Thứ Sáu, 02/11/2012 18:58

Liên minh ngân hàng và triển vọng chấm dứt khủng hoảng nợ châu Âu

Tại Hội nghị thượng đỉnh EU tổ chức ngày 18-19/10/2012 tại Brussels, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nhất trí thành lập một liên minh ngân hàng, cơ quan trực thuộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), với chức năng phòng ngừa và giải quyết các vụ phá sản ngân hàng.

 

Cụ thể là, cơ quan này thực hiện giám sát các ngân hàng nhằm đề phòng rủi ro có thể xảy ra đối nền kinh tế và hệ thống tài chính của một nước thành viên, bắt buộc 6.000 ngân hàng trong khu vực euro phải chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, thực hiện tái cơ cấu nếu nợ xấu quá cao. Nguồn vốn để can thiệp trong trường hợp cần thiết do các ngân hàng đóng góp 1% vốn tự có, đây là một hình thức bảo lãnh tiền ủy thác để xử lý các vấn đề về ngân hàng.

Các nhà phân tích và đầu tư coi đây là bước tiến quan trọng, ngành Ngân hàng sẽ tự giải quyết những khó khăn của các ngân hàng, điều này có thể giúp các nước euro sớm thoát khỏi khủng hoảng nợ công hiện nay, chấm dứt tình trạng các Chính phủ phải can thiệp khi nợ xấu đe dọa sự tồn tại của một ngân hàng nhằm ngăn chặn rủi ro hệ thống như đang xảy ra tại Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và một số nước euro. Do ngân sách hạn hẹp, nên hình thức can thiệp này thường buộc các Chính phủ phải đi vay với lãi suất cao, làm tăng thâm hụt và dẫn đến vòng lạm phát luẩn quẩn.

Đa số các nước euro mong muốn liên minh ngân hàng châu Âu sớm đi vào hoạt động ngay từ đầu năm 2013. Tuy nhiên, CHLB Đức muốn trì hoãn lộ trình thực hiện cho tới cuối năm 2013 hoặc lâu hơn. Hơn nữa, để liên minh ngân hàng đi vào hoạt động, cần hình thành các qui định cụ thể về cơ chế giám sát ngân hàng và quĩ hỗ trợ các ngân hàng, điều này sẽ vấp phải sự phản đối của 10 nước EU vốn không thuộc khu vực euro. Trong đó, vương quốc Anh muốn được quyền can thiệp vào các hoạt động ngân hàng của khu vực euro và toàn EU. Vấn đề liên quan đến ngân sách chung và khuôn khổ chính sách kinh tế cũng cần được thảo luận kỹ hơn, làm nền tảng xây dựng một liên minh kinh tế và tiền tệ hợp nhất dựa trên hiến pháp cũng như các qui định pháp lý của EU. Đây là những vấn đề đòi hỏi phải có thời gian và sự thống nhất chung của các nước EU, nên rất khó thành công trong ngắn hạn. Trong khi đó, tình hình khu vực euro đang cấp bách và cần các biện pháp khẩn cấp, mà nguồn vốn chỉ là một vấn đề cần giải quyết, vấn đề nóng bỏng tại khu vực này là năng lực cạnh tranh bị suy giảm mạnh và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Mỹ phục hồi chậm, tăng trưởng chậm dần tại tại Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế mới nổi khác đang làm tăng thêm mức độ trầm trọng của kinh tế toàn cầu, việc tăng cường năng lực cạnh tranh của các nước khu vực euro là thách thức lớn nhất và không thể cải thiện được trong ngắn hạn. Trong điều kiện như vậy, các doanh nghiệp rất thận trọng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, mặc dù lãi suất cho vay quá thấp. Đây là lý do khiến CHLB Đức vẫn giữ quan điểm cho rằng, cần tăng cường kỷ luật tài chính theo hướng kiểm soát chặt chẽ ngân sách của các quốc gia thành viên trước khi có liên minh tài chính, chứ không chỉ đơn thuần là kiểm soát hệ thống ngân hàng.

Để liên minh ngân hàng đi vào hoạt động với một cơ chế giám sát hiệu quả, các nước euro cần tập trung vào cải cách hệ thống tài chính vốn đang quá cồng kềnh và ôm đồm quá nhiều dịch vụ, làm tăng chi phí trung gian, chi phối các hoạt động kinh tế - xã hội quốc gia. Tại hầu hết các nước trong khu vực, số người làm việc trong khu vực tài chính chiếm trên 3,5% tổng số lao động trong nền kinh tế, và điều này đang gây thiệt hại cho tăng trưởng kinh tế. Theo đánh giá của các nhà kinh tế hàng đầu thế giới, khi số người trong khu vực tài chính vượt mức 3,9% tổng số lao động, khu vực tài chính sẽ gây hại hơn là mang lại lợi ích. Khu vực tài chính tăng càng nhanh, thì nền kinh tế càng tăng chậm lại. Tính từ năm 2005, số việc làm trong lĩnh vực tài chính của Ireland tăng trung bình 4,1% và chiếm 4,6% tổng số lao động, trong khi GDP trên đầu người giảm 2,7%/năm. Tại Tây Ban Nha, số lao động trong khu vực tài chính tăng trung bình 1,4% trong những năm qua, trong khi GDP bình quân đầu người giảm tương tự 1,4%/năm.

Sau Hội nghị này, khu vực euro cũng cần nhanh chóng thông qua các biện pháp tiếp theo, đảm bảo việc làm cho thanh niên và thiết lập hệ thống xã hội hiệu quả cũng như tiến hành các cải cách cơ cấu một cách toàn diện để có thể tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhìn chung, mặc dù còn nhiều việc phải làm, Hội nghị thượng đỉnh lần này đã tập trung bàn thảo các biện pháp dài hạn và vì sự sống còn của khu vực euro theo hướng thúc đẩy hội nhập kinh tế - tiền tệ một cách quyết liệt hơn.

Quang Hải

SBV

Các tin tức khác

>   Citigroup, Deutsche Bank, HSBC và JPMorgan Chase bị yêu cầu tăng vốn đệm (02/11/2012)

>   BoE không triển khai thêm gói QE trong năm nay (02/11/2012)

>   Iran phá thế bao vây bằng vàng (02/11/2012)

>   Môi trường kinh doanh Indonesia tiếp tục cải thiện (01/11/2012)

>   Kinh tế châu Á đã chạm đáy (01/11/2012)

>   Thêm một nước "dọa" phủ quyết ngân sách của EU (01/11/2012)

>   Trung Quốc bơm kỷ lục hơn 60 tỷ USD vào hệ thống tài chính (01/11/2012)

>   Huy động vàng trong dân: Chuyện ở... Thổ Nhĩ Kỳ (01/11/2012)

>   Malaysia đóng cửa DN vàng vì kinh doanh trái phép (01/11/2012)

>   Deutsche Bank sa thải 1.993 người (31/10/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật