Hùng Vương trên đường chi phối VTF
Nếu ý định gia tăng sở hữu ở CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (HOSE: VTF) thành công, VTF sẽ thuộc quyền chi phối của CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG).
Hợp nhất vào HVG sẽ giúp VTF có lợi thế về tài chính
|
Gia tăng sở hữu
Theo kế hoạch đã được công bố, ngày 8/12 tới, VTF sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Ngoài xin ý kiến cổ đông về dự tính huy động vốn hoạt động cho năm 2013, mục đích chính của lần triệu tập này là để cổ đông thông qua phương án cho HVG mua vượt 25% cổ phần ở VTF mà không cần chào mua công khai. Với cơ cấu cổ đông lớn và cổ đông nội bộ nắm hơn 70%, các chuyên gia đánh giá, không khó để kế hoạch này tìm được sự đồng thuận từ cổ đông.
HVG đã liên tục gia tăng sự hiện diện tại VTF. Ban đầu là mua toàn bộ 3 triệu cổ phần phát hành thêm của VTF (tháng 7/2012). Tiếp đó, cuối tháng 10, HVG tiếp tục đăng ký và mua công khai thành công 3 triệu cổ phiếu VTF, nâng tổng mức sở hữu ở VTF lên 6 triệu cổ phiếu, tương đương 28,54% vốn. Tính ra, HVG là cổ đông lớn thứ 2 của VTF, sau Công ty cổ phần Nuôi trồng thủy sản Hùng Vương miền Tây. Tuy nhiên, vì HVG góp 48% vốn ở Hùng Vương miền Tây, nên ảnh hưởng của HVG lên VTF trên thực tế lớn hơn nhiều so với tỷ trọng 28,54% vốn góp của HVG ở VTF.
Mới đây, Hùng Vương miền Tây đã hé lộ ý nguyện được rút vốn khỏi VTF. HVG dự kiến sẽ là đơn vị tiếp nhận toàn bộ 31,23% vốn VTF từ Hùng Vương miền Tây chuyển sang. Nếu thành công, HVG sẽ nâng sở hữu ở VTF lên 59,11%, đưa VTF trở thành công ty con của HVG, đúng như lộ trình và kế hoạch mà HVG dự tính thời điểm đầu năm.
Những tính toán
10 năm kể từ khi thành lập, Việt Thắng là doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và có tốc độ tăng trưởng tốt. Bất chấp những khó khăn kinh tế nói chung, cũng như ngành thủy sản riêng, doanh thu của VTF liên tục tăng trưởng, tăng gần 25% chỉ trong 9 tháng đầu năm. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2012 của VTF là 115,2 tỷ đồng, bằng 84% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận/cổ phần của VTF tính đến cuối quý III năm nay là hơn 6.000 đồng/cổ phiếu.
Về vị thế, VTF là doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi thủy sản lớn nhất cả nước, với tổng công suất ở các nhà máy trên 300.000 tấn/năm và duy trì được công suất này trong nhiều năm. Chính vì thế, ngay từ đầu năm 2012, ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT HVG đã có ý ngắm đến VTF. Theo tính toán của ông Minh, nếu hợp nhất VTF vào với HVG, chuỗi sản xuất, kinh doanh của HVG, từ khâu sản xuất thức ăn, nuôi trồng, chế biến đến xuất khẩu cá fillet sẽ được khép kín hơn. Thay vì thức ăn của VTF chỉ cung cấp khoảng 25% nhu cầu thức ăn cho HVG, thì sau sáp nhập, VTF cùng với Hùng Vương Tây Nam sẽ là 2 đơn vị cung cấp thức ăn chủ yếu cho HVG, đảm bảo tính ổn định và giá thành phù hợp, giúp HVG gia tăng lợi nhuận.
Kế hoạch nắm giữ cổ phần kiểm soát ở Việt Thắng đã được vạch sẵn trong chiến lược của Hùng Vương và được công bố rộng rãi với cổ đông trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông vừa qua.
Về phía VTF, theo ông Minh, hợp nhất vào HVG sẽ giúp VTF có lợi thế về tài chính. Một khi đã trở thành công ty con của HVG, HVG sẽ hỗ trợ dòng tiền cho VTF một cách dễ dàng. Ngoài ra, với lợi thế doanh nghiệp xuất khẩu đầu ngành, HVG sẽ là đơn vị cung cấp ngoại tệ cho VTF (mỗi năm, VTF cần 50 - 60 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu). Hơn nữa, sự hợp nhất sẽ giúp VTF phát triển mạnh hơn, đủ sức đối đầu với các đối thủ ngoại dưới sự hậu thuẫn của HVG.
Ngọc Thủy
đầu tư
|