỷ đồng nữa. “Số thực tế còn lại của ngân sách Trung ương chỉ có 66 nghìn tỷ đồng”, ông Vinh thông tin thêm. Nhưng chưa hết, khoản còn lại đó vẫn tiếp tục hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia và hỗ trợ chương trình có mục tiêu 39 nghìn tỷ đồng, đều là các khoản dành cho địa phương. Nên cuối cùng, phần phân bổ cho các địa phương chiếm tới 73% trên tổng số vốn đầu tư phát triển 180 nghìn tỷ đồng, Trung ương chỉ có 27 nghìn tỷ đồng cho tất cả các nhu cầu.
“Hiến kế” tăng thu, nâng hiệu quả vốn
Cũng trong phiên họp chiều 31/10, nhiều đại biểu Quốc hội đã “hiến kế” tăng thu cho ngân sách, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn đầu tư phát triển. Đại biểu Nguyễn Công Bình (Yên Bái) đồng tình với quan điểm tăng phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công trình, nhưng có xem xét trong kế hoạch phát hành trái phiếu đến năm 2015, để tạo điều kiện công trình được đẩy nhanh tiến độ, nhanh chóng đi vào hoạt động, nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển theo đúng ý nghĩa của nguồn vốn này.
Một nghịch lý giữa nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản khó khăn, trong khi hàng tồn kho bất động sản lên đến hàng nghìn căn, đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề xuất giải pháp chuyển đổi nhà chung cư thành bệnh viện, nhà ở cho công nhân, giáo viên… “Có chính sách gì để phát hành trái phiếu công trình mua các khu nhà này làm bệnh viện được không? Bất động sản tồn kho trong khi bệnh viện quá tải, nhà đầu tư phải chia sẻ với nhà nước chỗ này”, ông nói. Chia sẻ một phần quan điểm trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, để tăng nguồn thu cho ngân sách có thể tăng thu từ đất đai. “Nếu đưa được lượng bất động sản vào lưu thông sẽ tạo nguồn thu không nhỏ cho ngân sách”, ông nói.
Nhiều đại biểu cũng đề xuất các nhóm giải pháp không mới nhưng yêu cầu thực thi mạnh tay hơn, liên quan đến chống thất thu thuế. Đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) đề nghị, để tăng thu ngân sách, Chính phủ cần tập trung vào xử lý nợ đọng thuế, cả nội địa và xuất nhập khẩu về dưới mức cho phép; tổ chức kiểm soát chống chuyển giá, gửi giá; tập trung kiểm soát chặt thu thuế vào các lĩnh vực đất đai, xây dựng, là khu vực dễ gây tham ô, lãng phí, dư địa cho lợi ích nhóm…
Đại biểu Nguyễn Văn Phúc lưu ý thêm đến khu vực doanh nghiệp (DN) FDI. Theo các tính toán của ông, đóng góp vào ngân sách của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hạn chế hơn nhiều so với khu vực DNNN và DN tư nhân. Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực DN FDI khởi sắc hơn rất nhiều, song nguồn thu lại có phần giảm sút so với dự toán, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan gần đây.
Kết thúc phiên thảo luận chiều ngày 31/10, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng, đối với vấn đề phân bổ ngân sách năm 2013, Quốc hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, hợp lý phù hợp tình hình hiện nay. Bà nhấn mạnh ý này vì “nhu cầu bao giờ cũng cao hơn nguồn thu”. Ở góc nhìn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu thêm lưu ý, một trong những vấn đề bức xúc là đầu tư dàn trải và hiệu quả kém. “Đó là một thực tiễn mà chúng ta rất trăn trở”, ông nói.
Anh Quân
thời báo ngân hàng
|