Không thể tổ chức Asiad với 150 triệu USD
Theo đề án đăng cai Asiad 2019 mà Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ, tổng chi dự kiến để tổ chức Asiad 18 năm 2019 là 4.126 tỉ đồng.
Trong đó, tổng chi phí (trừ nguồn dự kiến thu về từ Asiad là 1.012 tỉ đồng) để chuẩn bị và tổ chức đại hội là 3.149 tỉ đồng (150 triệu USD). Số tiền này thậm chí thấp hơn cả kinh phí 4.700 tỉ đồng để tổ chức SEA Games 2003 của 16 năm về trước. Mặt khác, rà soát quá trình xây dựng đề án đăng cai Asiad 2019 của Ủy ban Olympic VN và Bộ VH-TT&DL từ năm 2009 đến nay, con số dự trù thay đổi liên tục theo từng thời điểm.
Giảm chi, tăng thu sau mỗi lần sửa đổi
Theo đề án đăng cai Asiad 2019 do Ủy ban Olympic VN xây dựng năm 2010, khái toán kinh phí chuẩn bị và tổ chức Asiad 18 là 5.155 tỉ đồng. Cụ thể, chi phí đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa các công trình phục vụ thi đấu là 3.200 tỉ đồng.
Theo các quan chức thể thao, trong bảy năm tới theo quy hoạch của Chính phủ về phát triển thủ đô thì Hà Nội sẽ có tám cây cầu bắc qua sông Hồng, hàng chục đường cao tốc đi các địa phương... Những chi phí này không được tính vào chi phí cho Asiad vì Asiad chỉ “ăn theo” quy hoạch của Hà Nội. |
Trong đó 500 tỉ đồng để cải tạo các nhà thi đấu tại Hà Nội; 200 tỉ đồng cải tạo các nhà thi đấu ở địa phương lân cận; 2.500 tỉ đồng cải tạo và xây mới Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, khu 200ha ở Đông Anh, kênh đua thuyền rowing và canoeing tại Hải Phòng. Chi phí tổ chức đại hội trong đề án này dự kiến là 1.605 tỉ đồng. Chi phí tập huấn và thưởng cho đoàn thể thao VN là 250 tỉ đồng. Tổng số tiền thu về của Asiad 2019 dự kiến là 185,5 tỉ đồng. Trong đó có 980 triệu đồng từ bán vé, 179 tỉ đồng lệ phí từ các đoàn và các khoản thu khác là 5 tỉ đồng.
Với đề án này, sau khi gửi lên xin ý kiến các bộ ngành, địa phương đều nhận được sự đồng tình ủng hộ, trừ Bộ Tài chính. Ngày 9-4-2011, trong công văn số 4683 của Bộ Tài chính do bà Nguyễn Thị Minh - thứ trưởng - ký gửi Bộ VH-TT&DL cho ý kiến về đề án đăng cai Asiad 2019 ghi: “Khái toán kinh phí và cơ cấu nguồn theo kế hoạch của Bộ VH-TT&DL tổng mức ngân sách là 5.155 tỉ đồng, trong đó nguồn khác là 185,5 tỉ đồng (chiếm 4%), ngân sách nhà nước 4.970 tỉ đồng (chiếm 96%) sẽ là gánh nặng với ngân sách nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, đây chỉ là con số khái toán khiêm tốn, trong thực tế khi tính toán dự toán chi tiết khả năng còn cao hơn nhiều so với dự kiến nêu trên. Trong bối cảnh cân đối ngân sách nhà nước những năm tới còn khó khăn, vẫn phải tiếp tục ưu tiên bố trí chi phí phát triển hạ tầng thiết yếu, đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Vì vậy trong trường hợp chi phí tổ chức đại hội chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, đề nghị chưa nên đăng cai mà để đến khi điều kiện kinh tế VN cho phép”.
Sau nhiều lần sửa đổi, tháng 6-2012 Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ đề án đăng cai Asiad 2019 với con số kinh phí giảm từ 5.155 tỉ đồng còn 4.162 tỉ đồng. Trong đó con số thực chi dự tính chỉ là 3.149 tỉ đồng (150 triệu USD). Nhiều khoản chi trong đề án cũ đã bị cắt. Hơn nữa, chi phí thu về đột ngột tăng từ 185,5 tỉ đồng lên 1.012 tỉ đồng (trong đó có tới 840 tỉ đồng dự kiến thu từ tài trợ, quảng cáo, bản quyền; thu từ tiền bán vé từ 980 triệu đồng tăng lên 30 tỉ đồng).
Bài học từ SEA Games 2003
Theo đề án đăng cai Asiad 18 của VN, tất cả công trình xây dựng, chi phí tổ chức đều lấy từ ngân sách nhà nước. Duy nhất chỉ có làng VĐV Asiad dự kiến xây dựng tại Thượng Thanh, Q.Long Biên (Hà Nội) là xã hội hóa sau đó để bán. Các chi phí để tổ chức đại hội khái toán đến thời điểm này trong đề án như sau: chi phí đặt cọc cho Hội đồng Olympic châu Á (OCA) một tháng sau khi đăng cai Asiad là 1 triệu USD (21 tỉ đồng). Chi phí ký hợp đồng quảng cáo, tiếp thị với OCA một năm sau khi giành quyền đăng cai Asiad là 15 triệu USD (315 tỉ đồng). Chi phí nâng cấp các công trình thể thao là 568 tỉ đồng. Chi phí xây mới các công trình thể thao là 2.263 tỉ đồng. Chi phí cho các tiểu ban chuyên môn của đại hội là 1.330 tỉ đồng. Tổng chi phí cho các hạng mục này đã là 4.497 tỉ đồng.
Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ là sơ bộ. Toàn bộ số tiền hàng ngàn tỉ đồng để chuẩn bị lực lượng VĐV trong bảy năm của thể thao VN cho Asiad 2019 không được đưa vào chi phí tổ chức Asiad mà quy về nguồn ngân sách hằng năm cấp cho Bộ VH-TT&DL và các địa phương. Ông Cấn Văn Nghĩa, giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, cho biết dự tính xây tổ hợp ba nhà thi đấu đa năng sẽ tốn 70 triệu USD, sân đua xe đạp lòng chảo tốn khoảng 250 triệu USD. Tuy nhiên hiện nay chỉ có sân đua xe đạp lòng chảo là đang tiến hành liên doanh liên kết xã hội hóa, 70 triệu USD xây nhà thi đấu sẽ do ngân sách cấp.
Để tổ chức Asiad, làng thể thao Asiad tại Xuân Canh, Xuân Trạch (huyện Đông Anh) với tổ hợp các công trình: 13 sân quần vợt đạt tiêu chuẩn quốc tế, sân thi đấu bóng bầu dục, sân thi đấu bóng chày, khu tập luyện và thi đấu môn đua ngựa, sân thi đấu hockey, nhà điều hành y tế, nhà ở VĐV... sẽ phải xây dựng mới. Tất cả chi phí này mới chỉ là khái toán.
GS Dương Nghiệp Chí, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết thực tế khi đại hội diễn ra còn phát sinh hàng trăm khoản đầu tư lớn từ dụng cụ thi đấu, y tế, trao thưởng, an ninh, đặc biệt là chi phí xây dựng công trình... Cũng từ đây, rất nhiều chuyên gia cho rằng số kinh phí 150 triệu USD siêu tiết kiệm để tổ chức Asiad 2019 chỉ là “không tưởng”. Và bài học từ SEA Games 23 đội chi phí gấp 4-5 lần là minh chứng rõ nhất.
K.XUÂN
“Tổ chức Asiad không đến tỉ USD”
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Hoàng Tuấn Anh, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhanh của Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội chiều 12-11.
* Thưa bộ trưởng, kinh phí dự kiến để tổ chức Asiad 2019 tại VN là 150 triệu USD. Một số chuyên gia cho rằng số tiền này khó khả thi để tổ chức được Asiad và nhiều khả năng sẽ phát sinh?
- Tinh thần là chúng ta phải cố gắng ở mức cao nhất. Trên thực tế bây giờ chúng ta đã có cơ sở hạ tầng sẵn và những cơ sở này hoàn toàn có thể được sử dụng cho Asiad 2019. Nói như vậy bởi thông qua SEA Games 2003 và Đại hội thể thao châu Á trong nhà 2009, chúng ta đã xây dựng cơ sở hạ tầng.
* Số liệu tổng hợp từ một số nước cho thấy tổ chức Asiad có thể lên tới 1-2 tỉ USD. Như Asiad 17 diễn ra tại TP Incheon (Hàn Quốc) vào năm 2014 có tổng chi phí ước tính ban đầu khoảng 1,62 tỉ USD?
- Mình không đến đâu! Chúng ta còn kêu gọi xã hội. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là phải đẩy mạnh xã hội hóa. Ví dụ như đua xe lòng chảo là sẽ xã hội hóa và đã có nhà đầu tư.
* Những công việc trước mắt để tổ chức Asiad 2019 là gì, thưa bộ trưởng?
- Đó là: 1. Trình Thủ tướng thành lập ban chỉ đạo, ban triển khai Asiad 2019. 2. Trước đây chúng ta xây dựng đề án đăng cai Asiad, bây giờ chúng ta xây dựng một đề án tổ chức. 3. Làm đề án đào tạo VĐV. 4. Làm đề án về xây dựng cơ sở vật chất. 5. Thực hiện đề án quảng bá Asiad 2019 tổ chức tại VN.
V.V.THÀNH thực hiện
|
Bình luận
Quốc hội cần để mắt đến Asiad 2019
Trong suốt quá trình vận động đăng cai Asiad 2019, người dân VN chỉ nghe được thông tin từ những người có trách nhiệm rằng chi phí tổ chức cho đại hội này chỉ là 150 triệu USD. Tuy nhiên, đến bây giờ thì những người có trách nhiệm mới bắt đầu hé lộ những mức chi phí khác, ví dụ người ta cho rằng con số 150 triệu USD chỉ mới là chi phí tổ chức. Và như Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời ở trên đã cho biết “không đến tỉ USD”!
“Không đến tỉ USD” là bao nhiêu? Là 150 triệu USD hay 999 triệu USD?”.
Cũng trong nội dung trả lời của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh với PV Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội, ông đã đưa ra một dẫn chứng về sân bãi phục vụ Asiad 2019, đó là Cung xe đạp lòng chảo “sẽ xã hội hóa và đã có nhà đầu tư”. Theo nguồn tin đáng tin cậy của Tuổi Trẻ, đúng là đã có một nhà đầu tư Hàn Quốc đồng ý về cơ bản sẽ chi nửa tỉ USD để xây dựng Cung xe đạp lòng chảo cùng một tổ hợp dịch vụ thương mại (có một khách sạn năm sao) tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình. “Tuy nhiên, nhà đầu tư này có kèm theo điều kiện là VN phải chấp thuận cho họ tổ chức cá cược môn đua xe đạp lòng chảo, một loại hình cờ bạc đang khá thịnh hành ở Hàn Quốc” - một người có mặt trong đoàn cán bộ Bộ VH-TT&DL đi tham quan dịch vụ này tại Hàn Quốc cho biết.
Và về việc này, ngày 1-8-2012 Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến trong một văn bản chỉ đạo của Chính phủ, do Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam ký, như sau:”Bộ VH-TT&DL hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ dự án, trình cơ quan có thẩm quyền xin cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. Mục tiêu kinh doanh thí điểm dịch vụ cá cược thể thao chỉ triển khai sau khi dự án đã hoàn thành xây dựng và phải tuân thủ các quy định của pháp luật về lĩnh vực này tại thời điểm dự án đi vào vận hành”.
Nhưng nhà đầu tư đã không dám “đánh đu” số tiền nửa tỉ USD khi mục tiêu chính của họ không được cam kết, đảm bảo. Còn phía VN, ngay đề án cá cược bóng đá đã được triển khai từ nhiều năm nay nhưng đến giờ vẫn chưa đâu vào đâu, thì làm sao dám cam kết với nhà đầu tư về dịch vụ cá cược xe đạp. Vì vậy, ngay cái công trình mà Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tự hào khoe, đang rất là “bóng chim tăm cá”.
Hơn bao giờ hết, rất cần các vị đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều hơn đến Asiad 2019, ví dụ như cần có chất vấn dành cho bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; khi xung quanh sự kiện này còn có quá nhiều bức màn bao phủ, và đặc biệt đó là một sự kiện ngốn không ít tiền của dân.
HUY THỌ
|
TUỔI TRẺ
|