Thứ Tư, 07/11/2012 09:00

Khi tiền của nhà đầu tư bị… chôn

Chưa khi nào “tệ nạn” trong ngành chứng khoán được nhắc đến nhiều như hiện nay. Không ít nhà đầu tư từ bức xúc đến thở dài khi các trang báo nhắc đến một công ty chứng khoán hay nhân viên nào đó bị cơ quan quản lý sờ gáy vì những hành vi “đen tối”.

Báo chí nói nhiều, cơ quan quản lý lên tiếng nhưng sự việc đã đến đâu? Kết quả như thế nào thì hầu hết vẫn còn bỏ ngỏ.

Thử nhìn lại câu chuyện về Chứng khoán Trường Sơn (TSS), cách đây gần một năm khi vụ việc liên quan giữa hai nhà đầu tư Trần Thị Vượng, Phan Quang Dũng với TSS được “khui” ra.

Cụ thể, bà Trần Thị Vượng “bỗng dưng” phát sinh khoản lỗ 1.9 tỷ đồng trong tài khoản, trong đó gốc vay là 1.8 tỷ đồng đã được xác nhận thuộc trách nhiệm của nhân viên môi giới của TSS hồi đầu năm.

Đối với trường hợp ông Phan Quang Dũng, ông lần lượt ký hai hợp đồng môi giới trái phiếu chính phủ và cổ phiếu với tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng với TSS trong thời hạn 2 tháng. Tuy nhiên, TSS đã lần lữa nhiều lần không chịu thanh toán cả gốc lẫn lãi cho ông.

Đến nay, sau 10 tháng, trụ sở TSS “cửa đóng then cài”. Ngoài ra, theo thông tin trên ĐTCK thì hiện gần như toàn bộ nhân viên của TSS đã nghỉ việc, chỉ còn vài người ở lại để giải quyết nợ nần, chuyển tài khoản của khách hàng sang CTCK Navibank. Khi cần giải quyết vướng mắc phát sinh, TSS sẽ nhắn tin hoặc gọi điện cho khách hàng chứ khách hàng không thể chủ động liên lạc được.

Diễn biến mới nhất chỉ là việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đình chỉ hoạt động 6 tháng đối với TSS do không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

Mới đây, chúng tôi đã liên hệ với nhà đầu tư Trần Thị Vượng và Phan Quang Dũng, hai nạn nhân lên tiếng trong thời gian qua nhưng họ cho biết vẫn phải “chờ đợi” và chưa thấy có động tĩnh nào từ phía cơ quan chức năng cũng như từ TSS.

Cụ thể, bà Vượng chia sẻ, bà đã gửi hồ sơ cũng như đơn tố cáo lên Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an từ tháng 1/2012 nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng nào từ các cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó tài khoản của bà vẫn bị phong tỏa từ tháng 12/2011 và chưa biết bao giờ mới được “hoạt động” trở lại. Tiền, cổ phiếu và cổ tức bị “chết”… vô thời hạn.

Trả lời về việc TSS từng đề nghị chia đôi khoản nợ gốc của tài khoản Khúc Xuyền (chồng bà), đến tháng 5/2011 là 1.8 tỷ đồng, tính cả lãi đến thời điểm 3/5/2012 là 2.5 tỷ đồng thì bà Vượng cho biết bà không đồng ý với đề nghị này vì “tôi không giao dịch hay ký bất cứ giấy tờ nào cả”.

Hôm 29/10 vừa qua, ông Dũng cũng cho hay, vị lãnh đạo của TSS vừa đi nước ngoài về được hai ngày. Công ty có đề nghị ông rút đơn tố cáo và sẽ trả từ từ nhưng theo ông, phía TSS vẫn chỉ đưa ra những lời hứa suông từ đó đến nay, vì thế ông chỉ “mong lấy lại được đúng phần vốn mình bỏ ra chứ không trông chờ gì đến lãi nữa”.

Theo BCTC 2011 của TSS, ngoài ông Dũng tham gia ký quỹ môi giới trái phiếu Chính phủ còn có thêm một số thành viên khác với tổng số tiền hơn 34 tỷ đồng.

Thực tế những gì diễn ra hiện nay cũng là lời cảnh báo cho các nhà đầu tư, hiện tượng như TSS đang dần lộ diện tại nhiều công ty chứng khoán dưới nhiều hình thức khác nhau như TAS, HCM, SBS, GBS

Vì thế, nhà đầu tư cần phải biết tự bảo vệ cho chính bản thân mình, “chọn mặt gửi vàng” tại những công ty chứng khoán có uy tín trên thị trường để phòng ngừa những rủi ro ảnh hưởng đến đồng vốn của mình. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra tài khoản, kể cả khi không có giao dịch để đề phòng những trường hợp tiền và chứng khoán “không cánh mà bay”.

CTCP Chứng khoán Trường Sơn (TSS) có vốn điều lệ 41 tỷ đồng, được thành lập vào năm 2008 với 5 cổ đông sáng lập gồm: CTCP Đầu tư Việt Nam 51%, Ngân hàng Việt Á (VietABank) 10.2%, ông Hoàng Minh Trường 18.4%, ông Phạm Ngọc Thắng 10.2%, ông Đào Hoàng Tuấn 10.2%.

Tuy nhiên, trong năm 2010 và 2011 thì VietABank và ông Phạm Ngọc Thắng đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho ông Hoàng Minh Trường (Ủy viên HĐQT của TSS).

 

Báo cáo tài chính gần đây nhất mà TSS công bố là báo cáo kiếm toán 2011. Theo đó, tính đến 31/12/2011, TSS lỗ lũy kế 24.6 tỷ đồng, chiếm 60% vốn đầu tư của chủ sở hữu. Khoản phải trả ngắn hạn cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (nay đã hợp nhất vào Ngân hàng Sài Gòn - SCB) về việc hợp tác để cung cấp dịch vụ cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán là 43.6 tỷ đồng; khoản tiền nhận của CTCP Điện lực Hà Nội là 29 tỷ đồng để môi giới trái phiếu chính phủ chưa mua được. Đơn vị kiểm toán cho biết, công ty chưa có nguồn lực tài chính nào trong tương lai để thanh toán các khoản nợ này.


Minh An (Vietstock)

Ffn

Bà Trần Thị Vượng cùng chồng và con trai có mở tài khoản tại TSS, môi giới làm việc cùng bà lúc này là bà Bùi Thị Duyên.

Bà Vượng có ủy thác bằng lời cho môi giới Duyên đầu tư, cứ 6 tháng chia lãi một lần với tỷ lệ 50:50, chỉ được lỗ tối đa 200 triệu đồng và tuyệt đối không được động đến tài khoản của bà và con trai bà. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 1/2012, bà Vượng chưa một lần được chia lãi.

Đến tháng 5/2011, tài khoản của chồng bà phát sinh khoản lỗ 1.9 tỷ đồng, trong đó gốc vay là 1.8 tỷ đồng. Biên bản làm việc giữa TSS, môi giới Duyên và bà Trần Thị Vượng cho thấy môi giới Duyên xác nhận thỏa thuận với bà Vượng và nhận trách nhiệm về số nợ trên tài khoản Khúc Xuyền (chồng bà). Phía TSS xác nhận số nợ trên tài khoản Khúc Xuyền thuộc trách nhiệm môi giới Bùi Thị Duyên và môi giới Duyên có trách nhiệm hoàn trả số nợ cho Công ty.

Tháng 12/2011, bà Vượng đến TSS làm thủ tục tất toán chuyển tài khoản sang CTCK khác do TSS rút dịch vụ môi giới bắt đầu từ ngày 31/12/2011. Tuy nhiên, phía TSS đã từ chối lệnh rút tiền và phong tỏa tài khoản Trần Thị Vượng để trả khoản lỗ nói trên.

Ngày 12/9/2011, ông Phan Quang Dũng và TSS đã ký hợp đồng môi giới trái phiếu chính phủ và cổ phiếu với tổng giá trị 3.42 tỷ đồng. Thời gian thực hiện là 2 tháng kể từ ngày 12/09 đến ngày 12/11/2011. Nếu hết thời gian thực hiện ghi trong hợp đồng mà TSS vẫn không mua được chứng khoán theo yêu cầu thì phải chuyển trả cho ông Dũng toàn bộ số tiền 3.42 tỷ đồng và chi phí lãi vay là 19%/năm.

Ngày 16/9/2011, ông Dũng tiếp tục ký một hợp đồng nữa với TSS, theo đó, ông này bỏ thêm 750 triệu đồng để mua trái phiếu chính phủ do TSS làm môi giới. Thời hạn hợp đồng cũng là 2 tháng, hết hạn vào ngày 16/11/2011.

Đến ngày đáo hạn, TSS không thanh toán tiền cho ông Dũng. Ngày 15/11/2011, TSS đã có giấy cam kết xác nhận số nợ với ông Dũng là 4.17 tỷ đồng và đưa ra lộ trình trả nợ “nhiều lần”. Tuy nhiên, quá thời hạn, ông Dũng vẫn không nhận được số tiền này.

Các tin tức khác

>   SVT: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu (06/11/2012)

>   VC3: Lấy ý kiến điều chỉnh kế hoạch 2012 (06/11/2012)

>   Ma trận sở hữu ngành mía đường của gia đình Đặng - Huỳnh (06/11/2012)

>   Chỉ 19/704 DNNY có hoạt động IR tốt năm 2012 (06/11/2012)

>   06/11: Bản tin 20 giờ qua (06/11/2012)

>   Than ôi thị trường chứng khoán! (05/11/2012)

>   Gọi vốn quốc tế không dễ! (05/11/2012)

>   Triển vọng đầu tư mới tại Việt Nam (05/11/2012)

>   Các vùng hỗ trợ mạnh sắp bị phá vỡ hoàn toàn (05/11/2012)

>   INN: Thông qua danh sách cổ đông mua cổ phiếu lẻ, dôi dư (05/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật