Thứ Bảy, 24/11/2012 16:20

Năm giải pháp khơi thông thị trường bất động sản

Để tháo gỡ khó khăn, khơi thông thị trường bất động sản (BĐS), Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA) đã đề xuất 5 giải pháp chính.

Theo HOREA, đây là các giải pháp cơ bản nhất.

Thứ nhất, giải quyết hàng tồn kho cũng chính là giải quyết tính thanh khoản và nợ xấu của thị trường BĐS. Theo đó, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ tín dụng ưu đãi (khoảng 8%/năm trong thời hạn từ 5 đến 10 năm) cho người mua căn hộ đầu tiên, người đang ở chật hẹp (dưới 5 m2/người) để mua căn hộ. Ngân hàng liên kết và hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để cấp tín dụng cho người mua nhà. Đồng thời, đề nghị Nhà nước có kế hoạch mua lại các dự án căn hộ có diện tích phù hợp để phục vụ chương trình tái định cư và làm quỹ nhà ở xã hội, như TP.HCM đã thực hiện. Bên cạnh đó, đề nghị mở rộng điều kiện cho người nước ngoài được sở hữu căn hộ tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh tình trạng người nước ngoài cạnh tranh với đông đảo người thu nhập thấp trong nước, đề nghị quy định 2 điều kiện: chỉ được mua căn hộ có mức giá không thấp hơn 30 triệu đồng/m2 và chỉ được mua căn hộ tại những khu vực được quy định để đảm bảo an ninh, an toàn.

Thứ hai, tập trung giải quyết nợ xấu của DN BĐS; xem xét cho các DN BĐS được cơ cấu lại các khoản nợ vay cũ đang chịu lãi suất rất cao (trên dưới 20%/năm) để chuyển sang hưởng mức lãi suất theo chính sách hiện nay. Đồng thời, xem xét cho các DN BĐS được tiếp cận các khoản vay tín dụng mới để tiếp tục hoàn thiện công trình.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất theo tiến độ kinh doanh sản phẩm của DN và giãn tiến độ nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Đề nghị sửa đổi Thông tư số 16/2010/TT-BXD ngày 1/9/2010 của Bộ Xây dựng, để cho phép người mua căn hộ đã có biên bản bàn giao căn hộ, nhưng chưa có chủ quyền được chuyển nhượng căn hộ.

Thứ ba, kiến nghị cho phép điều chỉnh công năng dự án, điều chỉnh quy hoạch chi tiết và thiết kế căn hộ theo hướng tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của đông đảo người tiêu dùng trên thị trường. Cần hoàn chỉnh quy hoạch phát triển đô thị toàn quốc và từng vùng. Ngăn chặn ngay tình trạng phát triển đô thị tự phát; coi trọng công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị.

Đề nghị cho phép điều chỉnh công năng các dự án nhà ở để sử dụng có hiệu quả đất dự án vào các mục đích thương mại, dịch vụ… theo cam kết của chủ đầu tư với chính quyền địa phương.

Đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành mới bộ quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế chung cư căn hộ vừa và nhỏ để các DN có cơ sở thực hiện. Đề nghị bãi bỏ quy định tỷ lệ căn hộ trong chung cư theo công thức 1-2-1, chuyển sang quy mô căn hộ do DN tự lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu của thị trường và phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Thứ tư, về lâu dài, kiến nghị Chính phủ và các bộ có biện pháp tổng thể để làm giảm mặt bằng giá BĐS ở Việt Nam; đề nghị giảm thuế suất thu nhập DN xuống còn 20%. Hiện cơ cấu chính của giá thành BĐS như sau: chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao; chi phí nộp tiền sử dụng đất cao; chi phí vốn cao (chủ yếu là lãi vay quá cao); chi phí xây dựng, nguyên nhiên vật liệu, nhân công cao; thuế và các chi phí khác quá cao.

Thứ năm, về chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, đề nghị có chương trình - mục tiêu quốc gia về phát triển căn hộ cho thuê giá bình dân (khoảng 2 triệu đồng/căn hộ/tháng) để đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị và góp phần làm thay đổi nhận thức, thói quen cũ để chuyển qua lựa chọn mô hình ở nhà thuê.

Có chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển căn hộ bán trả góp dài hạn 20 - 30 năm với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho người có một phần điều kiện tài chính và có thu nhập ổn định có khả năng sở hữu căn hộ…

Để xây dựng thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch và bền vững, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, tầm nhìn dài hạn và có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan bộ, ngành nhằm phát huy cao độ vai trò của đội ngũ doanh nhân và DN BĐS. Sự phối hợp đó bao gồm từ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật (Quốc hội), điều hành thông suốt từ Chính phủ đến các bộ, chính quyền địa phương, đặc biệt là vai trò của Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cùng 2 đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Lê Hoàng Châu

đầu tư

Các tin tức khác

>   Bó tay với “cho thuê lại đất” (24/11/2012)

>   Ngân hàng thận trọng đẩy vốn vào bất động sản (24/11/2012)

>   Chung cư mini 'gục ngã', hết đất sống? (24/11/2012)

>   Quốc hội yêu cầu “phá băng” bất động sản! (23/11/2012)

>   Đua giành thị phần căn hộ 700 triệu đồng (23/11/2012)

>   Không gia hạn 29 dự án bồi thường dưới 50% diện tích (23/11/2012)

>   Hải Phát có “giật gấu vá vai”? (23/11/2012)

>   Hà Nội sẽ áp hệ số đền bù đất đai theo từng khu vực (23/11/2012)

>   Bỏ hoang đất 'vàng' (23/11/2012)

>   Giá giảm mạnh, địa ốc Hà Nội vẫn “bất động” (23/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật