Thứ Năm, 15/11/2012 15:10

Khai thác lậu quặng apatit hàng chục năm trời

Việc khai thác, chế biến, kinh doanh quặng apatit tại Cty TNHH một thành viên Apatit Việt Nam (Cty Apatit) thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam luôn thu hút sự chú ý của dư luận.

Đây là doanh nghiệp duy nhất khai thác quặng apatit đã gần 60 năm qua và từ những dấu hiệu “nhập nhèm” trong việc xuất khẩu, mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện Cty này tổ chức khai thác lậu quặng từ nhiều năm trời.

Khai thác khoáng sản không phép

Theo khảo sát của Bộ Công Thương, quặng apatit được thăm dò và xác định trữ lượng là 778 triệu tấn, trong đó quặng loại I là 31 triệu tấn, quặng loại II là 234 triệu tấn, quặng loại III là 222 triệu tấn và quặng loại IV là 291 triệu tấn. Trữ lượng đã thăm dò và dự báo khoảng 2,45 tỉ tấn.

Các khu vực dự kiến tập trung thăm dò địa chất trong giai đoạn quy hoạch như khu Tam Đỉnh - Làng Phúng; khu Phú Nhuận; quặng II khu trung tâm; vùng quặng Bát Xát - Lũng Pô; vùng Bảo Hà - Trái Hút; khu Bắc Nhạc Sơn từ khai trường 25 đến khai trường 29. Toàn bộ quặng apatit nằm tại địa bàn tỉnh Lào Cai và từ năm 1955 đến nay, việc khai thác được giao cho Cty Apatit thực hiện.

Những năm gần đây, sản lượng quặng apatit do Cty Apatit khai thác đạt khoảng từ 2 đến 2,5 triệu tấn/năm. Từ đầu năm cho đến hết tháng 9.2012, sản lượng quặng apatit đã khai thác và chế biến đạt hơn 1,8 triệu tấn.

Cuối tháng 10 vừa qua, cơ quan chức năng tại Lào Cai đã phát hiện từ nhiều năm nay Cty Apatit đã khai thác quặng apatit không phép tại bốn khai trường (khai trường số 11 - 12 - 13 - 14), còn khai trường số 17 khai thác sai lệch so với giấy phép của tỉnh Lào Cai cấp.

Nói về việc khai thác quặng apatit không phép nêu trên, ông Nguyễn Quang Huy - Tổng Giám đốc Cty Apatit - thừa nhận: “Việc khai thác này đã diễn ra từ hàng chục năm về trước, và đã trải qua nhiều đời giám đốc điều hành DN để lại. Giờ đây, một số khai trường đã đóng cửa và số còn lại đang tiến hành các phương án đóng cửa khai thác”.

Ông Huy cho biết: Thực tế trước đây đã có thời điểm phát hiện ra việc khai thác không phép, nên Cty đã ngừng khai thác để làm thủ tục cấp phép. Tuy nhiên, theo ông Huy thì năm 2006, đã có một lần Cty gửi hồ sơ về Bộ Tài nguyên & Môi trường, nhưng do thủ tục cấp phép gặp nhiều khó khăn, nên Cty lại tiếp tục khai thác, dù biết là không có phép.

Không ai chịu trách nhiệm?

Theo tính toán của ông Huy, những khai trường này có khối lượng apatit đã khai thác khoảng 3 triệu tấn/một khai trường. Như vậy, đã có khoảng 15 triệu tấn quặng apatit bị khai thác không có giấy phép (?).

Theo một cán bộ kỹ thuật lâu năm tại Cty Apatit, con số 3 triệu tấn/một khai trường là quá khiêm tốn, bởi hầu hết những khai trường này đều trên địa bàn TP.Lào Cai, có trữ lượng hàng chục triệu tấn.

Còn một chuyên gia ngành khoáng sản cho rằng: “Đây là một sai phạm nghiêm trọng. Ngoài việc gây thất thoát về tài nguyên khoáng sản, toàn bộ những khai trường trên đã không có đánh giá về tác động môi trường. Hệ lụy trong khai thác lậu sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân xung quanh”.

Vấn đề đặt ra là: Ai đã đánh giá về những thiệt hại kinh tế trong việc khai thác không phép của Cty Apatit? Trong đó, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của Cty Apatit, 9 tháng đầu năm 2012 sản lượng quặng đạt trên 1,8 triệu tấn, tổng giá trị sản xuất đạt 1.779 tỉ đồng, đóng gần 44,6 tỉ đồng tiền thuế tài nguyên. Đem số lượng quặng khai thác không phép của Cty Apatit đã thực hiện có thể sẽ tính ra được giá trị là bao nhiêu và những khoản phí về môi trường, thuế tài nguyên từ việc khai thác không phép đã gây thiệt hại đến mức nào.

Tuy nhiên khi được hỏi về hướng xử lý việc khai thác không phép trên, ông Huy cho biết: “Hiện đã xin tỉnh hoàn thiện thủ tục, trả lại mặt bằng những khai trường đã khai thác vào tháng 6.2013. Những sai phạm này là do lịch sử để lại”(?).

Như vậy rồi sẽ chẳng ai phải chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái nêu trên? Với cách xử lý như vừa nêu thì liệu tình trạng khai thác lậu quặng apatit có chấm dứt?

Câu hỏi được đặt ra là cho đến nay, có bao nhiêu quặng apatit bị Cty Apatit khai thác không phép? Đây là những điều bức xúc của dư luận đang rất cần được các cơ quan chức năng giải đáp.

Huy Bình

lao động

Các tin tức khác

>   Thanh tra Bộ NN&PTNT vào cuộc vụ "thiệt hại hơn 150 tỷ đồng tại Tổng Cty Thủy sản VN" (15/11/2012)

>   Choáng” với phí quốc lộ 51 (15/11/2012)

>   Ông Tập Cận Bình làm Tổng bí thư, chủ tịch quân ủy Trung Quốc (15/11/2012)

>   Văn phòng Trung ương Đảng thẩm định dự án casino Vân Đồn (15/11/2012)

>   Lùm xùm ở Công ty Nhóm Mua (15/11/2012)

>   Tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tăng lương 100.000 đồng/tháng (15/11/2012)

>   Quốc hội chất vấn thủ tướng: đoạn tuyệt xin lỗi (15/11/2012)

>   Đà Nẵng: Hụt ngân sách, hết tiền trả lương (15/11/2012)

>   Không thể tổ chức Asiad với 150 triệu USD (14/11/2012)

>   Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc (14/11/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật